Theo đánh giá, Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển ngành tôm. Mục tiêu đặt ra là chậm nhất đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 10 tỷ USD. Ngành tôm Việt Nam phấn đấu đạt khoảng 10% GDP cả nước. Nhưng thực tế, để ngành này thật sự trở thành một “công xưởng nuôi tôm thế giới” còn phải làm nhiều việc.
Trong đó, việc đầu tiên cần làm chính là tháo gỡ những khó khăn về rào cản thương mại do các thị trường đặt ra. Các con số thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2010 – 2016, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang hơn 60 thị trường song ba thị trường chủ lực là Mỹ, EU và Nhật Bản đã chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu.
Trở ngại rào cản thương mại
Một số hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các quốc gia nhập khẩu thủy sản tiềm năng đã và đang được ký kết hiện nay như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU… được kì vọng là cơ hội thuận lợi cho xuất khẩu tôm.
Tuy nhiên, mới đây, một số thị trường tiềm năng trên đang đưa ra nhiều rào cản. Cụ thể, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đã chuyển thông báo từ Bộ Thủy sản và Hải dương Hàn Quốc lên WTO về quy định mới của Luật quản lý dịch bệnh thủy sản áp dụng cho tất cả các quốc gia thành viên của WTO có hoạt động xuất khẩu thủy sản là đối tượng kiểm dịch vào Hàn Quốc.
Theo đó, Hàn Quốc bổ sung mặt hàng tôm ướp lạnh, đông lạnh vào danh mục mặt hàng thủy sản phải chỉ định kiểm dịch trước khi xuất khẩu sang nước này. Hiện tại, chỉ có sản phẩm bào ngư và hàu đông lạnh, ướp lạnh nằm trong diện phải được chỉ định kiểm dịch.
Việt Nam có 6 trung tâm kiểm dịch đủ tiêu chuẩn được phía Hàn Quốc công nhận. Phía Hàn Quốc yêu cầu các trung tâm này cần: bổ sung mặt hàng tôm vào danh mục kiểm định và trao đổi, làm rõ với phía Hàn Quốc về điều kiện cũng như phương thức kiểm định; phổ biến cho doanh nghiệp quy định mới của Hàn Quốc để tránh ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Cũng liên quan đến tôm xuất khẩu, ngày 7/1 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Úc đã ra thông báo về việc thực thi khẩn cấp lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín từ các nước châu Á do lo ngại bùng phát bệnh dịch đốm trắng tại Úc. Lệnh cấm trên có hiệu lực từ ngày 9/1và kéo dài trong vòng 6 tháng.
Các lô hàng rời cảng xuất khẩu vào ngày 9/1 hoặc sau ngày 9/1 khi đến Úc sẽ bị tái xuất hoặc tiêu hủy. Đối với các lô hàng đang trên đường tới Úc sẽ bị kiểm tra, kiểm định bắt buộc 100%.
Đánh giá về rào cản thương mại mà Australia đặt ra, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định: “Không phải là thị trường nhập khẩu lớn nhưng Australia là thị trường tiềm năng cho con tôm Việt Nam, với kim ngạch trung bình thu về từ thị trường này mỗi năm hơn 50 triệu USD. Đây là thị trường đang tăng trưởng tốt và Việt Nam cũng muốn đẩy mạnh xuất khẩu tôm ổn định vào thị trường này”.
![]() |
Muốn mở rộng và giữ ổn định thị trường xuất khẩu, tôm Việt cần "lột xác"
theo hướng đảm bảo chất lượng, xây dựng thương hiệu
Cho tới nay, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu được tôm đã luộc chín hoặc tôm chế biến sâu như tôm tẩm bột, tẩm gia vị sang Australia. Lệnh cấm của Australia sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu sản phẩm tôm tẩm bột, tẩm gia vị của Việt Nam. Trong khi đó, rủi ro từ các thị trường xuất khẩu truyền thống cũng không hề giảm, dù đây là những thị trường quen thuộc.
