Tại dự thảo Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp (DN) tư nhân, Bộ KH&ĐT đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng tỷ lệ DN tham gia mạng lưới sản xuất vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ngang bằng với các nước dẫn đầu trong khối ASEAN 4.
"Chậm chân" nên phải đi nhanh
Thực tế, để thực hiện được mong muốn này không phải là điều dễ dàng. Số liệu thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, Việt Nam mới chỉ có 21% DN nhỏ và vừa (DNNVV) tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi ở Thái Lan là trên 30% và Malaysia là 46%. Vì vậy, để cải thiện được thứ hạng trong khối ASEAN, chắc chắn DN của Việt Nam phải "đi nhanh hơn".
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là DN lo sợ mà chùn bước, vì Việt Nam đang có nhiều thời cơ. Đánh giá về cơ hội để DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sự thay đổi chuỗi giá trị toàn cầu trong thời gian gần đây đặt Việt Nam vào vị trí cơ sở sản xuất quan trọng hơn.
Trước đây, một số nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc lựa chọn Trung Quốc và các nước ASEAN là cơ sở sản xuất cho xuất khẩu (XK) sang Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, Trung Quốc đang dần trở thành một thị trường tiêu thụ thay vì sản xuất, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung – Mỹ có nguy cơ kéo dài nên các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam có cơ hội trở thành cơ sở sản xuất hàng XK sang Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.
Các xung đột về thương mại gần đây càng đẩy nhanh quá trình dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có đầu tư sản xuất một số khâu từ Trung Quốc sang Việt Nam.
"Chiến lược Trung Quốc + 1" đang được các công ty đa quốc gia theo đuổi để tìm một nước ngoài Trung Quốc nhằm tránh xu hướng tiền lương nhân công đang gia tăng nhanh chóng tại Trung Quốc, nhưng nước này cần phải đủ gần để có thể XK ngược trở lại Trung Quốc.
Với tiêu chí nêu trên, cùng với việc gia nhập hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang là lựa chọn ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng thừa nhận vấn đề này không thể thực hiện trong thời gian ngắn nếu Việt Nam không sớm nâng cấp trình độ sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa.
Hơn nữa, nhiều thách thức đặt ra đối với công nghiệp Việt Nam. Trong khi nhiều nước tham gia gần như toàn bộ chuỗi giá trị từ khâu thiết kế, sản xuất các chi tiết đến lắp ráp và phân phối, Việt Nam hầu như chỉ tham gia ở khâu thấp nhất của chuỗi giá trị, đó là lắp ráp các chi tiết nhập khẩu từ những nước khác và phụ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia mà thiếu đi vai trò của các DN nội địa.
Hiện nay, chi phí nhân công Việt Nam đang tăng lên, đến một mức nhất định sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh. Do đó, nếu không kịp thời tạo dựng sự lan tỏa từ sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam sang hệ thống DN nội địa, sớm hình thành các DN có quy mô khu vực và quốc tế để dẫn dắt nền công nghiệp và phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), Việt Nam sẽ mất cơ hội đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hiện, dệt may và điện tử là hai ngành có quy mô thị trường lớn, chủ yếu là thị trường XK. Mỗi năm, Việt Nam XK gần 30 tỷ USD các sản phẩm dệt may, gần 70 tỷ USD các sản phẩm điện tử và linh kiện, nhưng CNHT trong hai ngành này vẫn chưa phát triển mạnh, bởi cả hai điều kiện đủ nêu trên vẫn chưa được đảm bảo.
DN trong nước chưa đủ năng lực cạnh tranh về giá và chất lượng để có thể cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, cũng như linh kiện cho các sản phẩm điện tử để các sản phẩm này có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Về CNHT trong ngành công nghiệp ô tô, trong khi Thái Lan có gần 700 nhà cung cấp cấp 1 thì Việt Nam chỉ có chưa đến 100; Thái Lan có khoảng 1.700 nhà cung cấp cấp 2 và 3, Việt Nam chỉ có chưa đến 150. Phụ tùng linh kiện ô tô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các phụ tùng thâm dụng lao động, công nghệ giản đơn, như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe.
CNHT yếu kém sẽ mất cơ hội đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa |
Thay đổi từ chính sách
Theo Ts. Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, vấn đề của Việt Nam là chưa khai thác tốt hay chưa sẵn sàng để khai thác những lợi ích từ đầu tư nước ngoài (FDI) mang lại như học hỏi kinh nghiệm, gắn kết vào nền kinh tế toàn cầu để bước lên những nấc thang giá trị cao hơn. Nền kinh tế đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khu vực FDI.
Nguyên nhân là vì khả năng nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo hạn chế nên DN trong nước đã không thể kết nối hay trở thành nhà cung cấp các sản phẩm hay dịch vụ phụ trợ cho DN FDI, nhất là các linh kiện hay công đoạn có hàm lượng chất xám cao.
Đồng quan điểm, ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam, cho rằng khó khăn mà DN Việt Nam phải đối mặt khi tham gia chuỗi cung ứng là một số ngành sản xuất có sự thay đổi thường xuyên, liên tục về mẫu mã sản phẩm (như điện thoại di động mỗi năm ra vài kiểu).
Điều này buộc DN nếu muốn tham gia chuỗi cung ứng phải có sự tính toán, cân nhắc rất kỹ và phải có năng lực quản trị thật tốt mới đáp ứng được yêu cầu.
Bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế trong chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đơn cử như DN dệt may và da giày cho rằng các địa phương chưa có quy hoạch cụ thể về các khu/cụm CNHT cho những ngành này, chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu cho sản xuất nguyên phụ liệu và chưa có chính sách thiết thực khuyến khích sản xuất nguyên phụ liệu trong nước để phục vụ sản xuất XK.
Do vậy, để giúp DN tăng cường liên kết DN, hỗ trợ DN tham gia các cụm, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, theo dự thảo Kế hoạch phát triển bền vững DN tư nhân, Bộ KH&ĐT sẽ chủ trì nghiên cứu chương trình hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2020- 2030, tận dụng cơ hội và lợi ích từ các FTA, trong đó tập trung thúc đẩy liên kết DN và hỗ trợ, khuyến khích DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2019.
Đồng thời, Bộ Công Thương xây dựng đề án hỗ trợ DNNVV tham gia chuỗi giá trị các sản phẩm công nghiệp trọng điểm của Việt Nam giai đoạn 2020 – 2025, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2019.
Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng đề án hỗ trợ DNNVV tham gia chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2019.
Lê Thúy