Sau khi Luật Điện lực có hiệu lực, thị trường điện ở Việt Nam chủ yếu vẫn là độc quyền, giá điện chưa được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, nguồn điện thường xuyên thiếu hụt so với nhu cầu nên tác động của Luật Điện lực còn rất hạn chế.
Đang bộc lộ những hạn chế
Kể từ khi Luật Điện lực được Quốc hội khóa XI, Kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 3/12/2004 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2005 đến nay cơ bản đảm bảo được sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với hoạt động điện lực, khuyến khích được các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia phát triển ngành điện. Tuy nhiên, Luật Điện lực cũng đang bộc lộ những hạn chế nhất định và đặt ra những thách thức cho ngành điện trong thời gian tới nhất là khi triển khai thực hiện thị trường điện cạnh tranh.
Luật Điện lực vẫn thiếu cơ chế giám sát, triển khai rộng nhưng chưa có chế tài, biện pháp xử lý nên hiệu quả chưa cao. Về giá điện, cơ chế điều chỉnh còn nhiều bất cập, vướng mắc, chưa đáp ứng mục tiêu từng bước hình thành thị trường điện cạnh tranh trong nước, nhằm chuyển ngành điện sang thực hiện theo cơ chế thị trường.
Vấn đề cơ cấu ngành điện, thị trường điện còn quy định quá chung chung, do đó khi triển khai trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Luật Điện lực năm 2004 chưa phân định rõ ràng chức năng quản lý Nhà nước với chức năng điều tiết điện lực, chưa bảo đảm được tính độc lập cũng như quyền hạn cần phải có của cơ quan điều tiết điện lực trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.
Những hạn chế, bất cập trong quá trình thực thi Luật Điện lực năm 2004 đã đặt ra yêu cầu cấp bách, trong thời gian tới, chúng ta cần phải xem xét, sửa đổi, bổ sung để luật này phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn hoạt động của ngành điện lực nói riêng, mối quan hệ kinh tế - xã hội nói chung.
Giá điện làm doanh nghiệp lao đao
Theo tôi, nên điều chỉnh giá điện 6 tháng một lần, và cũng tăng đến một mức nào đấy thôi. Việc tiết giảm, điều phối điện năng cho doanh nghiệp cũng cần xem xét. Năm 2010, nhiều doanh nghiệp phải xin từng MW để chạy máy thì không được, nhưng đến năm nay không biết làm sao trên địa bàn tỉnh Lào Cai lại thừa điện, và yêu cầu chúng tôi phải chạy cả trong giờ cao điểm, điều này nghe rất phi lý. Trong hợp đồng đã quy định, nếu chạy vào giờ cao điểm thì sẽ bị phạt, nhưng năm nay thì ngược lại, bắt phải chạy vào giờ cao điểm với lý do chia sẻ với ngành điện, nhưng khi thiếu điện thì chúng tôi có được chia sẻ đâu.
Chúng ta đang dần dần phát điện theo hướng thị trường cạnh tranh, ngành điện nên cân nhắc bán với giá 1.900 đồng/kWh hay 1.200/ kWh đồng tại thời điểm điện không quá căng thẳng vào giờ cao điểm, chứ không nên cứng nhắc giờ nào cao điểm cũng phải là 1.900 đồng/kWh. Doanh nghiệp chúng tôi tiêu thụ một lượng điện rất lớn, một ngày có thể phải nộp đến 1 tỷ đồng, giờ cao điểm thừa điện mà vẫn phải mua với giá cao như vậy thì sản phẩm xuất khẩu sẽ không còn lãi.
Theo tôi, doanh nghiệp và ngành điện nên ngồi lại với nhau có thể giảm xuống còn 1.200 đồng/kWh hoặc thấp hơn nữa, bên ngành điện vẫn có lợi, nhà sản xuất cũng cũng đỡ thua thiệt.
Chưa thể hiện cơ chế thị trường
Thời gian qua, chúng ta mới thực hiện thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh trong nội bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong điều kiện thiếu điện, nên việc chào giá, định giá mới chỉ mang tính chất tập dượt. Bên cạnh đó, chính sách giá điện chưa thể hiện được cơ chế thị trường, vẫn thể hiện sự bù chéo giữa các nhóm đối tượng khách hàng sử dụng điện và giữa các vùng; chưa đảm bảo cho đơn vị điện lực thu hồi vốn đầu tư, các chi phí sản xuất kinh doanh và có lợi nhuận hợp lý để phát triển bền vững; nhất là chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế trong nước, nước ngoài đầu tư phát triển nguồn điện; chưa thúc đẩy cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan sử dụng điện tiết kiệm...
Luật quy định thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động phát điện, bán buôn, bán lẻ điện… nhưng thực chất lại có những chính sách ngược lại với Luật Điện lực. Chẳng hạn như phụ tải toàn bộ khu vực thành phố, thị xã phải bàn giao cho ngành điện quản lý và bán lẻ.
Luật Điện lực quy định nghĩa vụ của đơn vị phân phối điện thực hiện đầu tư phát triển lưới điện phân phối đáp ứng nhu cầu điện theo quy hoạch phát triển điện lực, đầu tư công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua điện, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên mua điện.
