Thừa nhận việc quy định bỏ, gộp và rút bớt 41 ngành nghề khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện là một trong những bước tiến quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở nước ta. Tuy nhiên, VCCI cho rằng phần lớn các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được kiến nghị bổ sung vào Danh mục lần này đều chưa giải trình các mục tiêu chính sách.
VCCI đề nghị không bổ sung các ngành nghề này vào danh mục trên nếu không giải trình phù hợp hoặc không thuyết phục. Trước đó, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có Tờ trình Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung phụ lục 4 (danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện) trong Luật Đầu tư 2014. Theo đó, số ngành nghề kinh doanh có điều kiện được giảm 41 ngành, nghề xuống còn 226 ngành so với danh mục hiện hành 267.
Cụ thể, 27 ngành nghề được bãi bỏ, hợp nhất 29 ngành nghề có nội dung trùng lặp vào 19 ngành nghề, cập nhật, chuẩn xác hóa tên gọi của 18 ngành nghề… Đồng thời, bổ sung 15 ngành nghề vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
![]() |
Chưa giải trình được các mục tiêu
Mới đây, trong bản kiến nghị dài 16 trang gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư năm 2014, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: một số ngành, nghề được đề nghị giữ lại/bổ sung vào Danh mục lại xuất phát từ lý do là đã được quy định và thực hiện ổn định trong các văn bản pháp luật khác.
Đặc biệt, VCCI khẳng định phần lớn các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được kiến nghị bổ sung vào Danh mục lần này đều chưa giải trình các mục tiêu chính sách như yêu cầu tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2014, do đó chưa đủ căn cứ thuyết phục để bổ sung vào Danh mục kinh doanh có điều kiện như kinh doanh.
“Đây dường như chưa phải là lý do phù hợp để quyết định giữ/bổ sung vào Danh mục, mà lý do cốt lõi vẫn phải giải trình là: các ngành nghề kinh doanh này có gây ra ảnh hưởng tới các trật tự công ở mức Nhà nước cần thiết phải kiểm soát bằng các điều kiện hay không?”, VCCI đặt nghi vấn._
Trong đó, đáng chú ý là các ngành, lĩnh vực như: Kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; Kinh doanh dịch vụ quảng cáo; Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô; Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô…
VCCI yêu cầu ban soạn thảo giải trình bám sát vào các mục tiêu quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư. Nếu không giải trình phù hợp hoặc không thuyết phục, đề nghị không bổ sung các ngành nghề liên quan vào Danh mục.
Ngoài ra, theo VCCI, Tờ Trình đã đề xuất giữ lại một số ngành nghề trong Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện mặc dù có ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp đề nghị bỏ ra khỏi Danh mục.
“Dường như Ban soạn thảo chưa giải trình được lý do cần giữ lại các ngành nghề này trong Danh mục; chưa có lý giải thuyết phục về sự cần thiết phải kiểm soát các ngành nghề này bằng các điều kiện kinh doanh (trong khi pháp luật đã có những công cụ kiểm soát khác), thậm chí có nhầm lẫn về đối tượng kiểm soát”, VCCI nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến, lắm quan điểm
Với hoạt động dịch vụ mua bán nợ, VCCI cho rằng theo pháp luật dân sự hiện hành, “nợ” đang được xem là một loại hàng hóa thông thường, được giao dịch bình thường trên thị trường (những khoản nợ “đặc thù”, “nhiều nguy cơ” – ví dụ các khoản nợ xấu của các ngân hàng, các tổng công ty nhất định… – đã có những văn bản khác điều chỉnh).
Hệ thống pháp luật về dân sự, thương mại liên quan tới hoạt động mua bán hiện tại đã cung cấp đủ cơ sở pháp lý để điều chỉnh giao dịch mua bán nợ cũng như các giao dịch hỗ trợ mua bán nợ. Vì vậy, VCCI, đề nghị bỏ “hoạt động dịch vụ mua bán nợ” ra khỏi Danh mục của Luật Đầu tư.
Đáng chú ý, trong các ý kiến của VCCI, nổi lên quan điểm phản bác việc Bộ KH&ĐT đưa dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
VCCI khẳng định: Bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô là dịch vụ thường đi kèm với dịch vụ bán hàng hoặc sản xuất ô tô và trong quan hệ này, trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm thuộc về nhà sản xuất là chủ yếu chứ không phải là người bảo hành, bảo dưỡng. Vì vậy, việc xem hoạt động bảo hành, bảo dưỡng ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện là rất bất hợp lý.
“Ngay cả khi việc kiểm soát các dịch vụ này là hợp lý đi nữa thì các điều kiện kinh doanh với ngành này như quy định hiện tại cũng không thể hiện được các mục tiêu quản lý nào trong khi lại cản trở đáng kể đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào thị trường này”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận xét.
Chính vì lý do trên, VCCI đề nghị bỏ “Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô” ra khỏi Danh mục Luật Đầu tư sửa đổi.
Trước đó, đại diện Bộ KH&ĐT cho rằng đề xuất này không phải điều mới mẻ mà chỉ luật hóa những quy định đã có, trên cơ sở đó hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước.
Bên cạnh đó, lý do được Bộ này đưa ra là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng hiện nay chỉ có thể kiểm soát chất lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu tại các thời điểm nhất định (khi xuất xưởng, kiểm định, đăng kiểm định kỳ). Trong khi ôtô cần phải được vận hành an toàn, đúng hướng dẫn cho toàn bộ thời gian sử dụng.
“Do vậy, cần áp dụng thêm các điều kiện nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và quyền lợi người tiêu dùng trong toàn bộ quá trình sử dụng xe”, vị đại diện này cho biết.
Ngoài ý kiến của VCCI, thời gian qua, khi ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô được đưa vào danh mục ngành là nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, cũng có nhiều ý kiến khác nhau của chuyên gia, doanh nghiệp.
Trong đó, nổi lên như: quy định trên nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, phục vụ lợi ích cục bộ của các DN sản xuất ô tô. Đồng thời, không lắng nghe thị trường, không tạo được môi trường cạnh tranh trong khi thời gian dài chính sách ưu đãi phát triển ô tô được trải thảm cho các DN liên doanh, trong khi đó, các mục tiêu, kết quả cứ trượt dài.
Ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ------------------------------- Phần lớn các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được kiến nghị bổ sung vào Danh mục lần này đều chưa giải trình các mục tiêu chính sách. Chính vì vậy, nếu Bộ và cơ quan trình ý kiến không giải trình sự phù hợp hoặc không thuyết phục, đề nghị không bổ sung các ngành nghề liên quan vào Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Ông Quách Ngọc Tuấn Các nhà phân phối, nếu mua, nhập khẩu xe từ nhiều nguồn khác nhau thì thường bỏ qua khâu bảo hành và dịch vụ sau bán hàng do không có sự hỗ trợ từ nhà sản xuất cả ở khía cạnh tài chính lẫn công nghệ, kỹ thuật. Vì vậy, kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô cần đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện. |
Lê Thúy