Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Đức là một trong những dân tộc đi du lịch nhiều nhất trên thế giới, chi tiêu cao nhất cho du lịch. Tại Việt Nam, Đức cũng được xem là một trong những thị trường quan trọng trong việc thu hút du khách.
Điểm đến thú vị, nhiều bí ẩn
Đặc điểm thị hiếu của khách du lịch Đức là thích du lịch tại bờ biển và tắm nắng, đi nghỉ ở nông thôn để thư giãn, thưởng thức thú vui ẩm thực, tận hưởng lòng mến khách của người dân địa phương, tìm hiểu các giá trị văn hóa độc đáo của các vùng miền.
Do có khả năng chi trả cao, nên người Đức thường đi du lịch bằng máy bay và ở khách sạn, thường đặt trước dịch vụ qua các công ty và đại lý lữ hành. Nhìn chung, người Đức ở các nhóm tuổi khác nhau đều thích đi du lịch, điều này sẽ tác động đến các công ty lữ hành trong việc xây dựng sản phẩm phù hợp với thị hiếu riêng của du khách.
Để thu hút nhiều hơn khách du lịch Đức thời gian tới, du lịch Việt Nam cần tiến hành xây dựng sản phẩm phù hợp với thị hiếu và lập kế hoạch xúc tiến riêng vào thị trường trọng điểm này.
Là doanh nghiệp (DN) chuyên khai thác thị trường khách Đức, ông Vũ Minh Anh - Giám đốc Công ty TarraVerde Travel, cho biết: "Việt Nam là một điểm đến thú vị, nhiều bí ẩn về văn hóa và sức hấp dẫn còn tiềm tàng với du khách châu Âu nói chung và Đức nói riêng. Vì thế, việc hiểu và nắm bắt các đặc tính, nhu cầu của du khách Đức sẽ giúp cho các công ty lữ hành đưa ra những sản phẩm phù hợp và hấp dẫn. Ngoài ra, du lịch Việt Nam cần phải có sự quảng bá tích cực hơn, phát triển du lịch nhưng không tàn phá môi trường, không làm ảnh hưởng hoặc mất đi các bản sắc và giá trị văn hóa độc đáo của địa phương. Cần phải chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên giỏi tiếng Đức, hiểu văn hóa của người Đức để có thể phục vụ du khách tốt nhất. Bên cạnh đó, các ngành quản lý chức năng nên khuyến khích các DN mở văn phòng đại diện tại Đức để thông tin và xúc tiến du lịch Việt Nam trực tiếp tại đây".
Đối với Việt Nam, Đức là một trong những thị trường du lịch trọng điểm. Số lượng khách Đức vào Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh. Hàng năm, Việt Nam thu hút khoảng 96.000 lượt khách Đức, và con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng nhanh. Hầu hết hãng lữ hành lớn của Đức, như: Thomas Cook, TUI, One World, Wikinger… đều có mặt tại thị trường Việt Nam, và lượng khách ngày càng gia tăng. Các sản phẩm tour dài ngày thường tập trung vào hoạt động khám phá, nghỉ dưỡng, tìm hiểu đời sống văn hóa… ở 3 miền đất nước và cuối tour là những ngày nghỉ dưỡng dài ở vùng biển. Đặc biệt, vùng biển Mũi Né - Phan Thiết là một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách Đức.
Sản phẩm chưa hấp dẫn
Rất nhiều du khách cũng như các nhà tổ chức lữ hành quốc tế khi đến Việt Nam đều phải thán phục trước những thắng cảnh đẹp. Nhưng cũng chỉ có 15% trong số đó quay lại lần thứ hai. Có nhiều nguyên nhân đưa đến việc du khách quốc tế không muốn quay trở lại Việt Nam. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, thiếu hấp dẫn.
Phó Tổng giám đốc một công ty lớn nói thẳng: "Chúng ta chỉ mới khai thác những gì trời phú cho Việt Nam. Vịnh Hạ Long, Sapa hay Đà Lạt... là những địa danh không đâu sánh được, nhưng thử hỏi chúng ta đã làm gì cho những nơi đó đẹp hơn, hấp dẫn hơn. Từ trước đến giờ có quá ít công trình do đầu tư cho mục đích du lịch. Tôi không dám nói đến những công trình cỡ như Disneyland, nhưng ít ra cũng phải gần như vậy. Khách du lịch rất đa dạng, đâu phải ai cũng thích đi xem cảnh đẹp, di tích lịch sử hay tắm biển. Phải đa dạng hóa sản phẩm, càng phong phú mới mong có nhiều khách đến".
Dưới góc nhìn của một người châu Âu làm việc ở Việt Nam nhiều năm, Giám đốc khu vực Air France tại Việt Nam - ông Maurice Berja, đánh giá: "Có thể nói hạ tầng du lịch của các bạn đã được cải thiện nhiều, nhưng cần phải làm nhanh hơn nữa vì phải cạnh tranh với các nước xung quanh. Khách châu Âu quay trở lại Việt Nam cũng ngày một nhiều hơn, nhưng tỷ lệ 15% là quá thấp. Thấp so với tiềm năng của Việt Nam và so với Thái Lan, Indonesia...".
Theo Gs. Lê Huy Bá - Đại học Quốc gia Tp.HCM, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái - loại hình rất được khách nước ngoài ưa chuộng, nhưng hiện phát triển chưa đúng nghĩa bởi: "Việc xây dựng cơ sở vật chất như đường sá, nhà nghỉ... chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn, quản lý yếu kém, thiếu vốn đầu tư cho việc quy hoạch các dự án du lịch và công tác xây dựng hệ sinh thái rừng, thiếu sự tư vấn của ngành để kêu gọi đầu tư phát triển phục vụ cho việc bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái rừng cũng như hoạt động du lịch sinh thái".
Việt Nguyễn