Theo Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu (XK) thủy sản 5 tháng đầu năm 2020 đạt 2,81 tỷ USD, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm như cá tra, cá ngừ, tôm sú, mực và bạch tuộc...
Khó 'sân khách' nhưng không dễ về 'sân nhà'
Sản phẩm cá tra đang tìm cách thu hút người tiêu dùng phía Bắc |
XK khó khăn, để giải quyết bài toán đầu ra, các DN buộc phải quay đầu về thị trường trong nước. Tuy nhiên, thực tế để mở rộng kênh phân phối chiếm lĩnh thị trường nội địa chưa bao giờ là dễ dàng.
Hơn 3 năm qua, HTX sản xuất và thương mại Xuyên Việt (Gia Lộc, Hải Dương) đã đưa cá tra từ Nam ra Bắc gây nuôi để bán cá tra tươi sống vào các chợ đầu mối, cá tra cắt khúc, cá tra nguyên con dạng ướp lạnh tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội và các địa phương lân cận.
Ông Lê Văn Việt, Giám đốc HTX cản xuất và thương mại Xuyên Việt (Gia Lộc, Hải Dương), cho biết hiện tại, HTX đang duy trì sản lượng cá tra khoảng 100-200 tấn. Riêng tại thị trường Hà Nội, trung bình 1 tháng, HTX tiêu thụ 300-500 tấn cá tra ở tất cả các hệ thống siêu thị.
Tuy nhiên, Trưởng Phòng kinh doanh giống thủy sản HTX Xuyên Việt, ông Đinh Tuấn Giang, chia sẻ tiềm năng phát triển thị trường cá tra trong nước vẫn còn nhiều. Hiện nay, người tiêu dùng miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn chưa quen với sản phẩm cá tra, đầu ra của HTX chủ yếu là các siêu thị, nhà hàng với các đơn hàng cụ thể.
Tương tự, sau 3 năm liên tiếp mang sản phẩm ra thị trường miền Bắc xúc tiến, ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá, cho hay, trong khi thị trường miền Nam tiêu thụ khoảng 500 - 700 tấn cá tra/ngày thì mức tiêu thụ tại miền Bắc còn ít.
"Quãng đường vận chuyển xa, trong khi người tiêu dùng miền Bắc quen sử dụng các sản phẩm cá tươi sống như: cá trắm, cá chép, cá rô phi… và ít sử dụng các sản phẩm cá đông lạnh là những khó khăn mà phía doanh nghiệp gặp phải", ông Hùng nói.
Bộ NN&PTNT dự báo đến hết quý II, XK cá tra sang các thị trường lớn chưa thể vượt lên mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước.Dự báo nhập khẩu thuỷ sản chung vào Mỹ trong quý II/2020 sẽ chững lại, chỉ tăng ở nhóm hàng thuỷ sản đông lạnh và đóng hộp, dễ bảo quản và sử dụng tại nhà. Nhu cầu tiêu dùng cá da trơn của Mỹ quý I/2020 không giảm nhưng nhập khẩu cá da trơn vào Mỹ lại giảm mạnh so với cùng kỳ 2019.
Dự báo nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản của Nhật sẽ tăng trong quý II/2020 ở nhóm hàng thuỷ sản đông lạnh, đóng hộp. Đối với thị trường châu Phi, XK thuỷ sản sang khu vực này giảm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Xây dựng sản phẩm cho từng phân cấp
Không riêng mặt hàng cá tra gặp khó, theo Bộ NN&PTNT, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ hải sản khai thác gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến giá hải sản giảm mạnh so với thời gian trước khi có dịch.
Cụ thể, các loại cá đông lạnh để XK sang thị trường Trung Quốc, bán cho nhà hàng và bếp ăn tập thể giảm sâu (khoảng 30%) do không XK được.
Giá cá ngừ trung bình giảm từ 10-20% do XK sang các thị trường nước ngoài giảm, giá trị XK cá ngừ tính đến 31/3/2020 đạt 146,5 triệu USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ. Hiện, nhiều công ty giảm lượng thu mua do không đủ công suất kho lạnh để trữ hàng nên giá cá tiếp tục giảm....
Nhiều loại hải sản bị giảm giá và lượng tiêu thụ giảm so với trước khi có dịch nên hiệu quả sản xuất của ngư dân bị giảm đáng kể. Những tàu cá khai thác sản lượng thấp hoặc sản phẩm đánh bắt tiêu thụ chậm do không XK được hoặc chất lượng thấp sẽ bị lỗ nhẹ.
Nhìn nhận thực trạng của ngành cá tra, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, thừa nhận: Sau hơn 20 năm phát triển, với khoảng trên 6.200 ha, mỗi năm chúng ta đạt sản lượng 1,72 triệu tấn cá tra với kim ngạch XK trên 2 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành này vẫn chưa thể phát triển tại thị trường trong nước.
