Thị trường Mỹ hiện được đánh giá là thị trường xuất khẩu (XK) lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng kim ngạch chiếm gần 21,6% tổng kim ngạch XK của cả nước. Trong đó, có ba mặt hàng đạt trị giá XK từ một tỷ USD trở lên, bao gồm: Dệt may (3,4 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch XK của Việt Nam vào Mỹ), mặt hàng điện thoại (kim ngạch 1,466 tỷ USD) và giày dép các loại (đạt 1,33 tỷ USD).
Ngoài ra, các mặt hàng khác cũng đạt kim ngạch XK tốt như: gỗ và sản phẩm gỗ; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng…
Nhiều tín hiệu tốt
Theo Tổng cục Hải quan, trong bốn tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch XK của Việt Nam vào thị trường Mỹ đã đạt 11,45 tỷ USD. Đây là thị trường XK đầu tiên của Việt Nam đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD trong năm 2016. Số liệu thống kê cho thấy vào tháng 1/2016, Việt Nam đứng thứ 12/15 đối tác nhập khẩu lớn của Hoa Kỳ, tháng 2/2016 đã tiếp tục vươn lên vị trí 11/15.
Giới chuyên gia nhận định, tuy còn sớm để nói những tác động tích cực từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với quan hệ thương mại hai nước nhưng đây là tín hiệu tốt, hứa hẹn những bước tiến mới trong xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Được biết khi TPP có hiệu lực, Mỹ sẽ xóa bỏ ngay 55,4% số dòng thuế nông nghiệp (tương đương 97,7% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 0,95 tỷ USD) và đến năm thứ 10, tổng số dòng thuế nông nghiệp được xoá bỏ là 97,4%.
Về dệt may, 73,1% số dòng thuế được Mỹ xóa bỏ ngay, chiếm 46,1 kim ngạch (tương đương 3,5 tỷ USD). Dòng thuế mặt hàng thuỷ sản cũng sẽ được xoá bỏ ngay hoặc vào năm thứ ba. Còn 85% số dòng thuế giày dép cũng sẽ được xoá bỏ ngay (tương đương 39,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, đạt 1,15 tỷ USD)…
Nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Obama, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius, nhấn mạnh rằng TPP là công cụ tốt nhất cho Việt Nam và Mỹ xây dựng hơn nữa quan hệ kinh tế. Đại sứ Ted Osius hy vọng Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam trong tương lai gần. TPP có sức mạnh thu hút nhiều nhà đầu tư mới của Mỹ vào Việt Nam.
Xuất khẩu dệt may vào Mỹ trong 4 tháng đầu 2016 đạt 3,4 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch XKcủa Việt Nam vào Mỹ
Cần đúng “chuẩn”
Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) tại Tp.HCM, hy vọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ khu vực ASEAN (hiện đã chiếm 35%) sẽ tăng đến 45% trong tổng kim ngạch xuất khẩu từ khu vực này sang thị trường Mỹ trong năm 2017.
Điều đó đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các DN Việt Nam, tận dụng cơ hội khi Việt Nam tham gia TPP và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Herb Cochran đưa ra một trường hợp cần cải thiện từ dịch vụ vận tải nhằm tạo thuận lợi thương mại để tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ.
Chẳng hạn như thời gian vận chuyển hàng hoá bằng tàu biển từ cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đến bờ Tây nước Mỹ hiện nay từ 15 – 16 ngày. Tuy nhiên, vào năm 2013, việc kê khai hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ lại kéo dài đến 21 ngày.
Để cải thiện vấn đề này, thông qua việc cải tiến các thủ tục, đến năm 2015, việc kê khai hàng hoá xuất khẩu đi Mỹ đã giảm xuống còn 12 ngày và năm 2016 giảm còn 10 ngày.
Tuy vậy, theo ông Herb Cochran, theo đúng cam kết trong TPP, đòi hỏi phía Việt Nam phải giảm thời gian kê khai hàng hoá dưới 48 giờ vào năm 2018. Hơn nữa, để tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần phát triển các phương tiện vận chuyển mới.
Hệ thống giao thông và vận chuyển hàng hoá tốt hơn sẽ giúp DN Việt Nam tăng năng suất cũng như khả năng cạnh tranh cao hơn khi vào thị trường Mỹ.
Giới chuyên gia cũng lưu ý rằng mã số DUNS (số nhận dạng ID duy nhất trên quốc tế) là điều mà các DN xuất khẩu Việt Nam cần phải có để trở thành nhà cung ứng “đạt chuẩn” cho các công ty Mỹ.
DUNS được cấp cho các DN trải qua thành công các bước xác minh của Dun & Bradstreet (D&B, công ty dẫn đầu và lớn nhất về nguồn thông tin thương mại trên thế giới) và được vào hệ thống Dữ liệu Toàn cầu của D&B.
Mã số này sẽ giúp dễ dàng tiếp cận thông tin DN và giúp giao thương toàn cầu được thuận lợi hơn. Nó là tiêu chuẩn toàn cầu để xác minh DN cho các giao thương online và offline.
Hiện nay, mã số DUNS được sử dụng rộng rãi trong quy trình đánh giá nhà cung cấp bởi các tập đoàn lớn tại Mỹ như Walmart, Intel, GM, Apple… Nó cũng được khuyến nghị hoặc yêu cầu bắt buộc bởi 200 tổ chức chính phủ cùng các hiệp hội thương mại, ngành nghề trên toàn thế giới và nhất là tại thị trường Mỹ.
Đơn cử như trong buổi tiếp xúc với các DN xuất khẩu của Việt Nam gần đây, bà Lisa Schimmelpfenning, Phó Chủ tịch Tập đoàn Walmart (tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Mỹ), cũng nhấn mạnh việc này. Điều quan trọng là để trở thành nhà cung ứng cho Walmart thì các DN phải “đạt chuẩn”.
Theo bà Lisa Schimmelpfennin, vấn đề bà cần ở các DN Việt chính là sự minh bạch trong quy trình sản xuất, quy trình hàng hoá trong chuỗi cung ứng và phải cung cấp sản phẩm có chất lượng tốt, giá phải chăng với đủ số lượng mà một tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới như Walmart yêu cầu.
Thế Vinh