Không thể tưởng tượng nổi, với một quốc gia nông nghiệp, đang vật vã lo đầu ra cho hàng loạt loại rau quả (điển hình mới nhất là việc giải cứu chuối ế ở Đồng Nai) thì mỗi ngày Việt Nam lại chi khoảng 2 triệu USD (tương đương hơn 44 tỉ đồng) nhập rau củ quả từ Thái Lan và Trung Quốc, như thống kê của Tổng cục Hải quan.
Số liệu cho thấy, trong hai tháng đầu 2017, Việt Nam chi 164 triệu USD để nhập khẩu rau quả. Bình quân mỗi tháng chi hơn 80 triệu USD để nhập rau quả. Trong đó, rau quả nhập Thái Lan và Trung Quốc chiếm tới 70% kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam với hơn 114 triệu USD trong hai tháng đầu năm.
Trách nhiệm cơ quan quản lý?
Thực ra, chuyện nhập khẩu rau quả từ hai thị trường này đã tồn tại nhiều năm nay, nhưng nó vẫn luôn là nỗi day dứt cho ngành rau quả Việt Nam vốn vẫn đang loay hoay vừa tìm đường xuất khẩu vừa phải đương đầu với cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Theo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), với nhóm rau củ quả tươi của Trung Quốc, số lượng mặt hàng nhập khẩu về Việt hàng vài chục loại. Điển hình như táo, cam, dưa, xoài, đào, quýt, lựu, nho, hồng, mận, bắp cải, tỏi, hành, gừng, khoai tây, súp lơ, cà rốt, nấm…
Ước tính, mỗi năm Việt Nam đã chi khoảng 4.000 tỷ đồng để nhập hàng trăm nghìn tấn rau quả của Trung Quốc. Các loại rau quả này được tiêu thụ nhiều nhất ở các chợ truyền thống, chợ bình dân, chợ tự phát. Tai hại hơn, nhiều loại rau quả này vốn có chất lượng không đảm bảo, thậm chí còn được cho là độc hại, lại được gắn mác “nông sản Việt” để lừa người tiêu dùng.
Điều này khiến dư luận bức xúc đặt dấu hỏi là việc cấp phép cho nhập khẩu ồ ạt liệu có kiểm tra hàm lượng chất bảo quản, hàm lượng thuốc trừ sâu từ rau quả Trung Quốc hay chưa?
Tại sao những mặt hàng rau quả này lại không có biện pháp để bảo hộ cho người nông dân; Các cơ quan quản lý, đang nghĩ gì, làm gì để ngăn tình trạng này? Nhiều người cũng đặt câu hỏi có lợi ích nhóm trong sự việc này không, nhất là khi việc nhập khẩu ồ ạt không kiểm soát được nhưng lại dễ dàng như thế.
![]() |
Các loại rau quả Trung Quốc được tiêu thụ nhiều nhất ở các chợ truyền thống,
chợ bình dân, chợ tự phát
Có “siết” được không?
Dư luận còn cho rằng đây là nguồn gốc của “nhập siêu” từ Trung Quốc, chảy máu ngoại tệ của Việt Nam. Số liệu năm 2016 cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất, với 28 tỷ USD trong năm 2016, dù đã giảm 14,9% so với năm 2015.
Trong chuyến đi khảo sát hồi tháng 2/2017 của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại khu vực chợ cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) – nơi mà rau củ quả Trung Quốc từ bên kia biên giới tràn về, ông đã đặt vấn đề: Tỷ lệ kiểm soát an toàn thực phẩm tại Tân Thanh là bao nhiêu?
Chính ông Hiển cũng tự mình thừa nhận một “thế khó” là thị trường Trung Quốc khá dễ tính, nên hoa quả Việt xuất khẩu nhiều, nếu mình chặt với họ quá, thì họ cũng khó với mình.
“Liệu có vì dễ người dễ ta mà để dân cả hai nước tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn không ?” – ông Hiển đặt dấu hỏi.
Nhận định gần đây của Bộ Công Thương cho rằng kim ngạch xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới (trong đó có Trung Quốc) đạt được những kết quả tích cực, với tổng giá trị trên 25 tỷ USD.
Theo Bộ này, năm 2016, xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, chủ yếu là các mặt hàng trái cây tươi và nông sản, tăng trên 30% so với năm 2015, trong khi nhập khẩu giảm tới 20% so với năm 2015.
Bộ Công Thương cũng cho biết nhiều chủng loại rau quả của Việt Nam đã chính thức được thâm nhập vào các thị trường như vải, nhãn, chuối, xoài, dưa hấu, mít, thanh long, chôm chôm vào thị trường Trung Quốc.
Nhưng, chính Bộ này cũng chỉ rõ rằng điểm yếu của rau quả Việt, đó là việc bố trí mùa vụ sản xuất không tập trung nên dễ xảy ra tình trạng nguồn cung thay đổi, gây nên khủng hoảng thừa hoặc thiếu cục bộ ở một số thời điểm (điển hình như đối với trường hợp dưa hấu, hành tím, thanh long…).
Trong câu chuyện tràn lan rau quả Trung Quốc như hiện nay, để giảm nhập khẩu, giới chuyên gia cho rằng cần phải đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng nông sản nhập khẩu của Trung Quốc từ phía cửa khẩu một cách trung thực, khách quan. Chúng ta cần phải lấy mẫu rau củ quả Trung Quốc theo đúng quy trình, gửi đi xét nghiệm độc chất.
Để cạnh tranh được với rau quả Trung Quốc trên thị trường nội địa, không có cách nào khác là rau quả Việt cần phải tăng sản lượng cung ứng cho thị trường cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn chất lượng, để người tiêu dùng an tâm lựa chọn.
Điều quan trọng nhất trong chuyện này là cần sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý về an toàn thực phẩn và chống gian lận thương mại đối với rau quả Trung Quốc.
Thanh Loan