Báo cáo về kinh tế nhà nước và cơ cấu lại DNNN, ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban nghiên cứu cải cách và phát triển DN, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết nhìn trên tổng thể kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, vai trò của kinh tế nhà nước chưa rõ nét trong việc "dẫn dắt, tạo động lực phát triển" với nền kinh tế và là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế.
Hiệu quả kinh doanh thấp
Về cổ phần hóa (CPH), thoái vốn DNNN, việc điều chỉnh tiêu chí phân loại và thực hiện CPH, sắp xếp DNNN đã giúp giảm mạnh về số lượng DNNN: từ khoảng 6.000 DN năm 2001 giảm xuống còn 1.369 DN năm 2011 và 526 DN năm 2018.
Tuy nhiên, ông Trung đánh giá, CPH, thoái vốn DNNN vẫn có thể hoàn thành kế hoạch về số lượng nhưng chắc chắn không hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng. Trong đó, phải kể tới việc chưa đạt mục tiêu thu hút đầu tư xã hội, dẫn tới vẫn phải duy trì cổ phần nhà nước ở mức cao, chưa thể rút vốn nhà nước để đầu tư vào ngành, lĩnh vực cần tới vai trò của kinh tế nhà nước, của DNNN.
Vì vậy, chưa đạt mục tiêu "DNNN có cơ cấu hợp lý hơn", vốn nhà nước còn hiện diện ở hầu hết các ngành kinh doanh trong thời gian tới.
Đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, đại diện CIEM cho hay, tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng giữa kết quả đầu ra (doanh thu) và nguồn lực đầu vào (tài sản, vốn kinh doanh) làm giảm hiệu quả đầu tư của DNNN nói riêng, kinh tế nhà nước nói chung. Đặc biệt, để tạo ra một đồng giá trị gia tăng, DNNN đang phải sử dụng nhiều vốn hơn DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN tư nhân trong nước.
"Mặc dù tỷ suất lợi nhuận và hiệu suất sử dụng lao động cao hơn mức bình quân của DN Việt Nam, tuy nhiên số liệu bình quân chưa phản ánh đúng và đầy đủ hiệu quả của phần lớn DNNN. Trong đó, tổng lợi nhuận của khu vực DNNN phụ thuộc vào một vài DNNN lớn trong các ngành có mức độ cạnh tranh thấp (khai khoáng, viễn thông, năng lượng). Ở các ngành có cạnh tranh cao như thương mại, xây dựng, chế biến chế tạo…, hiệu quả kinh doanh của DNNN còn thấp, chứng tỏ áp lực cạnh tranh làm bộc lộ nhiều nhược điểm của DNNN", ông Trung đánh giá.
Theo CIEM, một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN còn thấp là do cơ chế quản trị DNNN chậm đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; cách thức điều hành tại nhiều DNNN còn lạc hậu. Đồng thời, thiếu công cụ quản trị DN hiện đại, dẫn đến chậm hoặc không phát hiện được các vấn đề phát sinh, gây thất thoát, tiêu cực trong kinh doanh.
Ts. Lê Xuân Bá, chuyên gia kinh tế (nguyên Viện trưởng CIEM), cho rằng đã tốn rất nhiều thời gian để đổi mới khu vực DNNN nhưng đến giờ dường như các giải pháp đều không hiệu quả, mặc dù có nhiều báo cáo, chương trình nghiên cứu về đẩy mạnh phát triển DNNN "xếp dài hàng chục mét".
"Thay vào đó, hiện nay vẫn cứ loay hoay mãi chuyện DNNN là chủ đạo hay không phải chủ đạo mà quên đi thực tế rằng họ làm không hiệu quả thì làm sao là nhân tố chủ đạo? Chúng ta không nên mắc kẹt vào tư duy mệnh lệnh hành chính, không làm được mà cứ ép làm. Một người chỉ vác được 50kg, sao có thể bắt họ vác 100 kg?", ông Bá nêu vấn đề.
"Chưa kể, tính chuyên nghiệp của DNNN đang rất kém. Một thời toàn vụ trưởng, cán bộ chủ chốt ở các Bộ làm chủ tịch, tổng giám đốc ở DNNN. Đem một anh quản lý hành chính, một anh nghiên cứu đi làm DN thì "chết rồi", không thể làm được", ông Bá nhận xét.
Chuyên gia kinh tế Trần Tiến Cường cũng cho rằng nếu vẫn cứ tranh cãi về vai trò của DNNN thì không biết những cuộc thảo luận này kéo dài đến bao giờ.
