Theo Thủ tướng, tăng trưởng GDP là yếu tố quan trọng nhất với việc thực hiện 2 mục tiêu (tới năm 2030 là nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao). Tăng trưởng GDP sẽ tác động tới quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, xếp hạng nền kinh tế Việt Nam trên thế giới.
"Không còn cách nào khác, chúng ta phải duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục trong thời gian từ nay tới 2045, chỉ có như vậy mới vượt qua được bẫy thu nhập trung bình và vươn lên, đạt được các mục tiêu chiến lược, thực hiện khát vọng trong kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc", Thủ tướng nhấn mạnh.
Công bố mới đây nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy hơn 30 năm qua, chỉ có 34 nền kinh tế thành công trong thoát bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia có mức thu nhập cao, còn 108 quốc gia chưa vượt qua được.
![]() |
Quang cảnh hội nghị (Ảnh: VGP). |
Thủ tướng dẫn chứng, các nền kinh tế trở thành nước có thu nhập cao đều duy trì tăng trưởng cao trong khoảng trên dưới 30 năm, như Nhật Bản tăng trưởng trung bình 11,5%/năm giai đoạn 1951-1973, Hàn Quốc đạt 9,6%/năm trong giai đoạn 1963-1996, Trung Quốc tăng trưởng khoảng 10%/năm giai đoạn 1978-2011, Đài Loan (Trung Quốc) tăng 8,9%/năm từ 1952-1989; Singapore tăng 8,5%/năm từ 1961-1997.
Theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,4% trong gần 40 năm đổi mới từ 1986 nay. Năm 2024, quy mô GDP Việt Nam đạt trên 470 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.700 USD, nếu tăng trưởng GDP ở mức khoảng 7% mỗi năm thì rất khó đạt 2 mục tiêu 100 năm. Như vậy, trong 2 thập kỷ tới cần tăng tốc bứt phá mới có thể đạt mục tiêu chiến lược đề ra. Chặng đường chúng ta đi còn rất gian lao, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng nêu rõ, muốn cả nước tăng trưởng trên 8% thì tất cả các bộ, ngành, địa phương, các lĩnh vực phải tăng trưởng trên 8%, doanh nghiệp trong và ngoài nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân… đều phải tăng trưởng trên 8%, chứ không thể chỉ có một vài địa phương, một vài bộ, ngành, một vài doanh nghiệp tăng trưởng cao rồi kéo cả nước lên, điều này là rất khó.
Muốn tăng trưởng được thì phải làm mới các động lực truyền thống (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng), thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…, khai thác các không gian phát triển mới, như không gian biển, không gian ngầm, không gian vũ trụ. Muốn vậy phải có nguồn lực về con người, vốn, công nghệ, thể chế…
Thủ tướng lưu ý, cần giảm chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) xuống vì hiện nay chỉ số này còn cao, thể hiện hiệu quả đầu tư còn thấp. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần phải tập trung cải thiện tỷ lệ này, phải tăng cường giải ngân vốn đầu tư công vì đây là một trong những động lực tăng trưởng.
Đưa ra nhiệm vụ giải pháp thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, cần tập trung cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án.
Xây dựng các cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên.
Năm 2025, phấn đấu đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 120-130 triệu lượt khách du lịch nội địa; Khai thác hiệu quả cơ hội từ 17 FTA đã ký kết.
Đặc biệt, ông Phương cho rằng tiếp tục xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết thời gian qua TP nỗ lực trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đảm bảo nguồn vốn đầu tư phát huy hiệu quả trong phát triển hạ tầng và kinh tế - xã hội. Theo đó, giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 70%.
Về tăng trưởng kinh tế, trong 10 năm liên tiếp, Hải Phòng luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số, với mức bình quân đạt 12,35%/năm. Năm 2024, thành phố đã thực hiện đúng cam kết với Chính phủ, đạt tốc độ tăng trưởng 11,01%. Đối với năm 2025, Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng 12,5% và Hải Phòng cam kết sẽ phấn đấu đạt được mục tiêu này, thậm chí có thể tăng trưởng ở mức cao hơn.