Quy định "thoả thuận" trên tạo điều kiện giảm khó khăn về vốn cho đơn vị phân phối bán điện, nhưng lại là kẽ hở để bên có trách nhiệm đầu tư từ chối đầu tư và gián tiếp ép buộc bên mua điện phải đầu tư lưới điện và các trang thiết bị khác khi có nhu cầu dùng điện. Luật cũng không quy định rõ trách nhiệm quản lý, vận hành, thời hạn hoàn trả vốn công trình, sau đầu tư của các bên khi bên mua điện đã đầu tư lưới điện, công tơ và các trang thiết bị khác.
Các quy định quản lý Nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện, nhất là công tác kiểm tra, giám sát còn rất mờ nhạt, khó thực hiện. Các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn thực hiện quản lý Nhà nước về hợp đồng điện lực và sử dụng điện khác được ban hành, song hầu như không phát huy hiệu quả, đã xảy ra nhiều bất cập trong hợp đồng điện lực và sử dụng điện tại nhiều địa phương.
Bán lẻ điện nông thôn đang bị "bức tử"
Sau thời gian thực hiện giá điện theo thông tư 05/2011/ TT – BCT, đã có nhiều ý kiến phản đối từ các đơn vị bán lẻ điện ở nông thôn. Cụ thể, không nên quy định bậc thang đầu tiên từ 0 đến 50 kWh chỉ áp dụng đối với hộ nghèo và hộ thu nhập thấp, thường xuyên sử dụng không quá 50 kWh/tháng, mà nên quy định rõ áp dụng đối với tất cả các hộ thường xuyên sử dụng không quá 50kWh/tháng; quy định giá, bậc thang giữa bán buôn và bán lẻ của các mục đích khác có sự chênh lệch không hợp lý. Ví dụ, ở bậc thang đầu tiên 50kWh/ tháng chỉ là 186 đồng/kWh đối với các hộ nghèo; bậc thang thứ 2 từ 0 đến 100kWh/ tháng là 261 đồng/kWh; bậc thang thứ 3 từ 101 đến 150 kWh/tháng là 316 đồng/kWh. Cứ như vậy, mức chênh lệch giá sẽ cao hơn ở bậc thang tiếp theo, trong khi đó ở nông thôn, mức sử dụng điện chủ yếu ở 2 bậc đầu tiên, tỷ lệ rất thấp ở bậc thang tiếp theo.
Quy định giá bán buôn cho tất cả các mục đích khác ở nông thôn là 1.012 đồng /kWh, trong khi đó lại quy định giá bán lẻ rất bất lợi cho các tổ chức bán lẻ điện nông thôn. Chẳng hạn, giá bán buôn 1.012 đồng/kWh, giá bán lẻ cho sản xuất là 1.193 đồng/kWh(chênh lệch 127đồng/kWh); bán lẻ cho mục đích kinh doanh là 1.852 đồng/ kWh (chênh lệch 850 đồng/kWh); bán lẻ cho bơm nước tưới tiêu là 1.023 đồng/kWh (chênh lệch 11 đồng/kWh).
Mức chênh lệch giữa bán buôn và bán lẻ của mục đích kinh doanh cao hơn mục đích sản xuất rất nhiều, trong khi thực tế các hộ kinh doanh ở nông thôn rất ít, chủ yếu là một số ngành nghề sản xuất nhỏ. Với giá bán như trên, chỉ có lợi cho ngành điện bán điện trực tiếp tại các khu vực thành phố, thị xã. Do đó, tôi có thể khẳng định, các đơn vị bán lẻ điện nông thôn đang bị chính sách "bức tử".
Sửa phù hợp với cơ chế thị trường
Việc hình thành và phát triển thị trường điện lực cạnh tranh, trong chương IV của Luật Điện lực cần phải sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định các điều kiện, tiêu chí, nguyên tắc tổ chức có liên quan đến ranh giới, phạm vi quản lý khai thác tài sản, đầu tư, hạch toán kinh tế, quản lý vận hành và cơ chế hoạt động đối với từng khâu phát điện, truyền tải điện, mua - bán buôn điện, phân phối - bán lẻ điện phù hợp với các cấp độ thị trường điện lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, áp dụng giá điện khác nhau đối với các địa bàn, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; quy định rõ cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, bù đắp chênh lệch giá điện cho các nhà máy điện sử dụng năng lượng mới, tái tạo.
Tại Điều 30, Điều 31 nên sửa đổi, bổ sung: "Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương, cơ chế, điều kiện, nguyên tắc định giá điện, khung giá bán lẻ điện trong từng thời kỳ phù hợp với từng cấp độ phát triển thị trường điện lực cạnh tranh; đồng thời giao cho Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định Biểu giá bán lẻ điện chi tiết, khung giá phát điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, các loại phí như điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường và điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...".
Vấn đề điều tiết hoạt động điện lực theo tôi cần được sửa đổi, bổ sung: Cơ quan điều tiết điện lực có nguồn thu, độc lập về tài chính và cơ chế hoạt động, được quyền quyết định một số vấn đề trong điều tiết hoạt động điện lực. Bên cạnh đó, bổ sung chức năng giám sát vận hành thị trường điện và bắt buộc tuân thủ cho cơ quan điều tiết điện lực. Cơ quan điều tiết điện lực có trách nhiệm ban hành hoặc phê duyệt các loại giá, phí trong hoạt động điện lực.
Nguyễn Việt
KINH DOANH số 95, ra ngày 27/06/2011