Chín tháng đầu năm 2015, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký mới tại Việt Nam là hơn 17 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ và số vốn giải ngân đạt gần 10 tỷ USD, tăng hơn 8% so với năm 2014.
Đến nay, tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt khoảng 270 tỷ USD, với hơn 19.000 dự án đang hoạt động của các nhà đầu tư đến từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ; số vốn đã giải ngân đạt 135 tỷ USD.
FDI: tăng nữa, tăng mãi?
Về mặt kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025.
Đáng chú ý, việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra "cú hích" lớn đối với hoạt động xuất khẩu của nước ta. Các ngành xuất khẩu quan trọng như dệt may, giày dép, thủy sản… nhiều khả năng sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này.
Trong một báo cáo mới đây, công ty cổ phần chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HSC) cũng nhận định TPP sẽ là nhân tố làm thay đổi toàn diện bộ mặt của Việt Nam trong thập kỷ tới.
Trên cơ sở đó, HSC dự báo, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng khoảng 1% mỗi năm với tác động trực tiếp kể từ năm 2017 trở đi. Trước đó, World Bank ước tính TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 8-10% cho đến 2030.
Theo HSC, TPP sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam tăng khi các nước Bắc Á và ASEAN có thể xem xét chuyển một phần đáng kể chuỗi cung ứng ngành dọc ở một số ngành nhất định để hưởng lợi từ việc giảm thuế và tiếp cận thị trường tốt hơn.
Nhờ TPP, tốc độ cải cách sẽ được đẩy nhanh, cam kết nâng cao mức độ tiếp cận thị trường đối với việc đầu tư vào chi tiêu chính phủ và các ngành dịch vụ. Tốc độ cổ phần hóa cũng sẽ được đẩy nhanh hơn và tỷ trọng của DNNN sẽ giảm. Đầu tư tư nhân trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng cũng sẽ được mở rộng sau khi có quy định mới về hình thức đối tác công tư PPP.
![]() |
Ngoài ra, việc có thêm các cơ sở sản xuất tại Việt Nam sẽ làm tăng hàng hóa giao thương của Việt Nam, theo đó tăng nhập khẩu cũng như xuất khẩu.
Đối với ngành hạ tầng và logistics, việc tăng vốn đầu tư trực tiếp từ các nhà sản xuất trong khu vực sẽ làm tăng nhu cầu về cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như dịch vụ tiện ích; nước; đường xá… Cơ chế PPP mới đã tạo ra làn sóng đầu tư tư nhân vào các dự án BOT và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong trung hạn.
Bên cạnh đó, nhu cầu đối với cảng và khu công nghiệp sẽ tăng lên do các chuỗi giá trị chuyển sang Việt Nam làm tăng lưu lượng hàng hóa. Xu hướng này có thể mất vài năm để tạo đà nhưng sẽ duy trì trong một thời gian dài.
Hội nhập không chỉ là…"nhập hội"
Tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu Việt Nam 2015 được tổ chức gần đây, khi được hỏi đối thủ của Việt Nam là ai trong công cuộc chạy đua giành vốn FDI này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã gây bất ngờ cho nhiều người khi trả lời thách thức lớn nhất của Việt Nam là Việt Nam.
Hẳn vậy, gia nhập một sân chơi lớn, tham vọng và bình đẳng, trong nguy luôn có cơ và ngược lại, Việt Nam đứng trước nhiều bài toán nan giải như làm sao để cải thiện được môi trường kinh doanh, cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước…
Không tự giải quyết được những điểm yếu nội tại của nền kinh tế trước khi hội nhập, nhiều khả năng Việt Nam sẽ phải nhận thua ngay cả khi cuộc đua còn chưa kịp bắt đầu.
TPP mang lại cho Việt Nam những lợi thế nhất định so với các quốc gia đang cạnh tranh trực tiếp chưa gia nhập Hiệp định như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… Nhưng hiện tại, sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực để thu hút FDI cũng đang tăng lên rất cao.
Trong khu vực ASEAN, các nước như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia gần đây đã thay đổi chính sách nhằm tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư. Trong khi đó, các nước như Campuchia hay Myanmar cũng đã có những bước tiến nhất định.
Vì vậy, việc gia nhập TPP cũng chính là cuộc kiểm tra "sức khỏe" thực sự đối với Việt Nam.
Gần đây, nhiều tập đoàn Mỹ khi đến Việt Nam đã bày tỏ nếu Hiệp định TPP được ký kết, Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư số một ở Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Tp. HCM cho biết: Một phái đoàn doanh nghiệp Mỹ từ AmCham Singapore đến tìm hiểu và làm việc ở Việt Nam mới đây đã tỏ ra khá thận trọng vì cho rằng Việt Nam là thị trường đang phát triển, đang trong quá trình hội nhập.
"Thành công của những dự án đến đâu; Việt Nam thực hiện các cam kết quy định theo TPP cũng như cải cách thế nào… sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút FDI, không chỉ từ Mỹ mà còn là từ nhiều nền kinh tế khác", ông Herb Cochran nhận định.
Những dự án FDI vào Việt Nam để đón đầu TPP hiện nay đã lên đến 3 tỷ USD. Trong đó, vốn FDI thực chất từ Mỹ đầu tư vào Việt Nam không nhỏ, thường là thông qua các công ty chi nhánh của Mỹ ở Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Hà Lan hoặc Anh…
Mỹ cũng là nhà đầu tư FDI lớn nhất ở ASEAN với hơn 200 tỷ USD đến năm 2013. "Nếu tỷ lệ nguồn vốn mà Việt Nam nhận được trong số này không đáng kể, chúng ta phải nghiên cứu những lý do", ông Herb Cochran nói.
Chúng ta gia nhập sân chơi quốc tế với tư thế hội nhập. Nhưng nếu làm không khéo, thì có khi hội nhập sẽ chỉ dừng lại ở mức "nhập hội" mà thôi.
Ông Jonathan Choi - Chủ tịch Tập đoàn Sunwah và Tập đoàn VinaCapital Sau một thời gian chịu cạnh tranh quyết liệt từ các thị trường Indonesia, Philippines, Myanmar, nay dòng vốn đầu tư từ nước ngoài lại tiếp tục đổ vào Việt Nam.Tôi cho rằng cơ hội đã quay trở lại với Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài đang trông chờ vào các cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nông, thủy sản. Ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam Sự hấp dẫn của Việt Nam đến từ chính tốc độ hội nhập kinh tế quốc tế và cả tiềm năng của thị trường trong nước. Hiện tại, Việt Nam đã ký kết 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác trên thế giới và đang chuẩn bị ký kết hiệp định với Liên minh châu Âu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các nhà đầu tư nước ngoài đang đi trước trong cuộc chơi này và đón đầu những cơ hội sắp tới ở Việt Nam. Ông Alain Cany - Chủ tịch Jardin Matheson Việt Nam Triển vọng đầu tư dài hạn của Việt Nam là rất lớn, bởi Việt Nam là một trong những quốc gia hội nhập tốt nhất thế giới, hàng hóa sản xuất ở Việt Nam sẽ được đưa đi khắp thế giới. Đây chính là lợi thế, là sự khác biệt khiến Việt Nam thu hút được nhiều hơn nữa vốn đầu tư. |
Phương Nguyên