Đây là lần thứ hai cuộc họp Chính phủ đón Tổng Bí thư đến dự. Hội nghị với 63 địa phương nhằm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, nhấn mạnh lần đầu trong 10 năm nền kinh tế vượt mức tăng trưởng 0,38 điểm phần trăm, từ 6,7% đã lên mức 7,08% trong năm 2018. Năm 2018, Việt Nam dự kiến đạt mức xuất siêu kỷ lục, lên đến trên 7 tỷ USD. Đặc biệt, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong nước đạt 17%, cao hơn khu vực FDI (14%).
Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương |
Theo Thủ tướng, điều đáng mừng là Nghị quyết của Trung ương về kinh tế tư nhân đang thực sự đi vào cuộc sống. Chưa có thời điểm nào trước đây chúng ta được chứng kiến sự lớn mạnh cùng với quyết tâm vươn ra biển lớn của khu vực kinh tế tư nhân như 2 năm vừa qua. Đó là chưa kể tới con số trên 130.000 doanh nghiệp mới thành lập và trên 34.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại trong năm 2018. Nhiều kết quả về văn hóa xã hội, chính sách an sinh xã hội được bảo đảm tốt.Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục trong 10 năm nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt dưới 14% so với 17-18% của các năm trước, công nghiệp khai khoáng giảm gần 4%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lên trên 12%. Vượt thu ngân sách so với dự toán khoảng 3,5 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục. Nợ xấu giảm rất sâu.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2019, các bộ, ngành tiếp tục tìm giải pháp mạnh mẽ khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Khắc phục nhanh những chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong xây dựng cơ chế, chính sách và trong tổ chức thực hiện.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo tham dự Hội nghị |
Thủ tướng đề nghị Hội nghị thảo luận để đi đến thống nhất đề ra triển khai một chương trình toàn diện, phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với phương châm 12 chữ của Chính phủ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”.
Trong năm 2019, Thủ tướng cho biết, sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đánh giá lại một số vấn đề. Thứ nhất, đó là các tư duy và hình thành chính sách phát triển do Chính phủ đề xuất. Những yếu kém cố hữu của nền kinh tế khó sửa, cách thức khắc phục những dự án thua lỗ kéo dài, trong đó phải chỉ ra cho được những giá trị kế thừa và những bài học kinh nghiệm lớn cần tiếp tục được nhận thức và chỉnh đốn một cách nghiêm túc.
Thứ hai, những khía cạnh quản trị của Chính phủ, những mục tiêu như Chính phủ điện tử, Chính phủ số, các giá trị kiến tạo phát triển, sự liêm chính… khó đi vào thực tiễn nếu chúng ta không cải cách những nguyên tắc và mô hình quản trị không còn phù hợp với thực tiễn.
Thứ ba, đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sức bật mới cho sự phát triển.
Phạm Minh