![]() |
Nhiều dự án nghìn tỷ vẫn đang đắp chiếu |
Xác định rõ trách nhiệm
Cơ cấu lại nguồn lực đầu tư với DNNN và đơn vị kinh tế nhà nước cần có cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với mỗi loại DN. Theo đó, cần tăng cường sử dụng các chính sách vĩ mô do Nhà nước ban hành thay cho việc sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết vĩ mô, chỉ sử dụng DNNN như là công cụ hỗ trợ cùng với công cụ chính sách để điều tiết vĩ mô và phải minh bạch hóa, thể chế hóa vai trò này của DNNN.
Bên cạnh đó, cần nêu rõ nhiệm vụ, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với vốn, tài sản nhà nước. Nếu người quản lý không làm được phải có chế tài xử phạt, bắt đầu từ người lãnh đạo.
"Như ở Singapore, nếu bộ trưởng không làm được việc sẽ phải chịu trách nhiệm bằng các hình thức kỷ luật", ông Cường nhấn mạnh.
Liên quan tới trách nhiệm của người quản lý, Ts. Lê Xuân Bá cũng đánh giá, quá trình thoái vốn là yêu cầu bắt buộc nhưng có nhiều nơi làm không tốt hoặc không làm, kết quả cũng không ai bị cách chức, bị đuổi khỏi vị trí lãnh đạo. Đặt ra chế tài nhưng không thực hiện chế tài.
"CPH, thoái vốn gặp khó vì cách xác định tài sản nhà nước, nhiều người sợ làm sai, làm mất vốn của Nhà nước nên không làm, làm chậm. Làm quyết liệt thì sợ sai, sai thì sợ chết", ông Bá nói.
Đáng chú ý, riêng với DNNN thua lỗ, ông Bá nêu quan điểm: DNNN thua lỗ giống nhà có "con nghiện", bao nhiêu tiền cũng hết. Vì vậy, thà chịu đau, bỏ phăng nó đi còn hơn chi tiền để cứu.
Nói về thoái vốn, CPH DNNN, Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, chia sẻ: nếu thương vụ tốt, nhiều người mua, lập tức nhiều người lại cho rằng có vấn đề. Tuy nhiên, đây là vấn đề cung – cầu, thị trường mà chúng ta phải thay đổi, phải soi xét quan niệm của thị trường, đừng soi xét quan niệm tư duy như xưa.
"Nếu không, chúng ta vô tình biến thương vụ tốt thành thương vụ xấu, biến người tốt, có động lực thay đổi thành vi phạm luật pháp, rồi cơ quan thanh tra lại tìm ra cái gọi là sai phạm. Như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ chấm dứt được tư duy "cứ từ từ mà làm, làm tốt hơn làm nhanh" đang phổ biến như hiện nay", ông Cung chia sẻ.
Trước thực tế trên, CIEM kiến nghị, chiến lược 2021 – 2030 cần xác định rõ chỉ tiêu kinh tế DNNN phải đạt được các mặt như hiệu suất sinh lời trên vốn nhà nước; năng suất lao động (phải cao hơn mức bình quân, không thấp hơn khối FDI, trình độ công nghệ ngang bằng khu vực ASEAN)…
Lê Thúy
Ông Trần Tiến Cường - Chuyên gia kinh tế Không nên để DNNN phát triển tràn lan trên nhiều lĩnh vực, tránh nhấn mạnh quá vấn đề chi phối, dẫn dắt. Mục tiêu giao cho kinh tế nhà nước, DNNN phải xem xét lại, cần tập trung, không thể tùy tiện, ôm đồm để rồi có DN chịu nhiều áp lực hơn DN bên ngoài nhưng có DN lại không có áp lực gì. Ts. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM Chúng ta cần đánh giá lại kinh tế nhà nước cũng như đánh giá việc thực hiện cơ cấu lại khu vực DNNN, vai trò đóng góp của kinh tế nhà nước trong phát triển kinh tế – xã hội thực sự có mang lại hiệu quả hay không. Bên cạnh đó, xem xét hoạt động của DNNN và quyền tự chủ của họ. Hiện nay, DN tư nhân thường nói không được đối xử bình đẳng, còn DNNN cho rằng các chính sách chưa thực sự thúc đẩy họ phát triển. Ts. Lê Xuân Bá - Chuyên gia kinh tế Khối DNNN ở nhiều nước cũng hoạt động không hiệu quả, nhưng khu vực này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong GDP nên không tác động nhiều tới quá trình phát triển kinh tế của họ. Còn tại Việt Nam, quy mô, tài sản, nguồn lực của DNNN quá lớn, việc có nhiều DN "ốm yếu, hắt hơi sổ mũi" sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. |