Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn phục hồi kinh tế - xã hội. Dù gần đây, xuất hiện chủng COVID-19 mới là Omicron, cùng với dự báo của các cơ quan chức năng là dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, có thể còn tiếp tục xuất hiện thêm biến chủng mới, nhưng điều quan trọng nhất là không mất cảnh giác, chủ quan, lơ là, đồng thời cũng không hốt hoảng, lo sợ, đánh mất bình tĩnh của mình.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Với Việt Nam, Thủ tướng đánh giá chúng ta đã có kinh nghiệm chống dịch, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể trong phòng chống dịch. Chiến thắng đại dịch sẽ là chiến thắng của nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh việc triển khai phòng chống dịch bệnh COVID-19 không thể thiếu công nghệ, để rút ngắn thời gian thực hiện. Ví dụ, kế hoạch chậm nhất là hết tháng 12 tiêm cơ bản đủ 2 mũi vắc xin phòng chống COVID-19 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên, tiêm vắc xin cho trẻ em dưới 5 tuổi... đều phải ứng dụng công nghệ.
"Khó khăn chỉ là tạm thời, nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định vững chắc, niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng lên. Với Việt Nam, khi có thách thức, khó khăn, tinh thần đại đoàn kết dân tộc càng phát huy", Thủ tướng đánh giá.
Về bối cảnh thế giới, Thủ tướng cho biết những nguy cơ như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, dịch bệnh.... yêu cầu cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân. Trở lại câu chuyện về phát triển kinh tế số, Thủ tướng cho rằng chúng ta cần tầm nhìn, hành động và cách làm mang tính đặc biệt.
Hiện nay, Chính phủ đang tập trung hoàn thiện chương trình phòng chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ hậu COVID-19. Hai Chương trình này phải song hành với nhau, gắn với hạ tầng về công nghệ.
Nói về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết hai công cụ tài khóa và tiền tệ phải gắn chặt, hỗ trợ lẫn nhau, có sự lan tỏa và ảnh hưởng tích cực trên thực tế.
Thủ tướng cũng khẳng định hồi phục hay phát triển kinh tế - xã hội thì nội lực (con người - thiên nhiên - văn hóa và truyền thống lịch sử, tính tự lực, từng cường, đoàn kết dân tộc" là cơ bản; còn ngoại lực là quan trọng và đột phá.
Về thể chế, Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ vướng mắc, nút thắt, đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra.
Về hạ tầng, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần xây dựng hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông. "Hạ tầng viễn thông tốt rồi nhưng vẫn còn vùng lõm của sóng, khó mấy cũng phải làm. Trách nhiệm không chỉ mình Chính phủ mà các địa phương cần quan tâm này. Không có sóng, không có điện thì không có công dân số", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nhân quyền lớn nhất của Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no, hạnh phúc, dân chủ. Phát huy tối đa quyền con người; lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu cụ thể là người dân ấm no, hạnh phúc. Không hy sinh an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Nhật Linh