Hai luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2015 với nhiều quy định rất quan trọng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn còn rất nhiều vướng mắc, đặc biệt về việc hoàn thiện các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư.
Vẫn còn nhiều khác biệt
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện hai luật này bước đầu đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ như: Làm giảm thời gian đăng ký doanh nghiệp còn 2,9 ngày. Tuy nhiên, những phát sinh chủ yếu vẫn do sự khác biệt giữa các quy định giữa các luật, giữa luật với nghị định, giữa các nghị định, thông tư như: khác nhau về trật tự các thủ tục đánh giá tác động môi trường giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường; khác nhau về thẩm quyền, quy trình, thủ tục về số lượng và loại hồ sơ, nội dung hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư,…
Hiện nay, bất cập lớn nhất là tiến độ thực hiện quy định của Luật Đầu tư là đến ngày 1/7 phải bảo đảm chỉ có những điều kiện đầu tư kinh doanh quy định trong nghị định, luật, pháp lệnh mới được tiếp tục thực thi, còn các quy định trong thông tư, quyết định sẽ hết hiệu lực, nhưng các bộ chưa kịp soạn thảo, ban hành.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 16 ngành nghề mới chưa có quy định điều kiện theo Phụ lục 4 Luật Đầu tư, mới chỉ có một ngành nghề đã được ban hành điều kiện trong Nghị định.
Theo dõi của Văn phòng chính phủ cho thấy, tiến độ các bộ soạn thảo các nghị định quy định các điều kiện đầu tư kinh doanh rất chậm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra nhiều bộ còn lúng túng chưa hiểu thế nào là điều kiện đầu tư kinh doanh, chưa tiến hành rà soát hoặc chưa có báo cáo gửi Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nên việc nâng cấp các điều kiện đang quy định trong thông tư lên nghị định diễn ra rất chậm chạp, khó bảo đảm tiến độ.
Để gỡ cho các bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị ban hành nghị quyết của Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện các điều kiện đầu tư kinh doanh sau ngày 1/7 nếu chưa kịp ban hành nghị định.
Tuy nhiên, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đều không đồng ý và yêu cầu thực hiện nghiêm quy định của Luật, kiên quyết không để “khoảng trống pháp lý” sau ngày 1/7 để bảo đảm thực thi đúng quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ phải trao đổi, thống nhất với các bộ, cơ quan ngang bộ về nội dung, phạm vi của điều kiện đầu tư kinh doanh, phân biệt rõ với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, làm cơ sở cho việc xác định điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ.
Trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát các thông tư, quyết định của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh để tổng hợp, xây dựng nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý.
Đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư chưa ban hành nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh mà vẫn đang trong quá trình soạn thảo thì cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp, gửi nội dung cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, xây dựng một nghị định của Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn, nhưng vẫn phải bảo đảm lấy ý kiến của đối tượng điều chỉnh, Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự thảo nghị định. Tất cả các nghị định đều phải được ban hành và có hiệu lực trước ngày 1/7.
Các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, tập hợp các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của mình quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định được ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/5/2016 để cập nhật và công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
![]() |
Những phát sinh chủ yếu vẫn do sự khác biệt giữa các quy định giữa các luật, giữa luật với nghị định, giữa các nghị định, thông tư
Cải thiện môi trường, lấy lại niềm tin
Để giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các luật có liên quan, Thủ tướng cũng giao các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá đầy đủ những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, đặc biệt là những vướng mắc có liên quan đến quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, nhà ở, đô thị, bất động sản, đấu thầu, môi trường, thương mại, giáo dục, công nghệ… thuộc thẩm quyền của Chính phủ để xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm giải quyết dứt điểm những vướng mắc nêu trên; trình Chính phủ trong tháng 10/ 2016.
Đồng thời, giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá đầy đủ các vướng mắc giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư với các luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, nhà ở, đô thị, bất động sản, đấu thầu, môi trường, thương mại, giáo dục, công nghệ… để báo cáo Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 8/2016; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ trình Quốc hội bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Sau khi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự án Luật này để Chính phủ trình Quốc hội.
Đây là những chỉ đạo rất kịp thời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay sau khi mới nhậm chức nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, dần lấy lại niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, xã hội về những động thái quyết liệt của Chính phủ với mục tiêu Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp.
Quang Minh
Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Trong số những kết luận của Thủ tướng, tôi nhận thấy một thông điệp rất kiên quyết là những điều kiện kinh doanh được ban hành dưới những hình thức không hợp pháp thì từ 1/7/2016 đương nhiên hết hiệu lực và sẽ được công bố hủy bỏ. Ngược lại, những điều kiện kinh doanh hợp pháp cũng phải được tập hợp, ban hành trong nghị định, không để tạo ra khoảng trống pháp lý trong quá trình chuyển tiếp. Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Với hiểu biết của Thủ tướng về cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam từ tốc độ phát triển tới nhu cầu, đòi hỏi…, tôi tin rằng Thủ tướng sẽ có những chỉ đạo rất quyết liệt và quan tâm nhiều tới các vấn đề thực tiễn. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Thủ tướng sẽ khắc phục được các hạn chế, rào cản trước tiên là về thể chế kinh tế để có môi trường pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Cần khẳng định rằng doanh nghiệp Việt Nam chỉ chơi được với quốc tế, thành công trong hội nhập khi môi trường kinh doanh đạt chuẩn quốc tế, thủ tục hành chính phải đạt chuẩn quốc tế. Doanh nghiệp không thể cạnh tranh được khi phải loay hoay đối phó với các thủ tục, các quy định phức tạp, không rõ ràng, minh bạch với chi phí hành chính quá cao.Vì thế, cần có cuộc đại phẫu về thủ tục hành chính, cắt giảm các quy định theo đúng tinh thần người dân, doanh nghiệp được kinh doanh những gì pháp luật không cấm của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, xa hơn là theo tinh thần của Hiến pháp. |