Dự báo, GRDP của thành phố trong quý I/2025 sẽ đạt khoảng 12%, cao hơn mức trung bình của các năm trước, khi quý I thường chỉ đạt khoảng 10%.
Về kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2026 - 2030, tốc độ tăng trưởng của thành phố Hải Phòng dự kiến là 14%/năm so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, thành phố đang xây dựng kế hoạch phát triển với mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân đạt 15,6% trong giai đoạn 2026 - 2030.
Lãnh đạo TP Hải Phòng cho biết, TP Hải Phòng cam kết đóng góp 11.000 tỷ đồng để triển khai dự án đường sắt Lào Cai - Hải Phòng. Trong đó, 6.000 tỷ đồng sẽ được sử dụng cho công tác giải phóng mặt bằng và hơn 5.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đoạn nhánh kết nối trực tiếp với cảng biển.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn cũng cho biết tỉnh phấn đấu tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu được giao. Trước khi Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cho Quảng Ninh, tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng là 12,05%. Sau khi Chính phủ chính thức giao chỉ tiêu tăng trưởng cho Quảng Ninh là 12%. Tuy nhiên tỉnh Quảng Ninh quyết tâm xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng, phấn đấu vượt hơn 14%, tương đương với mức tăng tuyệt đối là hơn 48.000 tỷ đồng.
Tại tỉnh Đồng Nai năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ giao tăng trưởng kinh tế là 10%. Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp như: Đẩy mạnh đầu tư công, tập trung thực hiện các thủ tục về đất đai, quy hoạch, xây dựng, để đưa 5 khu đô thị-công nghiệp mới với tổng diện tích trên 2.700 ha đi vào hoạt động...
"Đáng chú ý, tỉnh Đồng Nai đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 12 nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 682 tỷ USD, 2 nhà đầu tư trong nước với tổng số vốn là 1.386 tỷ đồng. Mặc dù trong khu công nghiệp được Chính phủ cho phép thành lập, chưa hoàn thành hạ tầng, nhưng hiện đã có hơn 200 nhà đầu tư đăng ký với vốn đăng ký trên 2 tỷ USD. Đây là tín hiệu đáng mừng giúp tỉnh Đồng Nai tự tin bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số từ năm 2025.", ông Đức cho hay.
Ông Nguyễn Việt Oanh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã chủ động đặt mục tiêu tăng trưởng theo kịch bản được giao từ 14-15%/năm.
Tuy nhiên, ông Oanh cho rằng qua rà soát đánh giá Bắc Giang xác định tỉnh còn nhiều lợi thế, dư địa cho phát triển như: Lĩnh vực nông nghiệp có nhiều tiềm năng, hiện nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp đã có tác động lan tỏa giúp thay đổi thói quen sản xuất trên địa bàn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Dự báo, năm 2025 sẽ tăng khoảng 3,8%.
Thứ hai về sản xuất công nghiệp, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng của tỉnh. Năm 2024 tỉnh Bắc Giang đã thu hút 2 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, là cơ sở cho nhiều dự án đầu tư mới đi vào hoạt động.
Dự báo, năm 2025 dự kiến tổng giá trị sản xuất sẽ đạt khoảng 703 nghìn tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm 2024. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2025 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt 145 nghìn tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng ước đạt 10,64 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 5,49 tỷ USD.
"Đặc biệt trong 2 tháng đầu năm, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận 4 khu công nghiệp với diện tích trên 860 ha, sẽ tạo thêm không gian mới cho tỉnh thu hút đầu tư vào cuối năm 2025 và những năm tiếp Theo", ông Oanh cho hay.
Bên cạnh đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Một số ngành sản xuất công nghiệp có giá trị lớn đã đảm bảo đơn hàng sản xuất cho cả năm 2025. Đồng thời, ngành dịch vụ tốc độ tăng trưởng ổn định, dự kiến đạt 7,5%.
Thanh Hoa