Khi một loạt hãng ô tô có mặt tại thị trường Việt Nam như Toyota, Honda, GM, BMW, Nissan, Chervolet, Huyndai… và kể cả hãng nội địa như Thaco cùng giảm giá thành từ đầu năm 2017 đến nay, và hiện đang giảm ở mức khá sâu, nhiều người vẫn đang đặt câu hỏi là khi nào giá thị trường ô tô Việt sẽ chạm đáy, về với giá thật, giảm 30% hay có thể đến 65%?
Nỗ lực trước giờ G
Lẽ dĩ nhiên, xe giảm giá quá nhanh sẽ khiến cho người mua trở nên nao núng và chờ đợi giờ G vào ngày 01/1/2018, khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về 0% theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Nhưng nếu nhìn xa hơn, bỏ qua sự ảm đạm của thị trường ô tô hiện tại, tương lai phía trước của thị trường ô tô Việt Nam được cho là còn đầy sức hấp dẫn. Như dự báo của BMI Research, thị trường ô tô Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng cao nhất trong khu vực từ nay đến năm 2021. Sản lượng xe sản xuất tại Việt Nam có thể tăng trưởng gần 200%.
Theo giới chuyên gia, bùng nổ thị trường ô tô của Việt Nam sẽ diễn ra vào năm 2020, kéo dài đến năm 2025, khi đó nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ tăng lên. Nhưng năm 2018 là năm bản lề của công nghiệp ô tô Việt với vấn đề ATIGA, nếu không nỗ lực hơn trong thời gian ngắn này, tương lai sẽ đối mặt với tình trạng nhập siêu lớn.
Trong bối cảnh đó, động thái đầu tư nhà máy sản xuất ô tô Việt mang thương hiệu Vinfast của tập đoàn Vingroup mới đây ở Hải Phòng được ghi nhận là một sự nỗ lực tích cực. Theo đó, mục tiêu của tập đoàn này là trở thành hãng ô tô hàng đầu ASEAN, sản xuất 500.000 xe mỗi năm vào năm 2025.
Song trên bản tin của hãng Bloomberg (Mỹ) có dẫn lời của ông Michel Tosto, Trưởng Bộ phận khách hàng tổ chức thuộc công ty Chứng khoán Bản Việt, cho rằng dự án ô tô của Vingroup là một thách thức rất khó do họ không có cả kinh nghiệm lẫn vốn cho việc này. Bởi vì đây là một thị trường có mức độ cạnh tranh cao đang bị thống lĩnh bởi các thương hiệu nước ngoài.
Nỗi lo cho sự phát triển công nghiệp ô tô là tỷ lệ nội địa hóa vẫn còn thấp
Trong khi đó, cũng có không ít ý kiến cho rằng đây là dự án của một nhà đầu tư tư nhân nên họ chịu trách nhiệm về việc sản xuất ra và hy vọng thương hiệu này sẽ thành công.
Tuy nhiên, công nghiệp phụ trợ ô tô ở trong nước vẫn là nỗi day dứt lớn, nhất là khi Vinfast dự kiến sẽ mua thiết kế động cơ và hệ thống khung sườn từ các nhà thiết kế Mỹ và châu Âu.
Chờ công nghiệp phụ trợ
Mọi chuyện đều có lý do, cũng bởi vì công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô của Việt Nam vẫn còn kém phát triển, tỷ lệ nội địa hóa thấp tùy theo chủng loại xe và nhà sản xuất (10% đối với xe du lịch, hơn 30% với xe tải, hơn 40% với xe khách). Chủ yếu là các nhà cung cấp FDI chiếm 90%, chỉ một số nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào mạng lưới nhà cung cấp cho sản xuất và lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Có thể nói, thất bại thị trường của công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô nội địa thời gian qua do nhiều nguyên nhân khác nhau như: nền kinh tế không có khả năng áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất của ngành này; chất lượng kém của mạng lưới các nhà cung cấp trong nước và các ngành công nghiệp phụ trợ; thiếu đầu tư vào nghiên cứu và phát triển; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không được thực thi đầy đủ.
Theo ông Trần Quốc Toản, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco), vấn đề là cần các chính sách minh bạch, dễ tiếp cận để các doanh nghiệp chủ động trong việc đầu tư vào công nghiệp phụ trợ ngành ô tô.
Cụ thể, các danh mục ngành nghề và chủ trương khuyến khích đầu tư đã được ban hành nhưng “Sản xuất chủng loại phụ tùng nào? Bán cho ai? Theo tiêu chuẩn nào? Bằng công nghệ gì?” vẫn là những bài toán chưa giải nổi vì tiền đề là thị trường chưa được khẳng định hoặc dự báo tốt.
Nhiều chuyên gia từ lâu đã chỉ rõ nút thắt lớn nhất cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là do chính sách thiếu ổn định. Cho nên, nếu Chính phủ đã xác định phát triển công nghiệp ô tô và phụ tùng cho ngành này đã, đang và sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế, thì phải tháo cho được những nút thắt về mặt chính sách và phải cụ thể hóa chính sách bằng hành động để công nghiệp phụ trợ ngành ô tô không lẹt đẹt như hiện nay.
Công nghiệp ô tô Việt Nam rất cần những nhà đầu tư nội địa có tiềm lực mạnh mà Thaco là một điển hình. Giờ đây có thêm sự vào cuộc của một “ông lớn” như Vingroup, hy vọng bức tranh công nghiệp ô tô Việt sẽ sáng hơn, còn việc băn khoăn xem doanh nghiệp này có coi đây là mảng kinh doanh cốt lõi hay không khi mà thế mạnh của họ là bất động sản và bán lẻ, có lẽ không ăn nhập gì đến ngành công nghiệp ô tô.
Và điều quan trọng là Vingroup có giúp cho công nghiệp phụ trợ ngành ô tô Việt Nam phát triển như cách thức mà Thaco (một doanh nghiệp với ngành cốt lõi là sản xuất ô tô) đã và đang làm hiện giờ hay không? Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ ở phía trước.
Thế Vinh