Bộ trưởng nhấn mạnh Thủ tướng lưu ý các bộ ngành, địa phương lo vấn đề tăng trưởng kinh tế, nhưng không được quên các vấn đề xã hội (Ảnh: Cổng thông tin điện tử CP) |
Trong thời gian qua nổi lên nhiều vấn đề, vụ việc xã hội nổi cộm, thu hút sự quan tâm của dư luận, của nhân dân như vụ việc ở chùa Ba Vàng, tình trạng bạo lực học đường với một số vụ việc như vụ học sinh cấp II hành hung bạn ở Hưng Yên, vụ việc xảy ra tại trường học ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng, Nghệ An, tình trạng buôn bán ma túy với số lượng lớn tới hàng trăm kg, trong đó 3 vụ vừa triệt phá tổng cộng tới hơn 1 tấn, rồi dịch bệnh trên người và gia súc lây lan ra nhiều địa phương…
Trong đó, tình trạng bạo lực học đường, bạo lực trong học sinh không chỉ diễn ra ở Hưng Yên mà còn ở không ít các địa phương khác, đây có phải vấn đề báo động hay không? Trách nhiệm của các cơ quan như thế nào? Đó là vấn đề cần suy nghĩ, có biện pháp mạnh mẽ hơn, không để những vấn đề này trở thành vấn đề xã hội lớn.
Do đó, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là mặc dù kinh tế vô cùng quan trọng nhưng cần thảo luận rõ nét hơn về các vấn đề xã hội để chúng ta thực hiện đúng mục tiêu kinh tế phát triển bền vững, bao trùm, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Điều quan trọng nhất là tập trung nỗ lực vượt bậc để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, đồng thời giải quyết toàn diện các vấn đề xã hội, đặc biệt là những vấn đề bức xúc, dư luận quan tâm, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Chúng ta chú trọng cả ba trụ cột là kinh tế, xã hội, môi trường, thời gian gần đây vấn đề môi trường đã được siết lại, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn với các vấn đề xã hội.Nếu coi nhẹ vấn đề xã hội thì tới một lúc nào đó kinh tế cũng không phát triển được.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, cần xử lý ở mức cao nhất có thể đối với giáo viên, những người làm việc trong nhà trường có hành vi xâm hại trẻ em. Người quản lý cơ sở giáo dục, kể cả mầm non, nếu để xảy ra vi phạm, cũng phải chịu trách nhiệm. “Chúng ta cần xử lý nghiêm minh thì mới ngăn chặn được chuyện này”.
Tới đây, Bộ trưởng cho biết sẽ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo lập các đoàn kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm trong vấn đề này.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đến nay, có nhiều văn bản được ban hành về vấn đề này như Nghị định 80/2017/NĐ-CP về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, hay Thủ tướng có Quyết định 1299/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an và các bộ, ngành đã ban hành 11 thông tư liên quan về vấn đề này. Theo Bộ trưởng, việc tổ chức thực hiện các văn bản này chưa nghiêm.
Huyền Anh