Trong một báo cáo mới nhất về tình hình xúc tiến đầu tư năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, dòng đầu tư từ các nước phát triển vào Việt Nam còn khiêm tốn nếu so với đầu tư của các nước này vào Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Theo đánh giá, nếu như cách đây 20 năm, Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư nước ngoài vào khai thác vì nguồn lao động giá rẻ, ưu đãi lớn, tài nguyên phong phú thì nay, các lợi thế này dần dần không còn nữa. Trong khi đó, Indonesia được xem là còn kém Việt Nam về trình độ lao động cũng như độ ổn định môi trường, nhưng các yếu tố này có thể sẽ được khắc phục nhanh.
Việt Nam đang tụt hậu
Philippines cũng được nhận diện là quốc gia có khả năng cạnh tranh mạnh do có lực lượng lao động chất lượng cao, khả năng giao tiếp tiếng Anh rất tốt. Đó là chưa kể chi phí trả cho lương công nhân, nhà ở và thực phẩm tại đây cũng khá thấp.
Còn Myanmar, với chính sách cải cách mới, nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh theo hướng thị trường, hứa hẹn một thị trường lớn với dân số gần 65 triệu dân. Nếu xét về yếu tố chi phí lương thấp, không chỉ Myanmar, mà cả Campuchia, Lào cũng đang là đối thủ cạnh tranh nhân công gia công đối với Việt Nam cho các ngành hàng xuất khẩu.
Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, tỷ trọng vốn FDI của Nhật Bản đầu tư vào khu vực ASEAN trong tổng vốn FDI đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản gần như không thay đổi (17,5% năm 2013 so với 15,5% năm 2015) nhưng sự chuyển dịch vốn FDI của Nhật Bản từ Trung Quốc sang các nước ASEAN không đồng đều.
Báo cáo này chỉ rõ, năm 2012, sau khi rút vốn ồ ạt ra khỏi Trung Quốc, Nhật Bản đã đầu tư vào hầu hết các nước ASEAN. Tuy nhiên, đến năm 2015, các công ty Nhật Bản tập trung đầu tư nhiều hơn vào Singapore và Indonesia, dẫn đến sự sụt giảm mạnh FDI cả về số tuyệt đối và tỷ trọng ở các nước ASEAN khác, bao gồm cả Việt Nam.
![]() |
Dòng đầu tư từ các nước phát triển vào Việt Nam còn khiêm tốn
Cùng với đó, thống kê của Bộ KH&ĐT cho biết, lũy kế đến tháng 6/2016, Mỹ đứng thứ 8 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ vào Việt Nam với 816 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư là 10,86 tỷ USD. Quy mô vốn bình quân một dự án của Mỹ khoảng 13,3 triệu USD, thấp hơn so với mức bình quân chung một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 13,8 triệu USD/dự án.
Dòng vốn FDI Mỹ vào Việt Nam đang có xu hướng giảm, năm 2014, Hoa Kỳ đứng thứ 12 trong số các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm xấp xỉ đạt 260 triệu USD, chiếm tương đương 1,28% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2015, Mỹ đã tụt xuống vị trí 16 với tổng số cấp mới và tăng chỉ đạt 224 triệu USD tương đương 0,9% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Tuy nhiên, những con số này chưa phản ánh hết luồng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam do một số công ty Mỹ như Tập đoàn Intel, Coca Cola, Procter & Gamble, ConocoPhillips… đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con của mình đăng ký tại một số nước và vùng lãnh thổ khác British Virgin Islands, Singapore, Hồng Kông….
“Sợ” Việt Nam vì tham nhũng
Bộ KH&ĐT đã chỉ rõ các yếu tố đang làm hạn chế tăng trưởng nội địa và thu hút đầu tư của nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn chưa “hào hứng” đầu tư vào Việt Nam là vì môi trường đầu tư Việt Nam vẫn còn một số điểm hạn chế.
Theo các nhà đầu tư Nhật Bản, các chính sách thiếu đồng bộ, thủ tục hành chính còn nhiều quan liêu, chi phí thuế cao, còn tồn tại tham nhũng tại các dự án đầu tư có liên quan đến ODA và tác động của các chính sách tăng lương, cải cách pháp luật… vẫn là những điểm nghẽn cản trở quá trình đầu tư.
Theo báo cáo có tới 60% các DN nước này đang đầu tư tại Việt Nam cho rằng chi phí lao động tăng nhanh, thủ tục hành chính phức tạp, chính sách thiếu minh bạch… đang ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của họ tại Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân nữa đang ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các DN Nhật Bản tại Việt Nam là ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, khiến cho tỷ lệ nội địa hoá tại Việt Nam thấp hơn so với các nước khác trong khu vực.
Tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu, linh kiện chiếm 70% trong tổng chi phí sản xuất. Theo kết quả điều tra của các DN Nhật Bản, tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam mới đạt 32%, thấp hơn rất nhiều mức 64% tại Trung Quốc, 56% tại Thái Lan, 41% tại Indonesia…
Trong khi đó, các nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam khi được hỏi về vấn đề minh bạch và tham nhũng, có tới 69% trả lời rằng tham nhũng là một trong những vấn đề lớn nhất tại Việt Nam. Tính minh bạch của khuôn khổ pháp lý chưa cao tạo điều kiện cho tham nhũng và việc thực thi pháp luật không nhất quán ở các địa phương.
Cùng với đó, sự thiếu hụt lao động có tay nghề cao đã làm cho các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc gia tăng chuỗi giá trị, ngay cả khi họ phải tăng thêm chi phí cho lao động.
“Việt Nam hiện nay có lợi thế về chi phí lao động so với Trung Quốc, nhưng không dễ tuyển dụng được nguồn lao động có tay nghề sẵn có đáp ứng được các ngành sử dụng công nghệ cao, mà phải mất thêm chi phí để đào tạo”, các nhà đầu tư Mỹ cho biết.
Ngoài ra, trong 5 năm qua, những chi phí như lao động, thuê văn phòng, nhà ở đã gia tăng. Nhưng chính sách hỗ trợ cho DN vẫn chưa đáng kể, chưa làm hài lòng nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT ------------------------------- Cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài đang diễn ra ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đòi hỏi chúng ta phải cải thiện môi trường đầu tư một cách mạnh mẽ hơn để tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các đối tác lớn có xu hướng giảm nên dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới khó có khả năng tăng cao được. Ông Đỗ Hoà, Chuyên gia tư vấn đầu tư Ts. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia Kinh tế So với các quốc gia khu vực, Việt Nam vẫn có một số lợi thế trong cạnh tranh thu hút FDI như môi trường xã hội, an ninh, lực lượng lao động có tay nghề với chi phí khá thấp, hạ tầng đang được đầu tư khá tốt như năng lượng, cảng, đường giao thông; có thị trường tiêu thụ lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang hội nhập sâu rộng và là thành viên của nhiều hiệp định thương mại song phương lẫn đa phương. |
Lê Thuý