Báo cáo Doing Bussiness 2016 được Ngân hàng Thế giới công bố mới đây cho thấy, DN Việt Nam phải dành gần 40% lợi nhuận để nộp thuế, chưa kể phí và các khoản chi phí “không tên” khác.
Tại hội thảo “Cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách thuế”, một lần nữa, vấn đề gánh nặng chi phí thuế đối với DN tiếp tục được các chuyên gia phân tích, tìm nguyên nhân.
Thuế suất đang cao
Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế – chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nộp thuế, BHBB trên lợi nhuận DN ở Việt Nam cao hơn là do tỷ lệ đóng góp của BHBB ở Việt Nam cao hơn gấp đôi so với ASEAN 6 (23,7% so với 11%).
Phân tích cụ thể về vấn đề này, bà Cúc cho biết, theo cách tính thuế hiện nay, mức bình quân về tỉ suất thuế, BHBB trên lợi nhuận DN của các nước ASEAN 6 là 31%, thấp hơn Việt Nam là 4,5%.
Tuy nhiên, bà Cúc cho rằng so với ASEAN 6, tỷ suất thuế của Việt Nam lại thấp hơn nhiều. Cụ thể, Việt Nam là 11,5% còn ASEAN là 20% và cũng thấp hơn so với mức bình quân của khu vực OECD là 16,1%; khu vực Đông Á Thái Bình Dương là 16,4%.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, do tỷ suất lợi nhuận của DN giảm nên tỷ suất thuế và BHBB tăng lên 39,34%. Trong đó, tỷ suất thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 22% xuống 20%, nên tỷ suất thuế tăng lên 14,53%.
Theo các chuyên gia ngành thuế, con số này vẫn thấp hơn bình quân của các khu vực đã nêu trên. Trong khi tỷ suất BHBB trên lợi nhuận DN tăng lên 24,81%.
Bà Cúc cho rằng có được kết quả trên là đáng vui mừng bởi sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, giúp môi trường kinh doanh của Việt nam năm 2016 được tăng 3 bậc (từ xếp thứ 93 lên 90), chỉ số chung về thuế tăng 5 bậc (từ 173 lên 168) trong bản xếp hạng so với báo cáo năm 2014.
Hiệp hội tư vấn thuế cho biết, gần 100% người nộp thuế là DN trong diện khảo sát của Hội đều đánh giá cao sự nỗ lực của Nhà nước và cụ thể là ngành thuế trong thực hiện cải cách cả về hệ thống chính sách thuế và quản lý hành chính thuế.
Kết quả của những chuyển động trong ngành thuế cho thấy, trong năm 2016, giờ nộp thuế của DN đã đạt mức bình quân ASEAN 6. Trong đó , tổng thời gian giảm 102 giờ (từ 872 giờ xuống 770 giờ gồm 273 giờ BHXH và 497 giờ nộp thuế). BHXH giảm 62 giờ và thuế giảm 40 giờ.
Chi phí về thuế chỉ chiếm 14,5% tổng số chi phí của doanh nghiệp
Phấn đấu 80% hài lòng
Bên cạnh những cải cách tạo bước đột phá cho ngành thuế thì vẫn còn tồn tại một số bất cập. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 49 doanh nghiệp tham gia khảo sát của VCCI cho biết từng gặp phiền hà trong thực hiện TTHC thuế.
Báo cáo của VCCI chỉ ra hai nhóm thủ tục mà DN đang gặp phiền hà lớn nhất là đăng ký thuế, thay đổi thông tin đăng ký thuế và khai thuế. Cụ thể, một trong những phiền hà lớn là việc cán bộ thuế yêu cầu cung cấp thêm nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết và thời gian giải quyết quá dài.
Bên cạnh đó, 52% DN bị thanh, kiểm tra thuế bởi nhiều cơ quan khác nhau, không chỉ là riêng cơ quan thuế và có tới 26% DN cho biết nội dung thanh, kiểm tra thuế còn trùng lặp.
Mục tiêu được Chính phủ đặt ra là đến cuối năm 2020, Việt Nam sẽ là một trong 4 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á được xếp hạng có mức độ thuận lợi về thời gian thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) thuế.
Đến năm 2020, tối thiểu có 90% DN sử dụng các dịch vụ thuế điện tử, 65% DN đăng ký thuế, khai thuế qua mạng internet; và 80% số người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp.
Cuối năm 2016, mục tiêu đặt ra là đạt được mức trung bình ASEAN 4 trên 3 nhóm chỉ tiêu: hoàn thuế; thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế.
Song, để đạt được mục tiêu, theo bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng, Phó trưởng Ban cải cách và Hiện đại hóa (Tổng cục Thuế), cần phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh.
Tổng cục Thuế cho biết, đã đưa ra hai nhóm giải pháp về chính sách thuế và hiện đại hoá công tác quản lý thuế.
Về thể chế chính sách, Tổng cục Thuế_ sẽ xây dựng quy định và cơ sở dữ liệu để áp dụng cơ chế quản lý rủi ro đối với tất cả các khâu trong quản lý thuế; xây dựng Nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế; xây dựng cơ sở pháp lý và hạ tầng kỹ thuật để thực hiện hóa đơn điện tử; nghiên cứu, xây dựng lộ trình bỏ hình thức thuế khoán chuyển sang thuế TNDN, thuế TNCN đối với doanh nghiệp và khoản thuế TNCN do doanh nghiệp trả cho người lao động và đối với hộ kinh doanh có quy mô lớn theo quy định của Luật quản lý thuế.
Nhóm giải pháp thứ hai là hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đó là thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin tối thiểu đạt 95% trong nộp tờ khai, nộp thuế; triển khai hình thức tiếp nhận và trả kết quả hoàn thuế điện tử, công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra; triển khai cấp mã số thuế tự động cho người nộp thuế; xây dựng CSDL để phân loại, đánh giá xếp loại NNT theo mức độ tuân thủ để thực hiện quản lý thuế trên cơ sở đánh giá rủi ro; triển khai dịch vụ một cửa điện tử của cơ quan thuế.
Thanh Hoa
Bà Nguyễn Minh Thảo - Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Tỉ lệ nộp thuế và BHXH trên lợi nhuận của DN vẫn còn ở mức khá cao, chiếm tới 39,4%, khiến thuế suất ở Việt Nam cao, đây là một trong những vấn đề khó khăn của DN Việt Nam. Ông Phạm Ngọc Thạch - Ban Pháp chế VCCI Một trong những phiền hà lớn là việc cán bộ thuế yêu cầu cung cấp thêm nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết và thời gian giải quyết quá dài. Ngoài ra, cách hiểu và áp dụng các quy định về thuế trong quá trình thanh tra, kiểm tra DN của cán bộ thuế có xu hướng suy diễn bất lợi cho DN. Ông Nguyễn Quang Tiến - Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế Ngành thuế sẽ đưa ra các giải pháp giảm chi phí tuân thủ thuế cho người nộp thuế; triển khai hình thức tiếp nhận và trả kết quả hoàn thuế điện tử. Đồng thời, công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra… |