Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 21/CĐ-TTg ngày 4/3/2025 về việc điều hành đảm bảo cân đối cung cầu lúa gạo trước diễn biến thị trường thế giới và trong nước.
Trong những năm gần đây, sản xuất và xuất khẩu lúa gạo luôn duy trì phát triển ổn định và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2025, thương mại lúa gạo toàn cầu diễn biến phức tạp, nguồn cung thế giới trở nên dư thừa. Nhu cầu nhập khẩu của các nước trên thế giới giảm, chưa có dấu hiệu phục hồi trong thời gian ngắn hạn, các thị trường nhập khẩu lớn đang thận trọng trong dự trữ và thu mua gạo.
Trước tác động của diễn biến cung cầu thế giới, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2025 có xu hướng suy giảm do giá xuất khẩu liên tục giảm. Trong nước, hiện nay các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đang thu hoạch rộ lúa vụ Đông Xuân nên có hiện tượng giá thu mua lúa giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2024.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo theo dõi sát diễn biến thị trường, cập nhật kịp thời chính sách từ các quốc gia xuất khẩu và giám sát hoạt động thu mua, xuất khẩu lúa gạo nhằm đảm bảo thị trường minh bạch, ổn định. |
Để đảm bảo việc điều hành cân đối cung cầu lúa gạo trong nước và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân, tranh thủ cơ hội xuất khẩu và đảm bảo hài hòa lợi ích cho người sản xuất và các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Ngoại giao cùng các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường, cập nhật kịp thời chính sách từ các quốc gia xuất khẩu và giám sát hoạt động thu mua, xuất khẩu lúa gạo nhằm đảm bảo thị trường minh bạch, ổn định.
Việc bám sát chính sách từ các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan và theo dõi nhu cầu tại những thị trường tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, châu Phi cũng được đưa ra. Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cùng UBND các địa phương kiểm tra việc thu mua, xuất nhập khẩu lúa gạo, đảm bảo tuân thủ quy định, ngăn chặn tình trạng thao túng, ép giá nông dân.
Trước tình hình trên, để cân đối cung cầu trong nước và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu bền vững, Chính phủ đề nghị các Bộ triển khai các giải pháp dài hạn. Việt Nam tiếp tục cải thiện cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng gạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo nghiên cứu mở rộng hạn ngạch, thời hạn cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nông dân tiếp cận tín dụng ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục vay vốn.
Bộ trưởng Tài chính cần chỉ đạo đẩy nhanh hoàn thuế xuất khẩu, tạo thuận lợi thông quan, tăng cường kiểm tra xuất nhập khẩu và xây dựng kế hoạch mua dự trữ gạo quốc gia năm 2025.
Đề án phát triển bền vững một triệu ha lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 cần được triển khai quyết liệt, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân và giảm tác động từ biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Chính phủ đề nghị đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống logistics để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành gạo, thúc đẩy thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế. Các địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội được yêu cầu tăng cường liên kết sản xuất - tiêu thụ, hỗ trợ nông dân, phát triển thị trường và đảm bảo ổn định giá lúa gạo trong nước.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, diện tích gieo cấy lúa năm 2025 dự kiến đạt 7,03 triệu ha, giảm 70.000 ha so với năm 2024 do chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, năng suất trung bình tăng lên 61,3 tạ một ha, giúp sản lượng thóc ước đạt 43,1 triệu tấn. Trong đó, tiêu dùng trong nước khoảng 21 triệu tấn, sản xuất chế biến 4 triệu tấn, xuất khẩu từ 6-6,5 triệu tấn và dự trữ thương mại khoảng 2,5 triệu tấn. Những tháng đầu năm, giá lúa gạo trong nước đang có xu hướng giảm do thu hoạch rộ vụ Đông Xuân. Giá xuất khẩu trung bình hai tháng đầu năm giảm 18,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 553,6 USD một tấn. |
Hồng Hương