Theo quy định của Bộ Y tế, đến ngày 1/1/2011, tất cả các nhà thuốc phải đạt chuẩn GPP (Good Pharmacy Practices - thực hành tốt nhà thuốc). Thế nhưng, đối với hàng chục nghìn hiệu thuốc nhỏ lẻ, việc đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để đáp ứng chuẩn GPP là không hề đơn giản.
Mặc dù đã có những ưu đãi cụ thể dành cho các nhà thuốc, chuỗi nhà thuốc mới thành lập theo chuẩn GPP hoặc những hiệu thuốc chuyển đổi theo chuẩn này, song gánh nặng kinh tế đầu tư khiến nhiều người hoài nghi về mục tiêu của Bộ Y tế có thể đạt được trước khi kết thúc năm 2010.
Một thị trường hấp dẫn
Với mức tăng trưởng 12 - 15%/năm, quy mô thị trường sẽ đạt 1,4 tỷ USD vào năm 2012, thị trường dược phẩm Việt Nam thực sự là một mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng như hệ thống phân phối, bán lẻ.
Theo số liệu thống kê, số lượng nhà thuốc và điểm bán thuốc lẻ tại Tp. HCM năm 2007 là 6.500, năm 2008 là 7.000, năm 2009 là 7.250. Chiếm tỷ trọng lớn nhất - trên 90%, là loại hình nhà thuốc truyền thống tại các khu dân cư. Loại hình nhà thuốc dân cư đóng vai trò quan trọng không nhỏ đối với nhu cầu mua và sử dụng thuốc của người dân.
Thói quen mua, sử dụng các thuốc của người dân tại các nhà thuốc truyền thống cũng "có lý" vì quen, tiện, nhanh và gần gũi. Tuy nhiên, không phải thói quen này tất cả đều đúng với sản phẩm đặc thù thuốc có toa của bác sỹ. Đây là nguyên nhân tạo ra rất nhiều chuyện tréo ngoe xảy ra tại các nhà thuốc, thậm chí có trường hợp nguy hại với sức khỏe người dân.
Theo ghi nhận, trên toàn địa bàn Tp. HCM hiện chỉ có hơn 300 nhà thuốc đạt chuẩn GPP. Những hệ thống nhà thuốc GPP điển hình là V-phano, Mỹ Châu, Sapharco, Vimedimex, Eco, IC Pharma, các nhà thuốc bệnh viện, chưa kể một số nhà thuốc khác cũng đang trong quá trình gia nhập chương trình GPP. Hầu hết các nhà thuốc thực hành GPP đều kinh doanh các sản phẩm thuốc không kê đơn, thuốc kê đơn, thực phẩm chức năng, hàng hóa khác và cung cấp các dịch vụ khác liên quan đến nhà thuốc...
![]() |
Đã có điển hình GPP
Điển hình đi đầu trong việc xây dựng hệ thống nhà thuốc GPP là Công ty cổ phần Dược phẩm Phano. Hệ thống nhà thuốc V-phano Pharmacy đã được cấp giấy phép là hệ thống nhà thuốc đầu tiên đạt chuẩn thực hành tốt nhà thuốc - GPP số 0001/GPP - Sở Y tế Tp. HCM vào ngày 5/10/2007. Hiện tại, hệ thống này có 8 nhà thuốc GPP. Được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ đảm bảo việc thực hành tốt và giữ vững chất lượng nhà thuốc GPP, nhà thuốc V-phano kinh doanh các sản phẩm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, dụng cụ y tế, thực phẩm chức năng... Mỗi nhà thuốc của hệ thống đều có dược sỹ tư vấn thích hợp và theo dõi việc sử dụng thuốc của khách hàng. Mỗi nhân viên dược sỹ luôn được khuyến khích học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn dược sỹ, kiến thức dược phẩm, và quan trọng hơn là thông hiểu tâm tư nguyện vọng của khách hàng bệnh nhân để có thể phục vụ toa thuốc đúng, đảm bảo tính chân thật, trung thực, hiệu quả.
Qua gần 2 năm rưỡi thực hành chuẩn GPP, không phải nhà thuốc nào của Phano cũng đạt hiệu quả về tài chính. Dược sỹ Trương Minh Hải, trưởng phòng vận hành nhà thuốc GPP V-phano, chia sẻ: V-phano đầu tư các chuẩn GPP nhằm tạo sự tin tưởng cho người dân đối với chất lượng các loại thuốc.
Những thách thức phía trước
Trong thực tế, việc thực hiện GPP trong giai đoạn trước ngày 1/1/2011 là thách thức không chỉ với các nhà thuốc mà còn với các cơ quan quản lý. Trước hết là nhận thức và thói quen mua, sử dụng thuốc của người tiêu dùng đối với việc mua thuốc không có đơn và có kê đơn bác sỹ tại các nhà thuốc. Do vậy, các cơ quan y tế, bác sỹ, dược sỹ, các chuyên gia y tế cần nỗ lực giáo dục, hướng dẫn đúng hơn nữa để người dân nhận thức được lợi ích từ việc mua thuốc tại các nhà thuốc GPP.
Do hệ thống nhà thuốc dân cư rộng khắp hiện nay và mức độ cạnh tranh giữa các loại hình nhà thuốc dân cư, nhà thuốc tại bệnh viện, nhà thuốc GPP cũng rất cao (về giá cả, chủng loại thuốc, dịch vụ...). Hơn nữa, do đặc thù chi phí đầu tư, tính chuẩn mực thực hành nhà thuốc tốt, địa điểm nhà thuốc, dịch vụ nên hiện tại, các nhà thuốc GPP cũng gặp không ít bất lợi. Do vậy, cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ các nhà thuốc dân cư cũng như các nhà thuốc GPP hiện tại thực hành đồng bộ GPP.
Công tác quản lý sản xuất dược phẩm cũng cần đồng bộ hóa GPP với các tiêu chuẩn ngành dược khác. GPP là tiêu chuẩn cuối cùng trong 5 tiêu chuẩn thực hành tốt (GPS) trong quy trình đảm bảo chất lượng thuốc - từ khâu sản xuất (GMP), kiểm tra chất lượng (GLP), tồn trữ bảo quản (GSP), lưu thông phân phối (GDP) và phân phối đến tay người bệnh (GPP) để bảo đảm tính đồng bộ và toàn diện từ sản xuất, lưu thông và phân phối lẻ. Tất cả đều vì mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị và an toàn cho nhân dân.
Khánh Trung - Ngô Bình