Với năng lực trong nước chỉ đáp ứng được 1,5% nhu cầu, Chương trình phát triển cây bông vải đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 có ý nghĩa nâng cao giá trị gia tăng cho hàng vải sợi, may mặc sản xuất trong nước, giảm nhập siêu. Sau 2 năm đi vào thực hiện, mặc dù diện tích trồng bông đã bắt đầu được cải thiện, nhưng với những rào cản về thủ tục cấp phép còn phức tạp, sản xuất luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro… khiến mục tiêu đạt diện tích 76.000ha với năng suất 2 tấn/ha trở thành thách thức không nhỏ.
Công ty Cổ phần Thúy Đạt (Nam Định) chuyên sản xuất, xuất khẩu (XK) khăn, sợi đã đầu tư 17.000 USD (giai đoạn 10) cho Dự án (DA) trồng bông có tưới với diện tích 9.500ha. Tuy nhiên, một thực tế khá nghịch lý là mặc dù đã có Chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam do Chính phủ phê duyệt từ năm 2010 (gọi tắt là Quyết định 29), nhưng DA mà Công ty Thúy Đạt thực hiện lại được triển khai ở… Lào!
Chính sách chưa đủ thu hút
Theo ông Nguyễn Văn Châu - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thúy Đạt, một những nội dung mà Chương trình Phát triển cây bông vải nêu ra là bên cạnh sự chỉ đạo của các Bộ ngành, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sẽ là đơn vị đầu mối thực hiện, triển khai các DA trồng bông.
“Quyết định 29 của Chính phủ chỉ nêu ra các DN nằm trong Vinatex triển khai thực hiện chứ chưa phải khuyến khích tất cả các DN và thành phần kinh tế tham gia vào Chương trình. Trong khi muốn trồng cây bông nguyên liệu ở Việt Nam phải có đất, nhưng giờ đất đã được chia hết, không còn diện tích đủ lớn để trồng cây bông có hiệu quả. Việc trồng cây bông cũng có nhiều rủi ro, nên người dân không mặn mà tham gia, không kêu gọi được”, ông Châu nói.
Không có chính sách khuyến khích đầu tư, bắt buộc những DN tư nhân như Công ty Thúy Đạt phải tìm hướng đi mới để mở rộng thêm nguồn cung cho các nhà máy sợi đang luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu và phải NK. Từ Quyết định 482 ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia, sau gần 3 năm làm các thủ tục đầu tư, từ tháng 9/2012, DA của Công ty Thúy Đạt sẽ bắt đầu được triển khai tại Lào.
Theo tính toán của ông Châu, khi DA được thực hiện, với diện tích trồng bông là 3.500ha sẽ cho thu hoạch khoảng 7.000 tấn bông xơ. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa “thấm tháp” vào đâu so với nhu cầu cung ứng nguyên nhiên liệu cho các nhà máy sợi của Công ty. Mặc dù vậy, đối với DN như Thúy Đạt, việc tự sản xuất nguyên liệu có ý nghĩa lớn, giúp DN này tự cung ứng nguồn nguyên liệu, tránh được những biến động về giá đầu vào, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
DA trồng bông tại Lào của Công ty Thúy Đạt mặc dù phải mất gần 3 năm để hoàn thiện các thủ tục. Nhưng khi đánh giá về tiến độ triển khai thực hiện, ông Châu cho rằng quá trình triển khai vẫn nhanh so với việc xin cấp phép đầu tư trong nước. Bởi thực tế, ngay cả với các DA đầu tư trồng bông mà Vinatex triển khai trong 2 năm qua, tình trạng chậm tiến độ do thủ tục đầu tư phức tạp đã trở nên phổ biến với hầu hết DA trồng bông có tưới.
Đói vốn, vướng thủ tục
Công ty Cổ phần Sản xuất - Kinh doanh nguyên nhiên liệu dệt may Việt Nam (Vinatex Mart) là đơn vị được Vinatex giao nhiệm vụ khảo sát, tìm quỹ đất để xây dựng các trang trại bông mẫu có tưới ở một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Một số diện tích trồng mẫu mặc dù mang lại hiệu quả khá khả quan, nhưng khi triển khai mở rộng, Vinatex Mart gặp khá nhiều khó khăn do chưa có vùng quy hoạch với diện tích lớn.
Tại Ninh Thuận, mặc dù UBND tỉnh “ưu ái” lập 2 DA trang trại với quy mô 247ha, nhưng do vướng mắc về cơ chế chuyển đổi từ đất rừng nghèo sang sản xuất nông nghiệp, cùng tình trạng xâm canh lớn, nên đến nay, tỉnh vẫn chưa giao đất cho Vinatex Max triển khai DA. Còn tại Đăk Lăk, UBND tỉnh đã dành quỹ đất 192ha từ năm 2009 để lập DA. Nhưng cũng do vướng mắc về cơ chế chuyển đổi rừng nghèo sang đất nông nghiệp, thủ tục kéo dài hơn 2 năm, đến nay, Vinatex Max mới được khai hoang 98ha. Tỉnh Phú Yên dành 200ha để xây dựng khu nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, trong đó có quy hoạch trồng bông có tưới là 3.000 - 5.000ha, nhưng chi phí đền bù chỉ cho 5ha trồng mẫu đã lên đến 8,5 tỷ đồng đã đặt ra thách thức lớn.
