Sáng 22/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đón 400 kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới đã được tổ chức ba lần vào các năm 2009, 2012, 2016 với sự tham dự trực tiếp của hơn 2.000 đại biểu.
Bộ trưởng đánh giá cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, với những con số có thể định lượng cùng "nhiều đóng góp về chất xám, về trí tuệ, về tinh thần không thể cân đong đo đếm”.
Minh chứng rõ ràng là, những ý kiến quý báu, nhiều kiến nghị chính sách của người Việt Nam ở nước ngoài đã được các cơ quan chức năng trong nước tiếp nhận, nghiên cứu và chuyển hóa thành các chính sách, quy định pháp luật. Như chính sách mới trong lĩnh vực căn cước, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản… đã được ban hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh, hướng tới bảo đảm quyền lợi của bà con ở nước ngoài tương đương với người dân trong nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu về dự Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024. |
Đến nay cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Từ khoảng 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2016, đến nay đã có hơn 6 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đặc biệt, kiều bào trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ.
Tính đến hết năm 2023, kiều bào đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD; cùng với đó là hàng ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Hoàng Đình Thắng - Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu - bày tỏ bên cạnh những nỗ lực của từng cá nhân trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài, các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong nước, các thành tựu trong lĩnh vực đối ngoại.
Theo ông, tất cả các yếu tố này đã góp phần tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển và vị thế của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
"Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài dù ở đâu vẫn luôn mang trong mình tình cảm sâu nặng với quê hương, đất nước. Chúng tôi tin tưởng, phấn khởi và tự hào trước sự phát triển và vị thế ngày càng tăng của đất nước. Với tinh thần chia ngọt sẻ bùi, cùng gánh vác với nhân dân trong nước, chúng tôi mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc phát triển đất nước", ông nói.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn kiều bào Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, chia sẻ: "Kiều bào ta ở nước ngoài là một lực lượng quan trọng không thể thiếu, đã làm tốt vai trò ngoại giao nhân dân, cũng như huy động các nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển của đất nước. Là một kiều bào, tôi tự hào được góp phần trong những thành tựu đó".
Trải qua nhiều năm đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhận thấy hiện nay đang là cơ hội tốt nhất cho kiều bào trở về làm ăn tại Việt Nam. Về thu hút nhân tài, ông cho rằng Chính phủ nên có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên Việt kiều về thực tập, khởi nghiệp, tham gia dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới.
"Một điều rất đáng mừng là thời gian gần đây, tôi nhận thấy có rất nhiều bạn trẻ từ nước ngoài trở về Việt Nam lập nghiệp, trong đó có cả các bạn sinh ra ở nước ngoài. Điều này chứng tỏ có một sự dịch chuyển không nhỏ của tri thức từ nước ngoài về Việt Nam, đặc biệt là ở các nước có nền công nghệ và kinh tế phát triển. Ở TPHCM hiện có gần 100 công ty start up và nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm của các bạn kiều bào trẻ...", ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết.
Ông cũng đề nghị Chính phủ tạo điều kiện để các bạn trẻ kiều bào được thuận lợi trong việc xin quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài, làm căn cước… để có thể ổn định cuộc sống lâu dài ở Việt Nam.
Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai các văn bản Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác Người Việt Nam ở nước ngoài; đánh giá kết quả triển khai 20 năm thực hiện Nghị quyết 36, phục vụ việc tổng kết Nghị quyết cũng như xây dựng đường lối của Đảng về Người Việt Nam ở nước ngoài cho Đại hội Đảng lần thứ XIV. |
Thanh Hoa