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng các DN cá tra cần thay đổi tư duy khi khó khăn mới quay về thị trường nội địa. DN cần nghiên cứu sản phẩm cá tra phù hợp với ẩm thực người dân miền Bắc. Làm sao sau khi sơ chế, cá tra vẫn đảm bảo độ dai, thịt săn chắc.
"Nếu ngành cá tra khai mở được thị trường trong nước, điều này sẽ giảm áp lực lên XK, giá XK tăng lên, đồng thời khai thác tốt thị trường 100 triệu dân trong nước", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận.
Từ câu chuyện của ngành cá tra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lưu ý, các DN thủy sản cần nâng cao chất lượng, xây dựng sản phẩm phù hợp với từng phân khúc thị trường. Đặc biệt, DN cần chú trọng phát triển thị trường nội địa, cung cấp cho người tiêu dùng trong nước những sản phẩm tốt nhất.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến về đề xuất giải pháp hỗ trợ tiêu thụ hải sản cho ngư dân. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình khai thác, sản xuất thủy sản tại các địa phương. Tình hình dịch Covid-19 tại các nước trên thế giới, đặc biệt là các thị trường chính, truyền thống.
Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT cần có chỉ đạo kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể tiến hành XK, giao kết hợp đồng mới ngay khi các thị trường này mở cửa trở lại.
Mặt khác, Bộ Công Thương nghiên cứu và có giải pháp tăng cường phân phối, tiêu thụ nội địa đối với mặt hàng thủy sản. Chỉ đạo các cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài kịp thời thông tin công khai về tình hình mở cửa trở lại của các thị trường cũng như nhu cầu về sản phẩm thủy sản của các thị trường.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, XK Thủy sản Việt Nam đang có cơ hội giành thị phần của Trung Quốc và một số nước phục hồi sản xuất chậm hơn, đặc biệt những sản phẩm có giá phải chăng và có thời hạn bảo quản lâu: Cá biển đóng hộp, surimi, thực phẩm ăn liền (chế biến sẵn) và thực phẩm đông lạnh đảm bảo an toàn thực phẩm để chế biến, nấu chín.
Để tận dụng được các cơ hội trên, Vasep khuyến nghị: DN đẩy mạnh sản xuất đồ hộp, hàng chế biến sẵn, giá cả phù hợp để đáp ứng nhu cầu gia tăng tại các thị trường bị ảnh hưởng dịch nhiều như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc....
Không gỡ được 'thẻ vàng', thủy sản khó tận dụng EVFTA Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho biết với EVFTA, thuế nhập khẩu giảm làm tăng thêm khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam. Đơn cử như mặt hàng tôm, lợi thế rõ rệt với tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh XK khi tôm sú được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm. Trong khi các đối thủ cạnh tranh có: Thái Lan không được hưởng GSP, không có FTA nên có mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ không có FTA, chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia chịu thuế GSP 4,2% và Ecuador chịu mức thuế cơ bản 12%. Với cá ngừ, EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho các sản phẩm cá ngừ tươi sống/đông lạnh ngay khi EVFTA có hiệu lực (trừ thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS 030487 theo lộ trình 3 năm); các sản phẩm thăn/philê cá ngừ hấp (nguyên liệu để sản xuất cá ngừ đóng hộp) được xóa bỏ thuế quan theo lộ trình 7 năm, từ mức thuế cơ bản 24%. Với cá tra, mức thuế EU dành cho Việt Nam trong EVFTA sẽ được giảm từ 5,5% hiện nay về 0% vào năm thứ 3 sau khi EVFTA có hiệu lực. Một số sản phẩm chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư... sẽ có thể tăng trưởng do được giảm thuế về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, ông Thái nhấn mạnh, việc đang bị phạt “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam từ năm 2018 đã tác động bất lợi đến hoạt động XK. "Nếu Việt Nam không tiếp tục nỗ lực, quyết liệt triển khai các biện pháp, giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ cơ quan nhà nước đến doanh nghiệp và ngư dân trong thời gian tới, kết quả kiểm tra tiếp theo của EC có khả năng sẽ gây bất lợi đến hoạt động XK hải sản nói riêng và thủy sản nói chung của ta sang thị trường tiềm năng này, dẫn đến “vô hiệu hóa” các lợi thế có được từ Hiệp định EVFTA", ông Thái cảnh báo. Chưa kể, theo Bộ Công Thương, những quy định về lao động, môi trường chặt chẽ trong EVFTA cũng đã và đang gây khó khăn cho hoạt động XK. Các rào cản phi thuế quan SPS, TBT được sử dụng nhiều hơn khi thuế quan đã được cắt giảm trong EVFTA. |
Lê Thúy