Theo Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), năm 2015, diện tích cây ăn trái vùng ĐBSCL là 307. 060 ha, chiếm 37,5% diện tích cây ăn trái của cả nước. Trong đó, tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn là Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Tháp. Tại đây, có 10 loại trái cây được trồng với diện tích lớn là chuối, xoài, cam, nhãn, dứa, bưởi, sầu riêng, thanh long, chôm chôm, quýt.
Do dự trong liên kết tiêu thụ
Đến nay, phần lớn các loại trái cây đều tiêu thụ dưới dạng quả chín, tươi sau khi thu hoạch. Việc chế biến, phơi sấy, đóng hộp, nước ép, bảo quản nhiều ngày đang mới giai đoạn đầu và chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Thị trường tiêu thụ trái cây ở trong nước là chính, chiếm 85-90% tổng sản lượng sản xuất, xuất khẩu mới chiếm 10-15%.
Tỉnh Đồng Tháp có 24.600 ha diện tích cây ăn trái. Theo đại diện Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp, cả tỉnh có 31 vựa mua bán xoài và 01 chợ đầu mối trái cây. Hầu hết sản phẩm xoài được tiêu thụ dưới dạng tươi, chủ yếu là thị trường nội địa.
Hệ thống thu mua, cung ứng – tiêu thụ xoài phần lớn là do các thương lái và chủ vựa đảm nhận với phương thức mua đứt, bán đoạn theo giá thị trường. Liên kết giữa DN và nhà vườn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, việc xử lý ra hoa xoài gặp khó khăn nên các nhà vườn bị động trong việc đăng ký tiêu thụ sản phẩm với các DN.
Đa số các nhà vườn trong thời gian qua bán xoài cho các chủ vựa, thương lái bằng hình thức bán xô, các công ty chủ yếu mua xoài loại I, hoặc loại II, các loại xoài còn lại khó tiêu thụ nên các nhà vườn còn do dự trong liên kết tiêu thụ. Tất cả các DN yêu cầu xoài phải không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các nhà vườn rất lo ngại vấn đề này nên chưa dám đăng ký liên kết tiêu thụ.
![]() |
Hoạt động tiêu thụ trái cây cho khu vực ĐBSCL còn nhiều khó khăn
Hậu Giang có trên 30.000 ha trồng cây ăn trái, sản lượng hàng năm đạt trên 200.000 tấn. Nhiều sản phẩm tại địa phương được đầu tư xây dựng thương hiệu như Sành Ngã Bảy, bưởi Năm Roi Phú Hữu, Khóm Cầu Đúc, chanh không hạt Hậu Giang …
Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm cũng đang gặp khó, đến nay cũng chỉ thực hiện được hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho rất ít nông sản do không có DN đầu tư bao tiêu. Việc ký kết hợp đồng giữa DN và nông dân chưa tìm được tiếng nói chung cũng như lợi ích giữa các bên và thường hợp đồng bị phá vỡ khi giá cả nông sản có biến động lớn.
Tham gia các tổ chức sản xuất
Ông Vu Suổi, thành viên HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng Tp. Vị Thanh, Hậu Giang dẫn chứng hàng chục năm nay, khóm vẫn ở tình trạng tự tiêu, tự sản, thiếu bao tiêu; tỉnh có nhà máy chế biến khóm xuất khẩu, nhưng khi đến mùa rộ, nông dân trồng khóm phải chạy tìm thương lái hoặc bán cho các chợ lẻ. Nông dân có chở đến cung cấp cho nhà máy chế biến, nhưng phải qua nhiều trung gian nên giá khóm bị “ép” xuống thấp.
Việc liên kết giữa các DN và người nông dân chưa chặt chẽ. Nhiều nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa thích nghi tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định.
Do vậy, nhiều mặt hàng nông sản chưa được ký hợp đồng tiêu thụ, nông dân chưa nắm rõ thị trường trước khi sản xuất, quá trình sản xuất vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm. Có lúc đã ký được hợp đồng tiêu thụ, nhưng khi có trở ngại nào đó mà DN lại để nông dân tự xoay sở. Ngược lại, có lúc do lợi ích trước mắt mà nông dân tự ý phá hợp đồng đem sản phẩm ra ngoài bán vì giá cao hơn, gây thiệt hại cho DN.
Không nhất quán được hình thức thanh toán cũng là một trong nhiều yếu tố dẫn đến sự bất thành trong liên kết giữa nông dân và DN. Ông Dương Cánh Dân, Tổ trưởng THT kinh tế vườn Hòa Lợi (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), chia sẻ: cuối năm 2015, THT đã bán cho công ty Rồng đỏ 5 tấn trái tươi, giá bán 28.000 đồng – 30.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường thời điểm đó là 8.000 – 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mối liên kết này đã sớm kết thúc do không thỏa thuận được hình thức thanh toán khi nông dân đề nghị trả tiền mặt trong khi DN chỉ thanh toán bằng chuyển khoản.
Nhiều ý kiến cho rằng, để tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm trái cây cho ĐBSCL, Bộ NN&PTNT cần xây dựng liên kết vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung số lượng lớn để ổn định sản phẩm cho việc tiêu thụ hoặc XK lâu dài; Vận động nông dân tham gia các hình thức hợp tác liên kết hình thành “tổ chức sản xuất của nông dân” có quy mô phù hợp theo nhiều mức độ như: câu lạc bộ, THT, HTX, DN cổ phần.
Khuyến khích các DN liên kết với “tổ chức sản xuất của nông dân” theo chuỗi giá trị cây ăn quả chủ lực trồng tập trung, từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ; tạo điều kiện khuyến khích DN liên doanh, liên kết trực tiếp với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là khâu bảo quản và tiêu thụ trái cây tươi.
Hình thành các liên kết vùng trong sản xuất, rải vụ thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo phát triển ngành hàng trái cây bền vững.
Thu Hường