Ngày 11/11/2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Theo đó, từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành. Hiện nay, mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng.
Từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. |
Trả lời về lo ngại tăng lương cơ sở ảnh hưởng tới lạm phát, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tăng lương có tác động lẫn nhau. Lương tăng - đời sống người dân tăng, nhu cầu tăng lên, dẫn đến sự thay đổi quan hệ cung – cầu, kéo theo biến động giá hàng hóa tiêu dùng. Qua các đợt tăng lương cơ sở, Tổng cục Thống kê quan sát giá hàng hóa tiêu dùng tăng, nhất là thực phẩm.
Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của người dân không cao, nguồn cung hàng hóa đảm bảo tốt, việc tăng lương kéo theo giá cả hàng hóa tăng nhưng không đột biến.
"Tôi tin rằng không xảy ra tình trạng giá cả, hàng hóa dịch vụ tăng quá cao", bà Oanh nói.
Về giải pháp hạn chế tình trạng giá hàng hóa tăng theo lương, Tổng cục Thống kê khuyến nghị, các bộ ngành, địa phương cần chuẩn bị hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đảm bảo nhu cầu người dân; cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, sử dụng vật liệu trong nước thay nguồn nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực lên giá tiêu dùng; kiểm soát việc niêm yết giá hàng hóa; đẩy mạnh bình ổn giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra chống găm hàng...
Thông tin thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, năm ngoái, các bộ ngành có tham vấn Tổng cục Thống kê và đơn vị này đã có văn bản phản hồi về tác động của tăng lương dựa trên các giả định, kịch bản đi kèm. Có kịch bản đề nghị tăng lương đầu năm, nhưng cũng có kịch bản để đi đến quyết định điều chỉnh tăng lương vào ngày 1/7 tới.
Ngoài ra, liên quan tới câu hỏi về việc Việt Nam có đứng trước nguy cơ giảm phát trong năm 2023, bà Nguyễn Thu Oanh phân tích, lạm phát của khu vực đồng Euro tháng 5/2023 tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát của Mỹ tăng 4,0%. Tại châu Á, lạm phát tháng 5/2023 của Trung Quốc tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; Thái Lan tăng 0,53%; Hàn Quốc tăng 3,3%; Indonesia tăng 4,0%; Philippines tăng 6,1%; Lào tăng 38,86%. So với các quốc gia này, Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao khi lạm phát tháng 6/2023 tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, "qua nghiên cứu cho thấy vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng tới CPI, nên không có khả năng Việt Nam đứng trước nguy cơ lạm phát", Vụ trưởng Vụ Thống kê giá nói.
Một trong những yếu tố được bà Oanh dẫn ra ngoài tác động từ tăng lương, có thể EVN sẽ tiếp tục xin điều chỉnh tăng giá điện lần thứ 2 trong năm nay. Nếu điều này được thực hiện sẽ tác động lên CPI; cùng với đó, giá thực phẩm tăng vào cuối năm cũng ảnh hưởng tới lạm phát...
Thy Lê