Lí giải cho cách ví do của mình, Ts. Thiên cho rằng Việt Nam vào TPP tức là chuẩn bị tiếp nhận cơ hội lớn, tuy nhiên để nắm bắt được cơ hội này, Việt Nam phải tạo ra nguồn lực nếu không thì không bao giờ phát triển được, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay đang đứng trước thách thức lớn hơn bao giờ hết.
Cụ thể, công nghiệp Việt Nam đang ở đẳng cấp thấp, nặng về khai thác tài nguyên, gia công, lắp ráp, định hướng công nghiệp phi công nghệ, không khuyến khích sản xuất nội địa, hầu như không có công nghiệp hỗ trợ.
Muốn có một lực lượng đối ứng với FDI, cần có lực lượng DN nội địa mạnh.
Bức tranh đầy thách thức
Theo Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, phần lớn các DN Việt Nam đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ so với trung bình thế giới, 80 – 90% công nghệ đang sử dụng là ngoại nhập, 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập khẩu thuộc thế hệ 1950-1960, 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% là đồ tân trang.
Tính chung, thiết bị hiện đại chỉ chiếm 10%, trung bình chiếm 38%, lạc hậu và rất lạc hậu chiếm 52%. Đặc biệt ở khu vực sản xuất nhỏ, thiết bị lạc hậu và rất lạc hậu chiếm 75%. Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao chỉ 2% so với 31% của Thái Lan, 51% của Malaysia và 73% của Singapore.
DN hoạt động trong ngành công nghệ cao chỉ chiếm 2% nhưng đa số tham gia công đoạn có VA thấp, 55% DN hoạt động trong ngành công nghệ thấp.
Nền nông nghiệp thì dịch chuyển cơ cấu theo kiểu “đèn cù”: thay cây, thay con liên tục nhưng quanh quẩn vẫn những cây đấy con đấy, với định hướng xuyên suốt: sản lượng cao, chất lượng thấp, tiêu tốn nhiều nguồn lực và giá trị gia tăng thấp.
Ngành dịch vụ kém phát triển, chất lượng thấp; ngành du lịch vẫn định hướng tăng “sản lượng” khách, đa số khách (85-90%) “một đi không trở lại”.
Xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực “nội và ngoại”, khoảng cách gia tăng ngày càng lớn với khi khối DN “ngoại” giữ vị trí lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Cùng với đó, DN nhỏ, siêu nhỏ chiếm tuyệt đại đa số (95-96%), thiếu các tập đoàn tư nhân lớn làm trụ cột.
Thiếu cạnh tranh, thiếu liên kết, lệ thuộc Nhà nước, thiếu tinh thần đổi mới sáng tạo, chậm lớn, khó trưởng thành, tầm nhìn nhỏ hẹp và ngắn hạn. Trong khi đó, số DN nội địa đóng cửa liên tục gia tăng. Năm 2010 là 40.000 DN, năm 2011 gần 54.000 DN, năm 2014 là gần 68.000 DN.
Đặc biệt, về cán cân thương mại, Ts. Trần Đình Thiên, cho rằng Việt Nam đang lấy xuất siêu của cả thế giới để phục vụ nhập siêu của Trung Quốc. Trung Quốc chiếm đến 19% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam. Năm 2013, Trung Quốc đứng vị trí thứ 6 về thị trường xuất khẩu nhưng đứng đầu về thị trường nhập khẩu của Việt Nam.
Hiện nay, GDP của Việt Nam ước tính là khoảng 200 tỷ USD mỗi năm, trong đó tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu hàng hóa năm 2014 đạt 150,1 tỷ USD. Tuy nhiên, nhập khẩu từ Trung Quốc là 43,7 tỷ USD, với tỷ trọng nhập siêu là 28 tỷ USD. Như vậy, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm 30% trong tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu năm 2014 của Việt Nam.
Nội lực quá yếu kém
Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập siêu từ thị trường Trung Quốc lên tới 24,3 tỷ USD, nhưng nhờ xuất siêu với các thị trường khác, nhập siêu cả nước đạt gần 4 tỷ USD. Như vậy nhập siêu từ Trung Quốc không những không thuyên giảm mà đang ngày càng tăng cao.
