Kinh tế Việt Nam đã phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhưng gần đây phải đối mặt với nhiều thách thức, với nhu cầu toàn cầu suy yếu và đồng đô la Mỹ mạnh lên.
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất chính sách thêm 200 điểm cơ bản và cho phép tiền đồng suy yếu so với đồng đô la.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. |
Thị trường chứng khoán Việt Nam (VNIndex) đã giảm hơn 20% trong khi tiền đồng mất giá 6% so với đô la trong ba tháng qua.
"Việc quản lý kinh tế vĩ mô ngày càng khó khăn hơn", Thủ tướng nói. "Chúng ta cần phải luôn cảnh giác (chống lại rủi ro) nhưng chúng ta sẽ không hoảng sợ."
Tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 8% trong năm nay, cao hơn mức tăng 2,58% của năm ngoái. Việt Nam đặt mục tiêu giới hạn lạm phát ở mức 4% trong năm nay.
Do nguồn vốn có hạn nên Thủ tướng cho rằng Việt Nam cần tập trung vào 3 động lực tăng trưởng, đó là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.
Thủ tướng nêu quyết tâm: "Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch cơ cấu lại, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý rủi ro, nâng cao năng lực tài chính, quản trị của các tổ chức tín dụng yếu kém và các doanh nghiệp, dự án thua lỗ kéo dài".
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục "theo đuổi chính sách tiền tệ chủ động, thận trọng, linh hoạt và cứng rắn, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác, không thay đổi đột ngột".
"Thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán hiện đang chịu rủi ro sau một thời gian tăng trưởng mạnh, với việc các doanh nghiệp có nhu cầu vốn cao cho sản xuất trong khi tín dụng ngân hàng eo hẹp", Thủ tướng nói trước Quốc hội và cho biết thêm rằng thị trường bất động sản đang đối mặt với vấn đề thanh khoản.
Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp trong tuần này với các ngân hàng thương mại để thảo luận về thanh khoản trong hệ thống, do các ngân hàng phải đối mặt với áp lực từ việc thắt chặt các điều kiện tín dụng và lãi suất cao hơn.
Thủ tướng cho biết chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng thị trường tài chính và bất động sản hoạt động một cách minh bạch và hiệu quả hơn.
"Chính phủ sẽ đề xuất sửa đổi luật chứng khoán và doanh nghiệp và các quy định liên quan", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương.
Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ xem xét nâng tổng mức dự trữ quốc gia và tăng cường năng lực sản xuất trong nước để tránh tình trạng thiếu nhiên liệu trong tương lai.
Thành An