Phân tích về những bước chuyển trong ngành thực phẩm của Việt Nam hiện nay, bà Châu Ngọc Hạnh, Quản lý cao cấp công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, cho rằng điều mà các doanh nghiệp (DN) thực phẩm Việt cần làm là tạo giá trị sản phẩm ngày càng cao, thấu hiểu người tiêu dùng (NTD) trong nước và vươn đến những thị trường nước ngoài.
Học hỏi người Thái
"Thực sự là ngành thực phẩm Việt có cần đổi mới hay vẫn duy trì những cái mà mình đang làm như hiện tại mà vẫn đảm bảo được tương lai có được kết quả như mong đợi?", bà Hạnh đặt vấn đề.
Theo vị chuyên gia này, các DN thực phẩm nội đều muốn tung ra sản phẩm mới nhưng không phải sản phẩm nào cũng tồn tại trong vòng 18 tháng liên tục. Vậy, đâu là kim chỉ nam để DN xác định sản phẩm của mình sẽ được thị trường chào đón, được NTD chấp nhận?
Trong câu chuyện này nên tham khảo bài học từ các DN thực phẩm Thái Lan trong việc chuyển đổi từ sản phẩm đại trà (mass product) sang sản phẩm sáng tạo (innovative product) thông qua công nghệ và nắm bắt xu hướng.
Qua quan sát khi tham dự Hội chợ thực phẩm quốc tế Thaifex 2018 ở Thái Lan gần đây, chuyên gia thị trường Nguyễn Duy Long cho biết điều khiến ông rất ngạc nhiên là cách thức DN trưng bày tại đây theo đúng như nghiên cứu của các công ty nghiên cứu thị trường. Tức là công ty nghiên cứu thị trường nói gì thì tại hội chợ cũng diễn ra "y chang".
Theo ông Long, xu hướng ở hội chợ này phần nào phản ánh tình hình kinh doanh thực phẩm ở châu Á. Những xu hướng nổi bật mà các DN thực phẩm Việt cần học hỏi là niềm tin vào các giá trị truyền thống, khuynh hướng thích các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật, những sản phẩm đáp ứng được yếu tố về thời gian và quan tâm đến sức khỏe.
Riêng sản phẩm gạo là mặt hàng thực phẩm mà Thái Lan rất mạnh so với Việt Nam. Theo đó, điều ấn tượng là DN Thái đã sản xuất loại gạo ăn liền (bỏ vào lò vi sóng rồi quay nóng ra cơm) chính là họ đáp ứng yếu tố về thời gian.
Hoặc như việc DN Thái dùng công nghệ để đưa vitamin từ tự nhiên vào trong hạt gạo tự nhiên để đáp ứng nhu cầu về sức khỏe. Có thể nói là các DN Thái trong ngành gạo tập trung vào yếu tố sức khỏe và họ quảng bá nhiều sản phẩm gạo có liên quan xu hướng này.
Trở lại vấn đề của các DN thực phẩm Việt, theo nhận định của công ty Nielsen Việt Nam, các nhà sản xuất trong nước cũng đang thể hiện sự nỗ lực trong việc xây dựng hình ảnh sản phẩm tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, sự tin tưởng của NTD là vấn đề thiết yếu cần được giải quyết.
Các DN Việt cần nắm bắt xu hướng mới của người tiêu dùng |
Tạo dựng giá trị riêng
Ngoài sức khỏe còn có thêm hai xu hướng mới mà DN cần lưu tâm là về giá trị cao cấp (làm sao DN có thể định vị được là mình cao cấp hơn DN khác và có thể đưa ra mức giá cao hơn) và giá trị của sự tiện lợi (là xu hướng của hiện tại và của tương lai tiếp diễn trong nhiều năm tới).
Nhưng câu hỏi đặt ra với các DN nội là làm thế nào để có niềm tin của NTD? Bà Châu Ngọc Hạnh cho rằng để thuyết phục được khách hàng, điều quan trọng mà DN cần lưu ý là sản xuất phải sạch sẽ, gọn gàng, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Một thách thức khác được đặt ra với các DN thực phẩm Việt hiện nay là NTD rất cởi mở với sản phẩm mới.
Khi nhắc đến những sản phẩm mang tính đột phá, nhiều DN nghĩ rằng sản phẩm của mình cần phải lạ, phải khác với những sản phẩm đang có trên thị trường. Tuy nhiên, giới chuyên gia lưu ý điều đó chỉ đảm bảo được 30% là DN sẽ thành công, 60% còn lại là đầy thử thách.
Thứ nhất là phụ thuộc vào việc sản phẩm tuy có lạ nhưng liệu có duy trì được những giá trị cốt lõi, những cơ bản nền tảng đã có trong ngành hàng đó rồi, và sự phù hợp đối với NTD.
Thứ hai là khi một sản phẩm mới tung ra trên thị trường thì kênh phân phối để đẩy hàng ra thị trường là cực kỳ quan trọng, trong khi DN nội vẫn còn nhiều hạn chế về mặt này.
"Về mặt hệ thống quản lý cung ứng, các DN nội cần làm sao để không bị thiếu hàng, làm sao trên quầy kệ lúc nào cũng đủ hàng và trưng bày bắt mắt. Chắc chắn là các DN thực phẩm Việt còn nhiều việc để cải thiện thêm trong chuyện này. Và thực sự vấn đề này chiếm 1/3 quyết định việc đưa sản phẩm mới ra thị trường có thể thành công và tồn tại thị trường thực phẩm trên 18 tháng hay không", một chuyên gia thị trường của Nielsen Việt Nam nhấn mạnh.
Tốc độ tăng trưởng của ngành hàng thực phẩm Việt Nam được dự báo duy trì mức tăng trưởng kép trên 10% từ nay đến năm 2019 nhờ thu nhập cải thiện và xu hướng tiêu dùng đối với các sản phẩm có giá trị ngày càng cao hơn.
Công nghiệp chế biến thực phẩm là một trong những nhóm ngành công nghiệp được Chính phủ ưu tiên phát triển từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2035 với định hướng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất chế biến và xây dựng thương hiệu, sức cạnh tranh cho các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam.
Thế Vinh