Ts Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương thẳng thắn: “Đã ba lần Chính phủ ban hành Nghị quyết 19, hai năm vừa rồi, tuy Việt Nam thu được rất nhiều kinh nghiệm nhưng nhìn chung các bộ cho đến tận thời điểm năm ngoái vẫn còn chưa tích cực. Nhiều bộ rất trì trệ trong việc phối hợp, chưa thực hiện được đúng những yêu cầu, tinh thần, cam kết của Thủ tướng: Cần phải truy đến cùng vấn đề, theo đến cùng trách nhiệm”.
Khó từ ... kiểm tra chuyên ngành
Có thể nói, kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đang là vấn đề bức xúc nhất của DN hiện nay khi nhiều DN đóng góp ý kiến tại hội thảo nhắc đi nhắc lại về những nhiêu khê, khó khăn trong việc thực hiện KTCN của các Bộ hiện tại.
Một đại diện của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Kể từ khi DN khai báo, KTCN đến khi có kết quả kiểm tra chuyên ngành, xuất trình cho cơ quan hải quan để ra quyết định thông quan là một khoảng thời gian rất dài. Điều này làm mất thời gian và chi phí cho DN. Hàng càng lâu được thông quan thì DN sẽ càng mất phí lưu kho, nguyên phụ liệu về chậm thì DN không có hàng để đưa vào sản xuất”.
Bà Phạm Kiều Oanh, Tổng công ty may Nhà bè, cho biết: “Lô hàng nào về cũng phải chờ kết quả kiểm định mới được thông quan và phải nộp chi phí quá cao cho việc kiểm nghiệm. Thậm chí ngay cả những lô hàng mẫu cũng phải kiểm nghiệm, trong khi các nhà cung cấp vải cho đơn vị xoay quanh cũng vẫn là những nhà cung cấp thường xuyên, năm nay qua năm năm khác, đơn hàng này qua đơn hàng khác”…
Một đại diện khác của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam bức xúc: “Tỷ lệ lấy mẫu cho quy định về hoạt động “thẩm tra” (verify) của Nhà nước nhiều và với tần suất cao cứ như là “giám sát” (monitor). Quy định về lô hàng sản xuất với nhiều tiêu chí ràng buộc, bao gồm cả quy định chỉ sản xuất trong 24 giờ khiến quy mô số lô hàng tính toán cho “tỷ lệ lấy mẫu” ở thủ tục “thẩm tra” lớn hơn nhiều so với trước đây”.
Trước các bức xúc của các DN về việc KTCN hiện nay, Ts Nguyễn Đình Cung hài hước cho rằng có vẻ các bộ đang bị “nghiện” kiểm tra chuyên ngành và cần phải được “cai nghiện khẩn cấp”.
![]() |
Có quá nhiều thủ tục gây tốn kém tiền bạc, lãng phí thời gian của DN
Đến chính sách đất đai, tăng lương…
Theo quy định của Luật đất đai 2013, nhà đầu tư nước ngoài không được thỏa thuận nhận quyền chuyển, thuê đất hộ gia đình, cá nhân, chỉ được thuê đất, thuê lại đất do Nhà nước thu hồi để thành lập các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất…Đây là khó khăn của doanh nghiệp FDI khi thực hiện các dự án đầu tư.
Việc tích tụ đất đai còn chậm, chưa nâng cao được hiệu quả sản xuất, năng xuất lao động trong khu vực nông nghiệp. Luật đất đai đã quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích việc thuê quyển sử dụng đất để thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh nhưng hiện nay chưa có quy định.
Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, cho biết: “Giá đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được nhà đầu tư hạ tầng đẩy lên quá cao; nhiều nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp không muốn chia nhỏ các lô đất để cho thuê do tăng chi phí đầu tư hạ tầng, chi phí quản lý. Thực trạng này dẫn đến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận đất đai trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp”.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác đang khiến nhiều DN “đau đầu” là chính sách tiền lương tối thiểu. Theo các doanh nghiệp, chính sách tăng lương tối thiểu thường xuyên đối với các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày… đang gây ra rất nhiều khó khăn.
Chỉ tính từ giai đoạn 2008-2016, mức lương tối thiếu vùng đối với DN trong nước đã tăng bình quân 26,4%/năm và đối với các DN FDI là 18,1%/năm, trong khi chỉ số giá tiêu dùng trong giai đoạn này tăng bình quân 10,7%, năng suất lao động tăng 3,9%.
Theo một đại diện doanh nghiệp dệt may, mỗi lần tăng lương tối thiểu là chi phí nhân công tăng theo do phải bù thu nhập cho những lao động mới tuyển, phải tăng các khoản trích nộp bảo hiểm, kinh phí công đoàn…
Từ 1/1/2016, các khoản trích nộp phải đóng thêm trên các khoản phụ cấp và từ 1/1/2018 sẽ đóng trên cả các khoản bổ sung khác trong khi tỷ lệ đóng bảo hiểm, kinh phí của DN dệt may đã cao hơn tất cả các đối thủ cạnh tranh ở Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar, Campuchia, Malaysia…
“Tăng lương tối thiểu liên tục và ở mức cao không những làm tăng chi phí nhân công, giảm khả năng cạnh tranh và khả năng đầu tư chiều sâu tăng NSLĐ để nâng cao thu nhập bền vững cho NLĐ, mà còn ảnh hưởng đến việc điều tiết thị trường lao động, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp- nông nghiệp- dịch vụ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa do các DN không đủ nguồn lực để đầu tư mở rộng về các vùng nông thôn, thu hút lao động”, vị này cho biết.
Phương Nguyên