Theo đánh giá của ông Trần Hoàng Dũng - Tổng giám đốc Vinatex Mart, mặc dù các tỉnh đều rất ủng hộ chủ trương trồng bông có tưới theo Chương trình của Chính phủ, nhưng việc triển khai, lập DA cụ thể lại gặp rất nhiều khó khăn.
“Đất nông nghiệp phần lớn đã có chủ, hoặc bị dân xâm canh, nên việc đền bù, giải phóng mặt bằng rất phức tạp và khả năng tài chính khó khăn. Với đất rừng nghèo, rừng kiệt đã có quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng đến nay thủ tục xin chuyển đổi rất phức tạp, chưa có tiền lệ, nên đến nay, Công ty chưa có vùng đất nào đủ lớn ít nhất 200ha để triển khai trang trại mẫu cơ giới hóa đồng bộ để rút kinh nghiệp triển khai đại trà”, ông Dũng nói.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc triển khai các chính sách của Quyết định 29 vẫn chưa có sự phối hợp từ Trung ương đến địa phương, nên các DN và nông dân vẫn chưa nhận được những hỗ trợ để thực hiện, như: thành lập quỹ trợ giá bông, cơ chế tài chính, vốn… Thêm vào đó, việc quy hoạch trồng vẫn chưa có căn cứ vững chắc, nên việc phát triển diện tích trồng còn nhiều khó khăn. Trong khi việc trồng cây bông dù mang lại lợi nhuận cao hơn các cây trồng khác, nhưng do tập quán sản xuất phân tán, tính rủi ro cao, nên người trồng càng kém mặn mà.
---------------------------------------------
Khó đạt mục tiêu của Quyết định 29
Bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương
------------------------------------
Nhu cầu về bông vải đến năm 2020 dự kiến khoảng 600.000 tấn/năm, trong khi năng lực đáp ứng hiện chỉ khoảng 1,5%. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, nhiều mục tiêu đề ra chưa được thực hiện được triệt để, cho thấy khả năng đạt được mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2015 - 2020 là khó có thể thực hiện được. Sản lượng trồng bông tăng nhưng tổng diện tích trồng cả nước mới đạt 12.000ha (mục tiêu 2015 là 30.000ha), tổng sản lượng bông xơ chỉ 5.000 tấn (mục tiêu 20.000 tấn). Diện tích trồng tưới cũng đạt mức rất thấp: 74ha (mục tiêu là 9.000ha).
Trong giai đoạn tới, cần xem xét và sớm phê duyệt cơ chế tài chính cho ngành bông để các DN có cơ sở triển khai thực hiện. Các tỉnh và địa phương cần đảm bảo quỹ đất trồng, nhanh chóng triển khai thủ tục chuyển đổi, hỗ trợ giao đất, đền bù giải phóng mặt bằng, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, chính sách thuế và thủy lợi… Lập quỹ bình ổn giá thu mua bông hạt cho người nông dân, có chính sách vay vốn ưu đãi; đầu tư nghiên cứu khoa học các trại sản xuất hạt, áp dụng công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực…
Kêu gọi các thành phần khác tham gia
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam
------------------------------------
Chính phủ cần kêu gọi và tạo điều kiện cho DN nước ngoài đầu tư sản xuất nguyên liệu thay thế và bổ sung cho bông, như trường hợp Công ty Formosa (Đài Loan) sản xuất sơ Polyester. Bên cạnh đó có chính sách khuyến khích, thu hút DN trong nước đầu tư phát triển vùng nguyên liệu bông cả trong và ngoài nước. Hiện đã có một số DN mạnh dạn đầu tư vùng nguyên liệu ở một số nước ngoài, như: Lào, Campuchia, châu Phi.
Ngoài ra, cần xem xét để tạo ra nguồn dự trữ bông trong nước đảm bảo một tỷ lệ an toàn nhất định cho ngành trong bối cảnh biến động hết sức phức tạp của thị trường bông thế giới và tác động từ chính sách tăng cường bông dự trữ quốc gia của các nước lớn, như: Trung Quốc, Ấn Độ. Xem xét khả năng xây dựng hệ thống kho ngoại quan tại Việt Nam phục vụ dự trữ bông trong nước. Ngoài ra, các DN kéo sợi cũng nên sử dụng các công cụ phòng hộ biến động giá trong việc mua bông phục vụ XK.
Tạo cơ chế vay vốn tín dụng
Trần Hoàng Dũng - Tổng giám đốc Vinatex Mart
------------------------------------
Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về tài chính cho Chương trình phát triển cây bông nói chung. Trong đó, với mô hình trang trại bông có tưới là rất mới, vốn đầu tư lớn, nhưng Vinatex Mart hiện chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, nên gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, cần có chính sách cho vay ưu đãi nguồn vốn tín dụng cho DN vay tín chấp thì mới có thể thực hiện thành công Chương trình.
Phát triển cây bông cũng cần phải được xã hội hóa: chính sách về tín dụng, vốn đầu tư, khuyến nông… cần được mở rộng để có thể huy động các thành phần kinh tế cùng tham gia, trong đó Vinatex nắm vai trò chủ đạo.
Cẩm An