Theo dự báo mới đây của Hiệp hội rau quả Việt Nam,_xuất khẩu rau quả, trái cây của Việt Nam năm 2016 có thể đạt 2 tỷ USD, tăng lên so với mức 1,49 tỷ USD năm 2015 nhờ vào sự mở cửa của ba thị trường khó tính gồm Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ.
Thống kê cho thấy có khoảng 40 loại rau quả, trái cây của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 40 nước/lãnh thổ. Bao gồm thị trường xuất khẩu chính như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có Malaysia và Thái Lan. Cũng theo ước tính, hiện có khoảng 100 nhà máy chế biến rau quả, trái cây trên khắp cả nước với khả năng chế biến 300.000 tấn mỗi năm.
Còn nhiều khiếm khuyết
Nếu chỉ nhìn vào những con số đầy triển vọng như trên mà không thấy những khiếm khuyết lớn của lĩnh vực xuất khẩu rau quả, trái cây hiện nay sẽ là một sơ suất rất lớn. Bởi vì khi nói về thị trường xuất khẩu cho trái cây Việt, đến giờ nhiều người vẫn “mặc định” lĩnh vực này còn lận đận, ẩn chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững.
Phát biểu tại hội thảo “Lời giải cho nông nghiệp thời hội nhập” diễn ra tại Tp.HCM ngày 26/1, Tổng giám đốc Vinamit Nguyễn Lâm Viên cho rằng giá nguyên liệu trái cây đang đổ dốc sẽ là cơ hội tốt cho các nhà chế biến trong nước tồn trữ, chẳng hạn như công ty Vinamit (chuyên sản xuất và xuất khẩu các loại trái cây sấy khô). Nhưng nói như vậy không có nghĩa là không buồn cho người nông dân và cho ngành rau quả Việt vì vừa mất giá vừa mất sản lượng xuất khẩu.
Còn theo ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc DNTN Cỏ May, cần phải khai thác giá trị gia tăng cho rau củ quả Việt. Chúng ta cần phải làm mới hơn hoặc làm khác đi chứ không thể theo cách cũ mãi được.
Trên thực tế, nếu ngay trên thị trường xuất khẩu, trái cây Việt đã vấp phải không ít sự cạnh tranh lớn từ trái cây ngoại. Cụ thể như thị trường cạnh tranh với Thái Lan về dứa, nhãn, chôm chôm, măng cụt, xoài; cạnh tranh với Philippines về chuối, dứa, xoài; cạnh tranh với Trung Quốc về nhãn, bưởi, cam, quýt…
Trong một hội thảo khác về nông nghiệp trước hội nhập được tổ chức gần đây, Gs.Ts. Nguyễn Văn Sánh, Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (trường Đại học Cần Thơ), có nhận định rằng tổ chức sản xuất nông dân liên kết thị trường còn kém, công nghệ chế biến còn lạc hậu so với các nước trong khu vực. Đó là chưa kể kết cấu hạ tầng và hệ thống dịch vụ cây ăn quả còn nhiều yếu kém. Và điều đáng nói là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế.
![]() |
Ngành rau quả, trái cây Việt còn nhiều khiếm khuyết lớn
Cần công ty xuất khẩu mạnh
Nói về xuất khẩu trái cây hiện nay, PGs.Ts. Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam, cho rằng mặc dù đã có nhiều công ty xuất khẩu trái cây, nhưng Việt Nam chưa có một công ty xuất khẩu nào có thương hiệu trên thế giới như một số nước.
“Ví dụ như New Zealand có công ty Zespri chuyên xuất khẩu trái Kiwi, Mỹ có công ty _Dole chuyên lo xuất khẩu chuối già, dứa, xoài. Xuất khẩu trái cây ở ta hiện này do rất nhiều công ty nhỏ, cạnh tranh với nhau bằng cách hạ giá” – ông Châu nói.
Cũng theo PGs.Ts. Nguyễn Minh Châu, mô hình của họ lo từ A đến Z. Tức là họ tự tổ chức sản xuất, đóng gói, đến xuất khẩu và cả tiếp thị quảng bá sản phẩm, nên không có việc cạnh tranh hạ giá, không có việc chất lượng không đồng đều và cũng không có việc mạnh ai nấy đi tiếp thị sản phẩm như mình đang làm.
Có thể kể ra trường hợp xuất khẩu thanh long thời gian qua đã cho thấy vẫn còn khá manh mún vì thiếu căn cơ. Ông Đỗ Văn Dũng, Giám đốc công ty Sản xuất Thanh long sấy dẻo Bé Dũng cho biết do nhận thấy những bất cập của việc phát triển ồ ạt cây thanh long ở Bình Thuận nên ông quyết định đầu tư công nghệ sấy dẻo thanh long với số vốn hơn 20 tỷ đồng. Tuy vậy, đến giờ, việc tìm đầu ra xuất khẩu cho thanh long sấy dẻo vẫn còn loay hoay khó khăn, chưa có một thị trường nhất định nên vẫn chưa thể thu hồi vốn.
Một doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ở Long An thì đề nghị các ngành chức năng nên tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ được đi xúc tiến thương mại với các nước cần tiêu thụ thanh long và nên thành lập hiệp hội riêng cho thanh long cũng như hiệp hội lương thực,…
Về phía PGs.Ts. Nguyễn Minh Châu, ông đề xuất Nhà nước hỗ trợ để Việt Nam có một công ty lo xuất khẩu chỉ một đến hai loại trái đặc sản, để từ đó họ tổ chức lại sản xuất và đóng gói theo cùng một quy cách.
Nhà nước nên quan tâm kêu gọi doanh nghiệp gắn kết với nông dân xây dựng mô hình sản xuất theo hợp đồng, để trong vòng 10 năm tới, Việt Nam có 1-2 thương hiệu xuất khẩu trái cây Việt Nam có tiếng, uy tín trên thế giới.
Theo giới chuyên gia, đối với xuất khẩu trái cây, rau quả, Nhà nước nên tổ chức lại, xây dựng mô hình một công ty có thương hiệu, ngay từ bây giờ, bắt đầu bằng công ty xuất khẩu thanh long, xoài cát chu, bưởi da xanh, chuối già, nhãn, chôm chôm, vải…
Nếu làm được như vậy, bức tranh xuất khẩu trái cây sẽ tươi sáng hơn và người nông dân sẽ sống được hoặc có thể giàu lên.
Thế Vinh