Tại Hội thảo Khả năng áp dụng và tác động của Luật Thuế tài sản ở Việt Nam ngày 12/12, Ts. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, cho rằng Bộ Tài chính rất tham vọng khi đánh thuế tài sản nhưng ngay tên gọi còn tương đối mập mờ. Hầu hết các quốc gia gọi cụ thể hơn như: thuế tài sản cố định, thuế tài sản thực, hoặc thuế bất động sản (BĐS), thuế đất đai.
Thuế BĐS nên giao cho địa phương
Khẳng định thực tế ở Việt Nam đã tồn tại một số loại thuế có bản chất liên quan đến thuế tài sản như thuế đất đai, Ts. Nguyễn Đức Thành cho rằng việc thiết kế các luật thuế liên quan đến tài sản cần phải được xác định mục đích rõ ràng.
Về thuế BĐS, ông Thành cho biết: kinh nghiệm quốc tế cho thấy có đến 51 nước thực hiện thu thuế tài sản là BĐS. Tuy nhiên, trên thực tế, thuế BĐS có lợi cho quốc gia không nhiều, đóng góp trung bình vào GDP các nước OECD là 2,12%, các nước đang phát triển là 0,6%, các nền kinh tế chuyển đổi là 0,68%. Tính trung bình tất cả các quốc gia là 1,04% GDP.
Vì vậy, nhiều quốc gia quy định thuế BĐS là loại thuế địa phương và chính quyền địa phương có quyền hạn nhất định trong việc đặt ra thuế suất. Đây cũng là nguồn thu quan trọng ở địa phương, giúp cải thiện chi tiêu công tại địa phương.
Ví dụ tại Thái Lan, thuế BĐS chiếm 80% thu ngân sách địa phương, 36% tại Chilê, 40% tại Ba Lan.
Xét trên tổng chi ngân sách của địa phương, vai trò của thuế BĐS cũng rất khác biệt, chiếm 50% nguồn cho chi tiêu địa phương ở Úc, 1/4 tại Pháp và Tây Ban Nha, 15% ở Anh.
"Trong khi đó, hiện nay ở Việt Nam, đóng góp của thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chỉ khoảng 0,03 – 0,06% GDP mỗi năm. Đóng góp cho các địa phương còn khiêm tốn so với thuế BĐS tại các nước, chỉ 5 – 7% ngân sách địa phương, nhiều nơi thậm chí chỉ 2%", nhóm nghiên cứu VERP cho hay.
Theo ông Thành, để tính toán được giá trị tài sản BĐS nhằm đưa ra mức thu thuế hợp lý đối với người sở hữu BĐS đó cần có sự cung cấp số liệu của chính quyền địa phương. Vì vậy, việc phân bổ nguồn thu thuế BĐS cho các địa phương là hợp lý.
![]() |
Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về Dự thảo Luật Thuế tài sản |
Khó thực hiện
"Nếu ngân sách địa phương không minh bạch và nguồn thu từ thuế BĐS không được dùng để cải thiện cơ sở hạ tầng và an ninh địa phương sẽ gây bất bình trong công luận", Viện trưởng VERP nói.
Ngoài chức năng là nguồn thu ngân sách địa phương, các chuyên gia cho rằng đánh thuế BĐS còn có thể tác động tới hành vi kinh tế của các đối tượng khác nhau như: phân bổ lại dân cư, giảm đầu cơ trên thị trường BĐS.
Liên quan đến quy định trong Dự thảo Luật Thuế tài sản đánh thuế tài sản với tàu, thuyền, ô tô, Ts. Vũ Sỹ Cường cho rằng: "Nếu đánh thuế tài sản với tàu, thuyền, ô tô là phi lý, vì những tài sản này mất giá theo thời gian" và kiến nghị chỉ đánh thuế BĐS để đúng với triết lý đánh thuế.
Nhận định về tính khả thi việc đánh thuế này tại Việt Nam, ông Cường cho rằng rất khó: "Nhiều nước trên thế giới thực hiện được bởi có sự đồng thuận cao của xã hội nhờ sự minh bạch và tính giải trình trong cả thu và chi rất cao. Ở Việt Nam còn thiếu sự minh bạch như vậy. Không những thế, Việt Nam chưa có Luật Thuế tài sản nhưng đã có nhiều luật thuế liên quan như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế đất phi nông nghiệp, thuế đăng ký trước bạ…".
Đồng quan điểm, ông Thành cho rằng: "Việc áp dụng luật thuế đại trà như trong dự thảo là đi ngược lại với thông lệ quốc tế, khó thực hiện".
Theo các chuyên gia, để xây dựng một sắc thuế mới phải tuân thủ theo nhiều nguyên tắc như tính dễ thực thi, phù hợp và tránh bị trùng với những sắc thuế na ná như thuế tài sản.
Mặt khác, cơ quan xây dựng luật thuế phải nâng cao tính minh bạch, giải trình các khoản chi ngân sách chứ không phải hụt thu là tăng cường chi… Chỉ như vậy mới mang lại hiệu quả và sự đồng thuận của xã hội.
Ông Thành nhận định, thuế tài sản nếu được ban hành như dự thảo hiện nay sẽ làm giảm thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình, nhưng không ảnh hưởng tới đói nghèo và chủ yếu làm giảm thu nhập của người giàu. Do đó, chỉ số bất bình đẳng được cải thiện nhưng chủ yếu do người giàu bị nghèo đi chứ không phải do người nghèo được cải thiện.
Vì vậy, ông Thành cho rằng đây không phải là một sắc thuế bền vững, nếu chi tiêu công không thúc đẩy phúc lợi và năng suất toàn xã hội.
Thanh Hoa