Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang,Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI, doanh nghiệp Việt Nam ở thời điểm này đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng hơn cho TPP và EVFTA. Cụ thể, tỉ lệ DN đã biết về TPP-EVFTA đang tăng lên nhanh chóng, chiếm 80%, chỉ sau mức độ hiểu biết của DN về WTO và AEC.
Doanh nghiệp chưa sẵn sàng
Đa số DN đánh giá cao tác động của các FTAs và lạc quan hơn về tương lai của DN mình nhưng bên cạnh đó, các DN cũng rất có ý thức để nhìn nhận những cơ hội- thách thức một cách tỉnh táo khi có đến 70% DN cho rằng các mức độ cạnh tranh trong hội nhập sẽ khó khăn hơn.
88% DN có kế hoạch cải thiện năng lực sản xuất trong vòng ba năm tới để đón đầu nhưng cơ hội xuất khẩu như đào tạo nâng cao kĩ năng quản lý cho DN, đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân, tiếp cận các thị trường mới…
Tuy vậy, sự sẵn sàng của các DN dù chuyển biến tích cực, vẫn là chưa đủ. “Doanh nghiệp Việt Nam đang chú ý điều chỉnh cho phù hợp để tận dụng cơ hội hơn là thay đổi mạnh mẽ để nắm bắt cơ hội”, bà Trang nhận định.
Các chuyên gia cho biết có rất nhiều yếu tố tác động đến sự sẵn sàng và khả năng tận dụng cơ hội từ TPP-EVFTA của DN. Ví dụ, các cam kết trong Hiệp định không dễ dàng để đọc, hiểu và chuẩn bị khi quá phức tạp về nội dung, cách thể hiện (nhiều thuật ngữ mới kể cả trong bản dịch), trong khi đó, những hướng dẫn DN từ phía Nhà nước, hiệp hội còn yếu và thiếu.
Hai yếu tố cản trở nhất là thông tin cam kết và thực thi từ phía cơ quan nhà nước: Bất cập trong tổ chức thực thi của cơ quan nhà nước (81,48%); cam kết bất lợi (61,54%), quy tắc xuất xứ quá khó (73,13%), năng lực cạnh tranh thấp so với đối thủ (78,26%). Những yếu tố cản trở năng lực sản xuất của các doanh nghiệp là: chính sách thuế, tình trạng nhũng nhiễu, thủ tục hải quan, cơ sở hạ tầng, chính sách lương.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: “Mới đây, chính phủ đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong đó đặt mục tiêu lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, đề ra các yêu cầu về cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Các chủ trương, nội dung của Nghị quyết đã sớm được cụ thể hóa, lồng ghép trong quá trình đám phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam, qua đó nhấn mạnh hơn nữa cam kết của Chính phủ Việt Nam với công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế cũng như cam kết về việc đổi mới, hoàn thiện chính sách, thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển”.
5 nhóm vấn đề được coi là trở ngại lớn nhất đối với Việt Nam gồm: Tiếp cận tài chính, Chính sách không ổn định, Lao động qua đào tạo không ổn định, Kỷ luật lao động kém, Tham nhũng
Lực cản từ khu vực Nhà nước
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương cho rằng Việt Nam dễ rơi vào tình huống thay đổi luật nhưng vẫn không tốt hơn cho DN, tốt ngoài mà lại khó trong và suy cho cùng, DN vẫn chẳng được hưởng lợi gì việc này.
Ông Cung trăn trở rằng các hiệp định tự do thương mại chỉ quan trọng khi chúng ta cải cách được môi trường kinh doanh. Trái ngược với nhiều ý kiến cho rằng cần cải cách trước khu vực tư nhân thì Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương lại khẳng định rằng khu vực Nhà nước mới cần “đại tu” toàn bộ.
“Vẫn còn khoảng cách rất xa giữa nói và làm, khoảng cách xa giữa những quyết tâm của Thủ tướng và mức độ thực hiện từ các bộ, ban ngành. Những cái chúng ta làm hiện nay mới là hợp pháp hóa chứ không phải là làm để thị trường tốt lên”, ông Cung nói.
