Đây là lý do khiến chúng ta lo ngại về mục tiêu 7,1 tỷ USD xuất khẩu thuỷ sản 2017, mặc dù năm nay được dự báo dự địa xuất khẩu thuỷ sản vẫn còn nhiều.
Năm 2016 thủy sản tiếp tục khẳng định là ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn của ngành nông nghiệp, đóng góp lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành, với giá trị 7 tỷ USD.
Tổng sản lượng thủy sản cả năm ước đạt hơn 6,7 triệu tấn. So với năm 2015, tổng sản lượng tăng 2,5%; tỷ trọng sản lượng nuôi trồng chiếm 54,2%, cao hơn năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng 6,5%.
Thiếu tăng trưởng về chất
Năm 2017, ngành thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 7,1 tỷ USD. Bên cạnh đó, phấn đấu tổng sản lượng thuỷ sản đạt 6,85 triệu tấn. Trong đó, sản lượng khai thác 3,05 triệu tấn, nuôi trồng 3,8 triệu tấn.
Tuy nhiên, theo đánh giá, xuất khẩu thuỷ sản mặc dù có tốc độ tăng trưởng tốt nhưng chưa thực sự tăng trưởng về chất. Thực tế, trong 5 năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tăng không đáng kể, đạt dưới 7 tỷ USD. Cả hai ngành hàng quan trọng (tôm, cá tra) đều giảm giá trị.
Nguyên nhân là do xuất khẩu phần lớn là sản phẩm thô, sơ chế, hàm lượng chế biến thấp, do đó giá trị gia tăng xuất khẩu thấp, năng lực cạnh tranh của các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu Việt Nam còn thấp và chậm cải thiện.
Các sản phẩm chế biến từ tôm, cá tra nhìn chung còn đơn điệu, chủ yếu là sản phẩm đông lạnh dạng phi lê, nguyên con hoặc cắt khúc (chiếm đến trên 95%), loại sản phẩm chế biến sâu, phối chế, làm sẵn, ăn liền tuy bước đầu có sản xuất nhưng còn rất ít, chỉ khoảng 5%.
Hơn nữa, các DN vẫn gia tăng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất và chế biến xuất khẩu, dẫn đến tình trạng giảm sút năng lực cạnh tranh về giá.
Đáng chú ý nhất là hàng thuỷ sản Việt Nam chưa có thương hiệu riêng và phải xuất khẩu uỷ thác qua trung gian là chủ yếu, bị nhà nhập khẩu đưa ra các rào cản thương mại và ép giá, gây thiệt hại đáng kể cho DN xuất khẩu.
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản sang hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với giá trị xuất khẩu thuỷ sản cả năm ước đạt 6,53 tỷ USD.
![]() |
Phần lớn thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam trên bao bì không được ghi rõ là sản xuất tại Việt Nam hoặc sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam
Trong khi đó, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), có tới 90% sản phẩm thủy sản của Việt Nam là xuất khẩu qua trung gian, dưới dạng thô, hoặc gia công cho các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài.
Các hàng hóa này của Việt Nam phần lớn là sản xuất theo tiêu chuẩn chỉ định của họ mà trên bao bì không được ghi rõ là sản xuất tại Việt Nam hoặc sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam.
Sản phẩm cá tra Việt Nam có mặt tại hơn 125 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng “đa phần mang thương hiệu của các nhà nhập khẩu”. Khoảng 100 loài hải sản giá trị cao, sản lượng khai thác lớn, nhưng xuất khẩu phải thông qua trung gian hay dưới dạng gia công cho các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài.
Sức ép từ hội nhập
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Viện Nghiên cứu Thương mại, với việc tham gia và thực hiện cam kết trong các Hiệp định FTA thế hệ mới, cùng với việc cắt giảm thuế quan, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối mặt với xu hướng tăng cường các rào cản kỹ thuật, môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, cùng các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh nghiêm ngặt… từ các thị trường nhập khẩu khó tính.
