Sau Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam của "đại gia" người Thái Lan, mới đây công ty con Pilmico Foods Corp thuộc Tập đoàn Aboitiz (Philippines) đã chính thức lên tiếng cho kế hoạch mở rộng kinh doanh sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) tại Việt Nam.
Đại diện Tập đoàn Aboitiz (Philippines) cho biết Pilmico Foods Corp., một công ty con của tập đoàn này đã hé lộ kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam thông qua thỏa thuận mua lại một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Nhiều DN Việt sẽ bị thâu tóm
Cụ thể, Pilmico dự tính sẽ mua lại một số công ty sản xuất TACN của Việt Nam, sau khi đã thâu tóm Công ty CP Thức ăn Thủy sản Vĩnh Hoàn 1 vào năm ngoái.
Chia sẻ về kế hoạch của Pilmico, ông Sabin M. Aboitiz, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Pilmico, cho biết: "Chúng tôi đang nhắm đến Việt Nam nhằm mở rộng các hoạt động sản xuất TACN và đã có vài công ty lọt vào tầm ngắm".
Rõ nét nhất trong chiến dịch thâu tóm của công ty này là năm ngoái, Pilmico đã mua 70% cổ phần Công ty CP Thức ăn Thủy sản Vĩnh Hoàn 1, một trong những công ty cung cấp thức ăn thủy sản hàng đầu tại Việt Nam.
Theo ông Aboitiz, Pilmico hiện đang xem xét ba công ty ở miền Bắc. "Chúng tôi quan tâm tới những công ty ở phía Bắc thời điểm này bởi hiện nay Pilmico mới chỉ hoạt động tại miền Nam", ông cho biết thêm.
Khi được hỏi liệu Pilmico kỳ vọng điều gì sẽ thành hiện thực, ông Aboitiz cho biết: "Tôi chỉ có thể nói rằng chúng ta sẽ biết điều đó trong vòng hai tháng nữa".
Bên cạnh các thương vụ sáp nhập, Pilmico cũng rất quyết liệt trong việc mở rộng các hoạt động ở nước ngoài. Đồng thời, công ty này cũng đã chuẩn bị xuất khẩu các sản phẩm bột mì đến một số quốc gia trong năm nay. Hồi tháng 12/2013, Pilmico đã xuất lô bột mì đầu tiên vào Việt Nam.
Như vậy có thể thấy, với những động thái trên của Pilmico, dù chưa làm thay đổi thị trường của các DN hiện có trong lĩnh vực kinh doanh TACN, song tương lai hứa hẹn không ít các DN Việt có nguy cơ bị Pilmico thâu tóm, nhằm làm bàn đạp mở rộng kinh doanh ở thị trường Việt Nam mà trước mắt là các DN TACN.
![]() |
Thương vụ bán nhà sản xuất thức ăn thủy sản lớn thứ 4 Việt Nam (với công suất 130.000 tấn/năm) dù đã giúp Vĩnh Hoàn lãi lớn do giá vốn đầu tư có 70 tỷ đồng (khoảng 3,4 triệu USD). Cũng theo hợp đồng, 30% cổ phần còn lại sẽ được Pilmico mua nốt trong 5 năm với mức giá đã thỏa thuận.
Song thẳng thắn mà nói, dù Vĩnh Hoàn đã tiến thêm một bước trong kế hoạch tái cấu trúc, tập trung vào nuôi trồng và chế biến cá tra. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc Vĩnh Hoàn phải bỏ bớt thế mạnh sản xuất TACN - một lĩnh vực mà các tỷ phú trong khu vực ASEAN đang rất hứng thú. Ngược lại, Pilmico của Philippines có cơ hội mở rộng hoạt động sản xuất TACN và tiến sâu vào thị trường Việt Nam.
Theo số liệu từ Hiệp hội TACN Việt Nam, hiện cả nước có 239 nhà máy chế biến TACN, trong đó 180 nhà máy là của các DN trong nước, 59 nhà máy còn lại là các DN liên doanh và DN FDI.
