Nếu được Chính phủ chấp thuận, bắt đầu từ năm 2019 sẽ áp dụng mức thuế suất TTĐB 10% với nước ngọt. Bộ Tài chính vừa hoàn thành dự thảo lần 2 Luật sửa đổi các luật thuế giá trị gia tăng, TTĐB, thu nhập doanh nghiệp (DN), thu nhập cá nhân và xuất khẩu, nhập khẩu. Dự thảo đang được xin ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành và địa phương.
Bị phản đối, Bộ Tài chính vẫn quyết
Trước đó, hồi tháng 8/2017, Bộ Tài chính đã xin ý kiến lần 1, trong đó có nội dung đáng chú ý khi lần đầu tiên bổ sung thêm mặt hàng nước ngọt để đánh thuế TTĐB.
Trong dự thảo mới nhất này, Bộ Tài chính tiếp tục giữ quan điểm: “Bổ sung thu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt có đường vào đối tượng chịu thuế, trừ các sản phẩm sữa”. Điều đó có nghĩa các mặt hàng cứ là nước ngọt có đường trừ sữa sẽ phải chịu thuế, không quy định cụ thể nước ngọt có ga, không ga, hay nước tăng lực, thể thao, trà, cà phê…
Trong bản tiếp thu ý kiến của các bộ ngành, Bộ Tài chính nêu: Có ý kiến đề nghị không thu thuế TTĐB đối với mặt hàng trà và cà phê uống liền với lý do đây là mặt hàng chủ lực của Việt Nam, việc thu thuế sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành này.
Về ý kiến nêu trên, Bộ Tài chính giải trình: Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, các loại đồ uống có đường ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Cũng như hiện nay có khoảng 40 nước đang áp dụng thuế TTĐB với nước ngọt. Tại thư gửi Bộ Tài chính ngày 8/9/2017 về khuyến nghị đánh thuế nước ngọt, Tổ chức Y tế thế giới đã đồng tình và đánh giá cao đề xuất áp dụng thuế TTĐB với nước ngọt để tăng giá các loại nước giải khát này và khuyến nghị Việt Nam nên tăng thuế sao cho có thể đạt được sự tăng giá bán ở mức 20%.
Thêm nữa, Bộ Tài chính nhấn mạnh việc sử dụng đồ uống có đường gắn liền với tăng năng lượng nạp vào cơ thể dẫn đến tăng cân và béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu khác đến sức khỏe bao gồm tim mạch và tiểu đường (do lượng calo dưới dạng nước uống không gây cảm giác no nên người ta sẽ có xu hướng dùng nhiều calo hơn). Hơn nữa, ở Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số.
Do vậy, để hướng dẫn điều tiết tiêu dùng đối với đồ uống có đường và phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung nước ngọt có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB, trừ các sản phẩm sữa, áp dụng mức thuế suất 10% từ năm 2019.
Lý giải đề xuất áp dụng mức thuế suất thuế 10% thay vì 20% như phương án ban đầu, Bộ Tài chính tính toán, nếu áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB là 10%, số thu thuế TTĐB đối với nước ngọt khoảng 4.550 tỷ đồng, số thu thuế giá trị gia tăng tăng tương ứng khoảng 455 tỷ đồng. Tổng số tăng thu khoảng 5.005 tỷ đồng.
“Đây là nguồn lực quan trọng để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế – xã hội đang đặt ra, trong đó có nhiệm vụ về chăm sóc sức khỏe cho người dân”, Bộ Tài chính cho biết.
Tuy nhiên, đề xuất của Bộ Tài chính đã vấp phải ý kiến phản đối của nhiều bộ ngành, nhất là đối với mặt hàng trà, cà phê.
Trong đó, Bộ NN&PTNT cho rằng chưa có nghiên cứu nào đề cập đến sự lạm dụng trà, cà phê uống liền dẫn đến thừa cân, béo phì, đưa đến tăng rủi ro bị các bệnh về tim mạch và tiểu đường ở Việt Nam, nhất là ở trẻ em – đối tượng vốn ít tiêu thụ sản phẩm này.
Đặc biệt, chủ trương chính sách chung hiện nay đều hướng tới khuyến khích ngành công nghiệp chế biến nông sản để giúp nâng cao giá trị gia tăng và tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Do vậy, Bộ NN&PTNT đề xuất: Cần xác định rõ khái niệm “đồ uống có đường” nhằm xác định rõ ở mức độ hàm lượng đường nào thì xếp vào nhóm này để áp thuế TTĐB cho phù hợp. Không nên đưa trà và cà phê uống liền vào danh mục nhóm đồ uống có đường chịu thuế TTĐB.
UBND Tp.Hà Nội cũng cho rằng việc xếp trà, cà phê vào đối tượng “nước ngọt” chịu thuế TTĐB là chưa hợp lý. Các sản phẩm trà, cà phê là các loại thức uống bình dân, phổ biến, có nguồn gốc từ các sản phẩm nông nghiệp, việc đánh thuế TTĐB có thể gây ảnh hưởng xấu đến nông nghiệp trong nước và tâm lý tiêu dùng của người dân.
