Đây là yêu cầu được đưa ra tại văn bản 51/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu về triển khai sản xuất, kinh doanh năm 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng yêu cầu giảm đầu mối, khâu trung gian kinh doanh xăng dầu. |
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương đổi mới cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng giảm đầu mối, giảm khâu trung gian nhiều hơn nữa, dễ kiểm tra, giám sát; thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp, không giật cục, không cầu toàn, không nóng vội.
Bộ Công Thương khẩn trương trình Chính phủ trong tháng 3/2024 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng giá điện khí, điện gió, điện mặt trời phù hợp cơ chế thị trường, trình Chính phủ trong quý II/2024.
Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu thương nhân đầu mối, phân phối xăng, dầu kiểm tra, rà soát hiện trạng và điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng, dầu, giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối, phân phối xăng, dầu (theo Nghị định 83/2024, Nghị định 95/2022 và Nghị định 80/2023).
Trước đó, theo kết luận Thanh tra Chính phủ công bố đầu tháng 1, nhiều lỗ hổng trong quản lý kinh doanh, cấp phép xăng dầu của Bộ Công Thương được nêu ra. Trong hơn 5 năm, Bộ này đã cấp 37 giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng, dầu (không gồm 4 giấy phép kinh doanh xăng, dầu hàng không) và 347 giấy phép làm thương nhân phân phối bán lẻ. Tuy nhiên, thực tế sau khi được cấp phép, nhiều thương nhân đầu mối đã không đảm bảo được hệ thống phân phối xăng, dầu. Trong gần 3 năm, việc đầu tư kho xăng dầu thương mại của các DN đầu mối chỉ đạt 15% theo quy hoạch.
Các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối chủ yếu thuê kho, bể chứa xăng, dầu để làm điều kiện xin cấp giấy phép và giấy xác nhận. Nhiều đầu mối, thương nhân phân phối chỉ thuê kho, bể chứa xăng, dầu theo mùa vụ để giảm chi phí, qua mặt cơ quan quản lý. Nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng... ảnh hưởng tới nguồn cung của thị trường. Thanh tra Chính phủ xác định đây là một trong những nguyên nhân trong khâu cấp phép, ảnh hưởng tới nguồn cung thị trường.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, sau khi một số đơn vị bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép do sai phạm, hiện thị trường còn 34 DN đầu mối xăng, dầu (không gồm đơn vị kinh doanh nhiên liệu hàng không) và khoảng 300 thương nhân phân phối. Bộ Tài chính hôm 19/1 thông tin, gần 1/3 đầu mối xăng, dầu đang nợ thuế hàng nghìn tỷ đồng, khó thu hồi.
Lê Thúy