Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắn nhủ điều này với Bộ NN&PTNT điều này tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ 2018 của ngành nông nghiệp diễn ra sáng ngày 4/1/2018.
![]() |
Thủ tướng nhắn nhủ Bộ NN&PTNT đừng ngủ quên trên "vòng nguyệt quế", thành tích đạt được trong năm vừa qua chỉ là bước đầu còn nhiều bất cập cần giải quyết
Ghi nhận nhiều kết quả mà ngành nông nghiệp đạt được trong năm qua, Thủ tướng đánh giá, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 36,37 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 13% so với năm 2016; thặng dư thương mại đạt 8,55 tỷ USD, tăng khoảng 1,1 tỷ USD so với năm 2016.
Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao: rau quả tăng 40,5%; cao su tăng 35,6%, gạo tăng 23,2%, điều tăng 23,8%, tôm tăng 22,3%, đồ gỗ và lâm sản tăng 9,2%... Vẫn duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên, trong đó có 5 mặt hàng (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Tuy vậy, Thủ tướng nhắn nhủ Bộ NN&PTNT đừng ngủ quên trên "vòng nguyệt quế", thành tích đạt được trong năm vừa qua chỉ là bước đầu còn nhiều bất cập cần giải quyết.
Theo đó, Thủ tướng nêu vấn đề, một đất nước mà người dân nông thôn chiếm đến 70% dân số cả nước, lao động nông thôn chiếm 42% lao động cả nước, trong khi cơ cấu kinh tế nông thôn chỉ chiếm 15%.
"Điều này nói rằng năng suất nông nghiệp còn thấp hơn nhiều so với vùng đô thị. Đảng và Nhà nước cần tiếp tục quan tâm hơn nữa để nâng cao đời sống cho nông dân. Sự nghiệp công nghiệp hoá thành công khi nông nghiệp, nông thôn thành công", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, Thủ tướng đã chỉ ra nhiều bất cập mà ngành nông nghiệp còn tồn tại như tái cơ cấu chưa mạnh mẽ. Trồng trọt theo thói quen vẫn phổ biến ở nông thôn.
Vi phạm trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản vẫn diễn ra phổ biến. Việc EU “Rút thẻ vàng” đang là thách thức lớn với thủy sản Việt Nam. Nạn phá rừng vẫn diễn ra ở một số địa phương.
Cùng với đó, năng suất lao động thấp, kéo theo năng suất lao động đất nước thấp đây là bài toán đau đầu của cả nền kinh tế, các cấp, các ngành.
Cũng như tình trạng sản xuất nông nghiệp còn bị động, tình trạng được mùa mất giá vẫn diễn ra. Quy hoạch và dự báo thị trường, tổ chức sản xuất còn yếu kém. Cần tính công tác dự báo, cung cầu thị trường chính xác.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp có tiến bộ nhưng vẫn còn ít, chỉ chiếm 1% trong tổng số DN cả nước, quy mô nhỏ, năng lực tài chính thấp.
Nghị định 210 nói mãi nhưng chưa giải quyết tốt.
"Một số ngành địa phương còn lơ là chỉ đạo phát triển nông nghiệp. Những chỉ thị, nghị định nào của Thủ tướng chỉ đạo mà còn vướng mắc cần phải đối thoại giải quyết ngay", Thủ tướng yêu cầu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý, việc vi phạm tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra phổ biến, vẫn còn tình trạng "rau hai luống, lợn hai chuồng".
Theo đó, Thủ tướng đã chỉ đạo những định hướng phát triển của ngành nông nghiệp năm 2018. Cụ thể, cần tạo chuyển biến rõ nét, cơ cấu nền nông nghiệp, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp, phấn đấu tăng trưởng đạt 3%, xuất khẩu đạt 40 tỷ USD.
Để làm được điều này, Thủ tướng yêu cầu, các ngành, các cấp, địa phương phải vào cuộc quyết liệt. Đổi mới tư duy, tổ chức sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sạch, thông minh, cơ cấu lại ngành để có được chất lượng tăng trưởng. Những đất lúa kém hiệu quả cần thay đổi sang trồng cây trồng vật nuôi có hiệu quả cao hơn.
Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nhân rộng những mô hình sáng tạo ở địa phương, nông dân, như mô hình "hội quán" tỉnh Đồng Tháp... Đi kèm các giải pháp nuôi trồng, khai thác thuỷ sản bền vững, để cố gắng thoát khỏi thẻ vàng của EU.
Bên cạnh đó, chi phí logistics vận chuyển ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới. Do vậy, cần phải tính cách giảm chi phí vận chuyển để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu, nâng cao năng lực sản xuất xuất và hiệu quả đầu tư nông nghiệp, kiểm soát chặt chẽ cả đầu vào và đầu ra. Nghiên cứu thị trường trước khi đi vào sản xuất xuất. Đẩy mạnh hoạt động sản xuất thương mại, kết hợp tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Lê Thuý