Năm 2017, theo đánh giá của VASEP, xuất khẩu tôm sang EU có thể sẽ khó khăn hơn sau khi bị siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu hay thuế chống bán phá giá tăng mạnh từ thị trường Mỹ, Nhật Bản…
Đặc biệt, với thị trường Mỹ, chiến lược bảo hộ hàng trong nước của Chính phủ mới có thể khiến diễn biến vụ kiện thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam trở nên xấu hơn. Do vậy, các chuyên gia dự báo xuất khẩu tôm vào Mỹ năm nay sẽ không mấy thuận lợi.
Ngoài ra, theo dự báo, xuất khẩu tôm trong năm nay sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước đối thủ, nhất là Ấn Độ và Thái Lan – hai quốc gia có ưu thế về nguồn cung ổn định và giá thành thấp hơn so với tôm Việt Nam.
Như vậy, không chỉ các thị trường xuất khẩu tôm chủ lực làm khó tôm Việt mà ngay cả các thị trường tiềm năng, hứa hẹn nhiều cơ hội để tôm Việt bứt phá cũng đang đưa ra rất nhiều yêu cầu khắt khe, khiến ngành tôm đối mặt nhiều rủi ro.
Gây dựng thương hiệu?
Dự báo bức tranh xuất khẩu của ngành tôm trong năm 2017, VASEP cho rằng xuất khẩu tôm sẽ đạt 3,4 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2016 và vẫn duy trì là ngành đóng góp chính vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Tuy nhiên, trước những bất lợi từ thời tiết, xâm nhập mặn và dịch bệnh tái xuất đang gây áp lực lên ngành sản xuất tôm nguyên liệu trong nước, cùng những vướng mắc về rào cản thương mại khi thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới cho thấy rằng không còn cách nào khác để nâng cao năng lực cạnh tranh ngoài việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho tôm Việt.
Đây cũng là quan điểm xây dựng ngành tôm của Chính phủ. Thủ tướng đã đề nghị các nhà chuyên môn phải chỉ ra được từng địa phương phù hợp với giống tôm nào, tiêu chuẩn, chất lượng ra sao, thị trường tiêu thụ từng loại. Bộ NN&PTNT, các viện nghiên cứu cần tham vấn chặt chẽ cho người dân về vấn đề này. Xây dựng thương hiệu sản phẩm tôm dựa trên đặc thù, lợi thế tự nhiên của địa phương.
Thêm vào đó, cần chú trọng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tập trung hay phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường dẫn đến rủi ro khi thị trường đó có gặp biến động.
Tuy nhiên, vấn đề không thể không đề cập tới là, để tạo dựng được thương hiệu cần chấm dứt tình trạng bơm tạp chất vào tôm, đánh mất hình ảnh và giá trị của con tôm Việt – vốn đang rất nhức nhối.
Chính vì vậy, khi bàn đến phát triển ngành tôm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Con tôm lớn lên cùng đất nước, ngành tôm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia. Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa thì phải nhiều người cùng đi. Với ý nghĩa đó, cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, bà con nuôi tôm đoàn kết để xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam”.
Không còn cách nào khác để nâng cao năng lực cạnh tranh ngoài việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho tôm Việt.
Ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Năm 2017, tình hình thế giới có những diễn biến mới theo hướng bảo hộ mậu dịch trong nước có thể gây những tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm… Trong khi đó, dự báo sản lượng tôm của các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan có thể phục hồi tăng trưởng vào các năm 2017 và 2018 sau thời kỳ sụt giảm sản lượng do dịch bệnh. Đây là yếu tố cạnh tranh quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý. Ts. Hồ Quốc Lực - Tổng Giám đốc công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) Thị trường tôm năm 2017 chưa có biểu hiện sức mua tăng cao. Trong khi đó, tôm Việt Nam sang châu Âu gặp khó khăn về chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO). Lý do là vừa qua hàng bị làm giả CO quá nhiều nên họ tăng cường kiểm tra và nếu phát hiện thấy sẽ bị phạt nặng. Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) Xuất khẩu tôm sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước đối thủ. Theo đó, Ấn Độ là đối thủ lớn nhất của Việt Nam hiện nay tại các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, nhất là đối với sản phẩm tôm chân trắng. Với kế hoạch đầu tư và phát triển đồng bộ, tôm Ấn Độ có ưu thế về nguồn cung ổn định và giá thành thấp hơn so với tôm Việt Nam. |
Lê Thúy