Ở góc độ DN, đại diện Hiệp hội Chè Việt Nam chia sẻ việc áp dụng thuế TTĐB lên các sản phẩm trà uống liền là đi ngược lại với các tiêu chí phát triển sản phẩm mới, phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng, làm giảm lợi thế cạnh tranh của sản phẩm.
Hiệp hội Chè kiến nghị không đưa các sản phẩm trà uống liền được đóng gói trên các dây chuyền sản xuất công nghiệp vào diện chịu thuế TTĐB để hỗ trợ các DN cũng như người làm chè đang trong quá trình phát triển bền vững.
Đại diện công ty CP Vinacafé Biên Hòa cho rằng việc tính thuế TTĐB đối với mặt hàng cà phê sản xuất dây chuyền công nghiệp là không hợp lý, ảnh hưởng rất lớn đến các DN đầu tư trí tuệ, năng lực để đưa ngành cà phê phát triển.
![]() |
Không chỉ các DN sản xuất nước giải khát, các DN mía đường mà những DN, nông dân trong các ngành cà phê, chè, trái cây, thậm chí cả sữa cũng bị tác động xấu
Trái cây, sữa… cũng bị ảnh hưởng xấu
Đáng chú ý, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết với cách đánh thuế như đề xuất của Bộ Tài chính, không chỉ các DN sản xuất nước giải khát, các DN mía đường, nông dân trồng mía chịu ảnh hưởng, mà có thể ảnh hưởng cả những DN, nông dân trong các ngành cà phê, chè, trái cây, thậm chí cả sữa (mặc dù sản phẩm sữa không bị đánh thuế nhưng nếu đánh thuế cà phê sữa, trà sữa, sữa trái cây thì có).
Theo VCCI, nếu sau khi nghiên cứu và kết luận rằng đánh thuế có tác dụng hiệu quả để hạn chế béo phì thì cũng chỉ nên đánh thuế đối với nước ngọt có hàm lượng đường cao, vượt quá ngưỡng nhất định, tương tự như cách làm của Singapore. Ngoài ra, cần xác định rõ hơn các khái niệm nước trái cây 100% tự nhiên, khái niệm sữa, cà phê sữa, chè sữa, sữa trái cây.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh việc đưa trà, cà phê uống liền vào diện phải chịu thuế TTĐB như thuốc lá, rượu bia cần được xem xét nghiên cứu kỹ. Nếu buộc những sản phẩm này chịu thuế TTĐB sẽ triệt tiêu việc nâng cao chất lượng sản phẩm của DN. Bởi DN đầu tư công nghệ dây chuyền đóng gói, sản xuất các sản phẩm cà phê đều phải bỏ ra chi phí rất lớn. Nếu đánh thuế TTĐB lên sản phẩm cà phê đóng gói thì sẽ không khuyến khích các DN đầu tư vào chế biến sâu, không sản xuất ra những sản phẩm có giá trị gia tăng.
“Khi thị phần sản phẩm giá trị gia tăng gặp khó thì chẳng khác nào làm thu hẹp đầu ra của nông dân trồng cà phê. Sản phẩm cà phê đóng gói sử dụng nguyên liệu cà phê được sản xuất trong nước, khác với ngành bia rượu chủ yếu dùng nguyên liệu nhập khẩu”, ông Long nói.
Theo Bộ KH&ĐT, để có căn cứ thuyết phục, đề nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu và đưa ra đánh giá cụ thể về tác động tới sức khỏe của người tiêu dùng ở nước ta với sản lượng, mức tiêu thụ nước ngọt bình quân/người hiện nay.
Đồng thời, đề nghị nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách đối với ngành công nghiệp đồ uống, thu ngân sách nhà nước và các yếu tố khác như lao động, việc làm, cung ứng nguyên liệu, nhất là nguyên liệu chè, cà phê, mía đường…
Lê Thúy
Ông Herbert Cochran - Giám đốc Liên minh Thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam Việc áp thuế TTĐB đối với nước ngọt sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử trong ngành thực phẩm và nước giải khát. Các nhà phân tích có thể đặt câu hỏi tại sao thực phẩm và các đồ uống khác có chứa lượng đường cao nhưng không bị áp thuế?
Việc áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt cũng là một thực tế không thông dụng và không được khuyến khích. Chỉ có 4 quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chiếm khoảng 2% dân số trong khu vực, đánh thuế TTĐB lên nước ngọt. Hầu hết các quốc gia không đánh thuế này vì nó có tác động xấu đến nền kinh tế và chưa được chứng minh là bảo vệ sức khoẻ. Về mặt lý thuyết, việc áp thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt có đường sẽ giúp ngân sách có thêm nguồn thu. Tuy nhiên, sắc thuế này cũng sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN (làm giảm doanh thu, lợi nhuận…), khiến cho nguồn thu của Nhà nước từ các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng, thuế DN và phần nào là thuế thu nhập cá nhân bị sụt giảm. |