Đến nay, đã có 49 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu thủy sản Việt Nam dựng lên các rào cản phi thuế quan, kể cả việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp của các nước nhập khẩu lớn, do đó áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng tăng trên thị trường quốc tế. Chỉ tính riêng năm 2015, gần 260 lô hàng thuỷ sản Việt Nam đã bị các nước nhập khẩu trả về vì hoá chất, kháng sinh, vi sinh vật vượt ngưỡng.
Theo dự báo, ngành khai thác thủy sản xa bờ và các hoạt động xuất khẩu thủy sản từ đánh bắt của Việt Nam sẽ chịu thiệt hại do các yêu cầu và cam kết về cấm trợ cấp đối với khai thác thủy sản tự nhiên, các quy định, tiêu chuẩn về chứng chỉ sản phẩm đánh bắt đạt tiêu chuẩn bền vững theo các cam kết quy định trong điều 20.16 Hiệp định TPP, cũng như các cam kết về truy xuất nguồn gốc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA. Các quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngành thủy sản, do thực tế thời gian qua, chúng ta còn có những trợ cấp, ưu đãi đối với ngành thủy sản không phù hợp với các quy định và cam kết đã ký kết.
Hơn nữa, về vấn đề thương hiệu, theo bà Quỳnh Hoa, ghi nhãn hàng hóa và truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc khi xâm nhập thị trường các nước thành viên EVFTA cũng như TPP, được quy định cụ thể trong chương về nguyên tắc xuất xứ và thủ tục xuất xứ, trong khi vấn đề này đối với ngành thủy sản Việt Nam lại đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, còn quá nhiều bất đồng và thiếu sự thống nhất giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ sở sản xuất nguyên liệu, thu mua và chế biến…
Do vậy, “Nếu không đáp ứng tốt điều khoản tham chiếu này, thủy sản Việt Nam sẽ bị hạn chế rất nhiều khi xâm nhập thị trường các nước thành viên EVFTA và TPP nói riêng, thị trường xuất khẩu nói chung. Hơn nữa, một thách thức khác đối với các doanh nghiệp Việt Nam là để được hưởng mức thuế quan 0% còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là quy tắc xuất xứ, trong đó nhấn mạnh quy tắc xuất xứ nội khối, các nguyên liệu và những yếu tố tạo thành sản phẩm đều phải do các nước thành viên tham gia Hiệp định sản xuất thì mới được hưởng các ưu đãi thuế quan”, bà Quỳnh Hoa nói.
Chưa kể, ngành thuỷ sản đang phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên và biến đổi khí hậu, dịch bệnh…. đang là những thách thức cản trở xuất khẩu năm 2017.
Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đối với sản phẩm cá tra, năm 2017 này có nhiều triển vọng. Nhưng về lâu dài, ngành thủy sản sẽ khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm quốc gia cá da trơn, trong đó sẽ tạo ra một dòng sản phẩm chất lượng cao có thương hiệu và nâng cao uy tín, chất lượng con cá tra của Việt Nam trên thị trường. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Viện Nghiên cứu Thương mại Hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đang gặp phải những rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường rất lớn, trong đó các thị trường xuất khẩu chính lại là những thị trường có tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt và thay đổi theo hướng ngày càng nghiêm ngặt hơn. Không chỉ những thị trường lớn mà các thị trường lân cận trong khu vực như Malaysia, Indonesia cũng đang tạo áp lực về thuế chống phá giá với các mặt hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, gây bất lợi và thiệt hại hàng triệu đô la mỗi năm cho Việt Nam. Ông Lê Thanh Lựu Trên thị trường quốc tế, mặt hàng thuỷ sản của chúng ta không phải được đánh giá là hàng hoá cao cấp nhất hoặc có sức cạnh tranh cao, là sự lựa chọn của các bạn hàng quốc tế. Hơn nữa, trong vòng 15 năm trở đây, ngành thuỷ sản Việt đã có bước phát triển lớn nhưng bắt đầu có dấu hiệu chững lại. |
Lê Thúy