Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) đã khảo sát hơn 1.200 doanh nghiệp về tác động của dịch Covid-19 tới doanh nghiệp.
Hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài 6 tháng |
Theo đó, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu bị giảm trên 50% chiếm hơn 60%, doanh thu giảm từ 20-50% chiếm gần 29%, chỉ có 1,8% số doanh nghiệp được hỏi nhận được tác động tích cực lên doanh thu do dịch bệnh.
Những doanh nghiệp có doanh thu tăng là những doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật tư trong nước; những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng và tức thì do Covid-19 là du lịch (lưu trú, khách sạn, ăn uống), giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ...
Với ngành dệt may, da giày, ảnh hưởng lớn nhất là phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, lần lượt 61% và hơn 57%. Đa số các doanh nghiệp này chỉ trữ nguyên liệu tới đầu tháng 3, một số đến đầu tháng 4. Trong khi ngành chế biến gỗ, sản xuất bàn ghế thì chịu ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu do hoạt động thương mại với Trung Quốc bị hạn chế.
Cũng theo kết quả khảo sát nhanh, nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài 6 tháng thì gần 74% số doanh nghiệp trả lời có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các chi phí khác.
Giải pháp trước mắt mà nhiều doanh nghiệp thực hiện là việc cắt giảm lao động, gần 39% số doanh nghiệp được hỏi áp dụng biện pháp này. Bên cạnh đó, có gần 21% doanh nghiệp cho biết đang sử dụng biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất nhưng cũng chia sẻ là rất khó để cắt giảm chi phí nguyên liệu đầu vào do nguồn cung từ Trung Quốc bị hạn chế, các nguồn cung thay thế lại không dễ tìm ra ngay. Gần 4% số doanh nghiệp đã thực hiện biện pháp tạm dừng kinh doanh, gần 4% số doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương.
Kiến nghị từ phía doanh nghiệp mong Chính phủ ưu tiên tập trung hỗ trợ |
Một số liệu đáng chú ý là 19% số doanh nghiệp trả lời khảo sát nhanh hiện chưa có giải pháp gì để ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Sự bị động của các doanh nghiệp phần nào phản ánh năng lực còn hạn chế của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa và cũng là chỉ số cảnh báo sớm cho các khủng hoảng có thế xảy ra sau dịch.
Trong nhóm có phản ứng chủ động và sáng tạo, một số doanh nghiệp đã tích cực tìm thị trường mới (7,2% số doanh nghiệp trả lời sử dụng biện pháp này) hay nâng cao chất lượng phục vụ (2,4%) và tranh thủ thời gian này để đào tạo lại nhân viên (1,7%).
Trước những khó khăn lớn đang phải đối mặt do dịch Covid-19 gây ra, các doanh nghiệp cũng đồng thời đề xuất một số kiến nghị lên Chính phủ.
Ba giải pháp trước mắt được các doanh nghiệp đề xuất nhiều nhất và mong Chính phủ ưu tiên tập trung hỗ trợ. Một là: Chính phủ thực hiện chính sách riêng đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, để doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT và các loại thuế khác và cho phép miễn lãi suất đối việc nộp chậm thuế, đồng thời cho phép miễn đóng BHXH trong thời gian dịch bệnh (chiếm 42,9% số ý kiến doanh nghiệp trả lời). Hai là: hỗ trợ vốn vay ưu đãi với doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch (chiếm 41,2%). Ba là: giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ vay (29,2%).
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề cập đến các giải pháp khác như Chính phủ thực hiện các gói kích cầu, mở cửa thông quan để nhập nguyên liệu đầu vào, cung cấp thông tin minh bạch, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp, giảm giá điện, nước...
Nhật Linh