Tuy nhiên, đang tồn tại một nghịch lý là số lượng nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài không nhiều nhưng lại đang chiếm 60 - 65% tổng sản lượng TACN sản xuất ra. Ngược lại, khối tư nhân và khối nhà nước có số lượng nhà máy lớn nhưng lại chỉ chiếm 35-40% trong tổng sản lượng.
DN Việt khó chống đỡ
Không chỉ vượt trội về thị phần, hầu hết các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực TACN khi vào Việt Nam đều có chiến lược kinh doanh hết sức bài bản: đầu tiên là cung cấp thức ăn, con giống, sau đó là thiết lập các trang trại chăn nuôi, xây dựng nhà máy chế biến và mạng lưới phân phối, tạo thành chuỗi khép kín; xa hơn là mở rộng sản xuất sang các lĩnh vực khác thuộc nông nghiệp, như Pilmico là xuất khẩu lúa mì.
Công ty CP ngoài việc nắm giữ thị phần gần 20% của mảng TACN (chiếm 62% tổng doanh thu), công ty này cũng đang nắm giữ thị phần 40% đối với ngành hàng gà công nghiệp; thị phần 50% trứng gà công nghiệp; 5% tổng sản lượng chăn nuôi heo của cả nước.
Đây cũng là điểm yếu của các DN trong nước khi phần lớn chỉ tham gia được 1-2 khâu trong chuỗi này.
Theo thống kê sơ bộ thị phần TACN Việt Nam, chiếm thị phần cao nhất hiện nay là Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam với 19,4%; kế tiếp là Công ty TNHH Cargill Việt Nam với 8,11%; xếp sau lần lượt là các doanh nghiệp như Proconco (8%); Green Feed (5%); Anco (4%)...
Như vậy, chỉ riêng hai công ty đầu ngành CP và Cargill đã chiếm gần 30% thị trường TACN của cả nước.
Cũng như nhìn vào bảng phân chia thị phần này, câu hỏi đặt ra là DN Việt đang nằm ở đâu trong biểu đồ này, chưa nói tới khía cạnh cạnh tranh với DN FDI, vì các DN trong nước hiện nay vẫn đang loay loay với câu hỏi là làm sao để tồn tại, thụ động cả về nguyên liệu lẫn đầu ra.
Đồng thời, các DN trong nước vẫn không ngừng than khó về điều kiện kinh doanh. Ông Trần Thanh Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Quang Minh, mới đây đã cho biết hiện nay, các DN Việt Nam nhập khẩu bã ngô (DDGS) từ Mỹ làm nguyên liệu thường đắt hơn các DN nước khác từ 3-5 đô la Mỹ/tấn. Điều này là do Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu phải hun trùng bã ngô trước khi đóng container nhập về trong khi các nước khác không yêu cầu như vậy.
Cùng với đó, các DN TACN trong nước cũng than phiền về thủ tục kiểm dịch thực vật và kiểm tra chất lượng TACN phiền hà đã làm cho các DN nhập khẩu TACN trong nước thiệt hại nhiều do phải lưu hàng tại cảng.
Chi phí lưu container có khi lên tới vài chục tỷ đồng mỗi năm và doanh nghiệp không thể kiểm soát được chi phí này.
Vì vậy, mặc dù mới đây, đã có những hy vọng mới để phá thế độc quyền của DN thức ăn chăn nuôi ngoại là ngày càng nhiều DN trong nước tham gia thị trường này, đơn cử là Tập đoàn Hòa Phát, Masan, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, Thủy sản Hùng Vương…
Tuy nhiên, do phụ thuộc hầu như toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu, đối thủ lại quá mạnh, nên các DN nội chưa thể lấy lại thị phần, quyền chi phối vẫn thuộc về các DN FDI, khiến giá TACN của Việt Nam cao hơn khoảng 15-20% so với giá của các nước trong khu vực.
Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam |
Lê Thúy