Kết quả khảo sát của CIEM về thu hút vốn FDI từ các đối tác CPTPP vào Việt Nam |
Theo đánh giá của các chuyên gia, CPTTP tạo điều kiện để Việt Nam thu hút vốn đầu tư từ các nước thành viên khác, nhất là các nước mà Việt Nam chưa có FTA như Canada, Mexico vì Hiệp định sẽ thúc đẩy hợp tác thương mại, mà thương mại lại gắn liền với đầu tư.
Cùng với đó, CPTPP tạo cơ hội để Việt Nam gia tăng thu hút đầu tư từ các đối tác khác như Anh, Mỹ, Pháp, Đức - những nước có tiềm năng lớn về công nghệ cao, công nghệ nguồn, góp phần làm cho Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn đầu tư quốc tế. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm thị trường đầu tư tại các nước thành viên khác.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, sau 1 năm thực hiện CPTPP, thu hút FDI tăng nhanh về giá trị, mức độ giải ngân có cải thiện. Trong đó, tập trung vào một số đối tác và nhóm ngành chủ lực, gắn với lộ trình cắt giảm thuế quan và mở cửa các lĩnh vực đầu tư hấp dẫn theo các cam kết ngày càng thông thoáng trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.
Ngoài ra, có sự chuyển hướng vào một số lĩnh vực công nghệ cao, nhưng chủ yếu tập trung nhiều ở những phân khúc thấp trong chuỗi giá trị. Cùng với đó, việc thu hút FDI vào một số ngành ưu tiên còn hạn chế như ngành nông nghiệp, công nghệ cao…
"Điều này cho thấy, FDI từ các đối tác CPTPP chưa cao và còn nhiều tiềm năng khai thác", ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM đánh giá.
Tại báo cáo về kết quả triển khai Hiệp định CPTPP của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2019 vừa được Bộ Công Thương công bố cho biết tính chung tổng vốn đầu tư từ các nước trong khối CPTPP giảm.
Cụ thể, năm 2019, Việt Nam thu hút được gần 5,9 tỷ USD vốn đầu tư từ các nước CPTPP, giảm tới 38,8% so với năm 2018. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới chỉ đạt 4,1 tỷ USD, giảm tới 52%, vốn đăng ký tăng thêm cũng giảm tới 69%, chỉ đạt hơn 1 tỷ USD.
Nhật Bản là nước có mức độ sụt giảm vốn đầu tư mạnh nhất, từ gần 9 tỷ USD năm 2018 xuống còn hơn 4 tỷ USD năm 2019, tức là giảm khoảng 53%.
Australia và Malaysia cũng là những nước đầu tư vào Việt Nam năm 2019 giảm mạnh so với năm 2018, với mức sụt giảm lên tới 62% và 51%.
Tuy nhiên, một số nước chưa có quan hệ FTA với Việt Nam như Canada và Mexico lại ghi nhận mức tăng trưởng rất mạnh: vốn đăng ký từ Canada đạt hơn 178 triệu USD, tăng hơn 95% so với năm 2018; vốn từ Mexico đạt 120.000 USD, tăng trưởng gần 1.100%, nhưng lượng vốn tăng thêm này là rất nhỏ.
Hoàng Hà