Nhiều ý kiến lo lắng rằng tương lai ngành chăn nuôi sẽ rất "tối" với TPP. Bởi, khi 90% dòng thuế có thể giảm về 0%, chúng ta sẽ phải đối diện việc nhập thịt gia súc, gia cầm từ các nước TPP rất mạnh về chăn nuôi.
Không phải là không có lý do để nói về sự thất thế của ngành chăn nuôi trước TPP. Bởi theo dự đoán, khoảng năm 2018, khi TPP đi đến hiệu lực, chính sách bảo hộ dỡ bỏ, sản phẩm thịt heo, thịt gà, trứng, thịt bò… của các nước TPP có thể ồ ạt vào thị trường Việt Nam mà không gặp rào cản nào. Khi ấy, ngành chăn nuôi Việt Nam phải chống đỡ quyết liệt nhất.
Không bi quan
Điểm yếu của ngành chăn nuôi trước sức ép ngoại cũng đã nói nhiều như: quy mô manh mún, nhỏ lẻ, giá thành sản xuất cao, phụ thuộc con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y ngoại, chưa kiểm soát tốt dịch bệnh, thủ tục hành chính rườm rà…
Nhưng lẽ nào ngành chăn nuôi trong nước chấp nhận đầu hàng, đi đến con đường chết, trong khi không nhìn về chiều hướng lạc quan, lợi thế, tiềm năng lớn từ 10 triệu hộ chăn nuôi gà, heo, bò thịt và bò sữa của Việt Nam trong tương lai.
Một doanh nghiệp chăn nuôi ở Đồng Nai chia sẻ: "Trước giờ ngành chăn nuôi phải nhập khẩu mọi thứ từ con giống, thức ăn, nguyên liệu, thuốc thú y… Mặt hàng nào cũng bị đánh thuế, khiến giá thịt nội tăng cao. Khi vào TPP, các mặt hàng nhập này giảm thuế sâu sẽ giúp hạ giá, cộng chi phí nhân công rẻ hơn các nước thì chắc chắn thịt nội sẽ có giá cạnh tranh với thịt ngoại".
Do đó, khi đã nghĩ về một bức tranh u ám cho ngành chăn nuôi trong lúc vào TPP thì cũng cần nhận diện đầy đủ những cơ hội để bức tranh tươi sáng hơn. Nói như ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tham gia TPP, ngành chăn nuôi Việt Nam có cơ hội tiếp cận khoa học công nghệ mới, giống mới, sản phẩm mới cũng như làn sóng đầu tư mới. Nếu nắm bắt được cơ hội, chăn nuôi Việt Nam sẽ sớm hội nhập được với các sản phẩm tiên tiến của thế giới.
![]() |
Ngành chăn nuôi cần tận dụng tốt cơ hội hơn là sức ép cạnh tranh khi tham gia TPP
Thực tế, không như nhiều người nghĩ, vài năm trở lại đây, xu hướng chăn nuôi trang trại, quy mô công nghiệp, công nghệ cao của cả nước đã có tiến bộ, trong khi đó chăn nuôi nông hộ giảm dần.
Cả nước hiện có khoảng 23.000 trang trại chăn nuôi. Mật độ ngành chăn nuôi ở Việt Nam lớn hơn hẳn các quốc gia khác cũng là một thuận lợi. Trong đó, nhiều nhất là vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 36%, rồi đến Đồng bằng sông Hồng khoảng 18%, Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 13%. Còn lại là các vùng Bắc Trung Bộ, Tây nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ. Thấp nhất là các vùng Đông Bắc, Tây Bắc trang trại chỉ chiếm khoảng 4,5% và 3,0% chủ yếu là gia súc ăn cỏ.
Kinh nghiệm từ những trang trại chăn nuôi có lãi những năm qua cho thấy phần lớn nhờ vào nguồn thức ăn chăn nuôi có nhiều cải thiện, chất lượng con giống được đầu tư, nhất là con giống gia cầm. Cơ cấu sản xuất chăn nuôi chuyển đổi nhanh theo hướng trang trại, hộ chuyên nghiệp.
Các mô hình liên kết trong sản xuất như mô hình chăn nuôi gia công, hợp tác xã và chuỗi sản phẩm khép kín thịt, trứng sạch tại Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang, Tp.HCM, Đồng Nai…cũng có những hiệu quả nhất định.
Phải thắng chính mình
Về vấn đề cạnh tranh, hiện nay ngành chăn nuôi trong nước vẫn trụ được vì thói quen tiêu dùng thịt tươi sống của người Việt Nam. Đây chính là một rào cản kỹ thuật tự nhiên cực kỳ quan trọng hỗ trợ cho ngành chăn nuôi trước áp lực thịt ngoại.
Giới phân tích nông nghiệp nhận xét thịt heo hay thịt bò, gà nhập của nước ngoài chủ yếu là đông lạnh, mới chỉ cung cấp cho một bộ phận cư dân khá giả ở thành thị, chưa hẳn phù hợp với văn hóa ẩm thực của đại đa số người dân.
Khi tham gia TPP, nhiều người lo ngại hai sản phẩm yếu thế nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam là thịt bò và thịt lợn, vì giá thành sản xuất trong nước cao hơn giá sản phẩm nhập khẩu.
Thế nhưng chưa hẳn vậy, thời gian tới, nếu ngành chăn nuôi heo trong nước tổ chức tốt khâu giống và thức ăn chăn nuôi theo chuỗi thì giá thành có thể giảm được ít nhất 10%, khi đó hoàn toàn có thể cạnh tranh được với thịt nhập khẩu.
Đối với chăn nuôi bò, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam cho biết: "Việt Nam có nhiều vùng có lợi thế về nuôi đại gia súc như các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung".
Với bò sữa, hiện cả nước có khoảng 200.000 con bò sữa, một con số khiêm tốn so với hơn 90 triệu người, nhất là trước nhu cầu tiêu thụ sữa đang tăng của người dân. Theo dự báo, đến năm 2020, tổng đàn bò sữa cả nước phải đạt 500.000 con thì mới đủ để cung cấp sữa cho nhu cầu nội địa.
Cần nhắc lại, trong Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi của Bộ NN&PTNT hồi năm ngoái, có nhấn mạnh 4 nội dung quan trọng là: tái cơ cấu sản xuất ngành chăn nuôi theo vùng, tái cơ cấu vật nuôi, tái cơ cấu phương thức chăn nuôi và tái cơ cấu theo chuỗi giá trị ngành hàng. Việc tái cơ cấu này, nếu thực hiện hiệu quả cũng chính là bước chuẩn bị cho ngành chăn nuôi sẵn sàng ứng phó khi TPP có hiệu lực.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cho biết TPP có riêng một chương về tự vệ thương mại, trong đó có cơ chế tự vệ tạm thời cho phép một thành viên thực hiện biện pháp tự vệ trong 2 năm, gia hạn một năm nếu việc nhập khẩu tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước, do việc cắt giảm thuế.
Thế Vinh