Ts. Trần Đình Thiên nhấn mạnh: “Thế giới toàn cầu hóa, quy tắc chơi mang tính toàn cầu, sản xuất theo từng chuỗi, chứ không phải muốn làm gì thì làm. Các gã khổng lồ sẽ phát triển rất nhanh nhưng cũng có thể sụp đổ rất nhanh, không ai biết được Trung Quốc mấy năm sau sẽ ra sao. Nếu Trung Quốc có vấn đề thì các nước khác cũng rung chấn và có thể còn chịu tác động trước cả Trung Quốc bởi phụ thuộc nhập khẩu quá nhiều. Việt Nam không thể không nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng không được để lệ thuộc như thế này mãi”.
Bên cạnh vấn đề nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc, câu chuyện làm sao để nền kinh tế Việt Nam kết nối vào các chuỗi kinh tế lớn của thế giới cũng là mối lo của các chuyên gia. Nếu các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia sang Việt Nam chỉ vì lao động giá rẻ, ưu đãi lớn… thì cũng khó có thể lâu bền được. Do vậy, theo các chuyên gia, muốn có một lực lượng đối ứng với FDI, thì cần có lực lượng DN nội địa mạnh.
Về vấn đề này, theo các chuyên gia, Việt Nam nên học tập Hàn Quốc. Ông Nguyễn Phú Bình, Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Hàn Quốc, dẫn chứng Hàn Quốc có công nghiệp đa dạng từ công nghiệp nặng như sắt thép, đóng tàu, chế tạo ô tô đến nền công nghệ cao. Và Việt Nam có thể học bất cứ điều gì.
Tuy nhiên, theo ông Bình, Việt Nam cần phải rút kinh nghiệm từ bài học trong quá khứ. Khu công nghiệp ở Việt Nam phát triển như phong trào, chỗ nào cũng phát triển khu công nghiệp, tỉnh nào cũng đòi mở khu công nghiệp, dành quỹ đất và sự ưu đãi lớn để nhà đầu tư vào, không có định hướng cụ thể.
“Kinh nghiệm của Hàn Quốc là tạo nên mẫu khu công nghiệp có đặc thù, thuận lợi riêng để thu hút đầu tư. Chúng ta phải tìm hiểu và xác định mục tiêu, mục đích của từng địa phương có lợi thế, yêu cầu gì thích hợp chứ không thể làm như thời gian vừa qua”, ông Bình nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, trước đây, chúng ta thường có chiến lược ngành, chiến lược cứng, dựa trên các lợi thế sẵn có. Tuy nhiên, trong thời hội nhập, các ngành lĩnh vực có nhiều biến động vì thế, chiến lược phát triển ngành cần dựa trên các lợi thế động – lợi thế từ hội nhập, sự đầu tư nước ngoài, lợi thế về nguồn nhân lực cao và lợi thế về tham gia vào chuỗi giá trị, sân chơi toàn cầu.
Lê Thúy
Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Để thắng lợi, Việt Nam cần học tập Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng bắt đầu từ con số 0 nhưng đến nay họ có nền kinh tế phát triển hùng mạnh. Ngay từ lúc đầu, Hàn Quốc đã ý thức được tạo ra tập đoàn tư nhân mạnh, còn Việt Nam chủ yếu bắt đầu từ các doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ. Các lãnh đạo Việt Nam cũng sang Hàn Quốc học nhưng lại phát triển các tập đoàn nhà nước, trong khi không quan tâm đến tư nhân, khiến tập đoàn nhà nước phình to, không hiệu quả… Kinh nghiệm không đơn giản, học đúng nhưng không thực hiện đúng thì không thể thành công. Ông Nguyễn Phú Bình - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Tham gia vào TPP là lựa chọn khôn ngoan của Việt Nam. Bởi Việt Nam là nước đầu tiên tham gia đàm phán, là tác giả để tạo ra luật chơi. Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng luật chơi phù hợp với năng lực của chúng ta hơn là sau khi để các nước tham gia hết rồi mới đàm phán từng nước một. Bà Phùng Thị Lan Hương - Trưởng phòng FTA Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Miếng bánh TPP giống như nồi cơm Thạch Sanh, không phải DN FDI ăn hết thì không còn gì cho DN nội địa, mà miếng bánh sẽ luôn đầy đặn cho cả hai, vấn đề là có đủ điều kiện để được ăn và ăn được nhiều hay không. Dĩ nhiên, trong quá trình đó, DN nào làm không đúng cách thì sẽ bị tổn hại, DN đúng cách thì phát triển thịnh vượng. Suy cho cùng, đó cũng là một hình thức sàng lọc tự nhiên, chúng ta đã tham gia vào sân chơi toàn cầu thì phải chấp nhận cuộc chơi, chấp nhận có được, có mất, không thể thắng hoàn toàn. |