Đồng quan điểm với ông Cung, bà Phạm Thị Hồng Yến, Phó Vụ trưởng Ban Kinh tế Trung Ương, cho biết: “Thực trạng cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam qua các năm còn nhiều hạn chế. Vấn đề này cũng được nhìn nhận qua báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 19 qua các năm 2014, 2015 của Chính phủ. Báo cáo chỉ rõ thực tế tại nhiều Bộ, cơ quan và địa phương chưa tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh. Bản thân người đứng đầu một số bộ, ngành và địa phương còn coi Nghị quyết 19 như là phong trào, chưa quan tâm, chỉ đạo và đôn đốc kiểm tra giám sát, thủ tục hành chính còn phức tạp, phiền hà…”.
Trên thực tế, nhiều số liệu thống kê cũng đứng về phía các ý kiến chuyên gia, cho rằng lực cản lớn nhất hiện nay là đến từ khu vực Nhà nước chứ không phải tư nhân.
Cụ thể: Các lĩnh vực Việt Nam có thứ hạng thấp ở nửa cuối, trung bình và dưới trung bình gồm: Thể chế (85/140), Phát triển thị trường tài chính (84/140), Cơ sở hạ tầng (76/140), Trình độ kinh doanh (100/140), Sẵn sàng công nghệ (92/140), Đổi mới sáng tạo (73/140).
5 nhóm vấn đề được coi là trở ngại lớn nhất đối với Việt Nam gồm: Tiếp cận tài chính, Chính sách không ổn định, Lao động qua đào tạo không ổn định, Kỷ luật lao động kém, Tham nhũng.
Năm 2016, Môi trường kinh doanh của Việt nam đứng thứ 90/189 nền kinh tế, chỉ đạt mức điểm trên trung bình (62,1/100). Mức độ thuận lợi đối với kinh doanh của Việt Nam qua các năm cải thiện không nhiều. Năng lực cạnh tranh toàn cầu trong tương quan của 140 nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của Việt Nam có thay đổi và được cải thiện dần nhưng vẫn còn ở mức hạn chế.
Ngoài ra, còn có hạn chế về pháp luật và thực thi pháp luật trong kinh doanh, thực thi pháp luật về kinh doanh còn thiếu tính ổn định, minh bạch, không dễ dự báo cả trong nội dung và cách thức thực thi, tạo ra gánh nặng trong thực thi đối với các chủ thể kinh tế.
Đơn cử, 16 năm qua các bộ, địa phương vẫn ngang nhiên “vượt rào”, tạo ra hàng nghìn những điều kiện kinh doanh dưới dạng thông tư, giấy phép con khiến thị trường ngày càng méo mó, DN chết dở sống dở.
Phương Nguyên
Ông Vương Đình Huệ - Phó Thủ tướng Chính phủ Tại phiên họp đầu tiên vào tháng 5/2016, Chính phủ đã thảo luận và quyết định sớm trình Hiệp định TPP ra Quốc hội để phê chuẩn. Song song với quá trình phê chuẩn, Chính phủ Việt Nam sẽ xây dựng và ban hành Chương trình Hành động để thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đặc biệt và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP và EVFTA. Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Cải thiện môi trường kinh doanh là khâu mấu chốt để tận dụng được cơ hội các hiệp định mang lại. Đối tượng phải chú ý nhiều nhất là khu vực nhà nước, công chức nhà nước. Cần phân định rõ vai trò của Nhà nước và vai trò của thị trường trong nền kinh tế theo hướng tôn trọng các quy luật của thị trường và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, loại bỏ dần biện pháp mệnh lệnh- hành chính. Bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Các hiệp định luôn đi kèm một số thách thức đáng kể, và nếu không thực hiện cam kết một cách thận trọng thì các lợi ích sẽ bị bỏ lỡ. Vấn đề cốt lõi trong khai thác hiệp định thương mại là khâu thực hiện. Trong bối cảnh một nền kinh tế quá độ như Việt Nam, giữa cam kết quốc tế và luật pháp trong nước vẫn còn tồn tại những khoảng cách lớn và đây chính là một thách thức đặc biệt. |