Trong quý I/2021, chỉ số môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đạt 73,9 điểm phần trăm - một con số cao nhất được ghi nhận kể từ quý III/2019, trước khi đại dịch COVID-19 tấn công hệ thống thương mại toàn cầu. Điều này cho thấy sự lạc quan của các doanh nghiệp châu Âu về tiềm năng kinh doanh tại Việt Nam.
Doanh nghiệp ngoại kỳ vọng lớn
Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ đầu năm 2021, và kết quả này cũng được phản ánh qua niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu. Khi được hỏi về triển vọng của môi trường kinh doanh của Việt Nam trong quý tới, 67% doanh nghiệp châu Âu dự đoán là "xuất sắc" hoặc "tốt" - tăng 12% so với quý trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2020 đạt 12,25 tỷ USD. |
Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, cho biết doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh của công ty họ. Hơn 2/3 (68%) doanh nghiệp dự đoán rằng, đơn đặt hàng và doanh thu của họ sẽ "duy trì hoặc tăng" trong ba tháng tới, tăng 25% so với quý IV/2020.
“Kết quả Chỉ số Môi trường Kinh doanh một lần nữa khẳng định, Việt Nam đang tiếp tục mở cửa nền kinh tế. Trong khi các quốc gia còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của COVID-19, Việt Nam có thể đảm bảo rằng, các công ty ở đây có thể tiếp tục hoạt động bình thường mà không có nhiều gián đoạn. Điều này đang giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiếp thêm niềm tin cho lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu", ông Alain Cany đánh giá.
Theo ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam, thực tế ngày càng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu dự đoán số lượng nhân viên và kế hoạch đầu tư của họ sẽ tăng – đây là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào triển vọng dài hạn của Việt Nam. Nó cho thấy rằng, các công ty đang đầu tư vào lực lượng lao động và công việc kinh doanh của họ để đón đầu một năm 2021 tăng trưởng mạnh mẽ.
Còn với các doanh nghiệp Nhật, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, chia sẻ việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh COVID-19 là câu hỏi khó và kết quả đều cho thấy dự báo là giảm sút. Dù là như vậy, Việt Nam vẫn là một trong những nước nằm trong tốp đầu khu vực ASEAN về thu hút FDI.
Trong số các nước mà JETRO tiến hành khảo sát, số lượng cụm từ thu nhỏ sản xuất, thoái lui, rút vốn không xuất hiện ở Việt Nam. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng đạt được mức tăng trưởng cao ở Việt Nam. Về chương trình hỗ trợ tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu, hơn một nửa doanh nghiệp Nhật chọn Việt Nam làm nơi thực hiện dự án đầu tư của mình.
Như vậy, rõ ràng niềm tin của nhà đầu tư về môi trường kinh doanh vẫn rất lớn ở Việt Nam, song những số liệu trên thực tế cũng phản ánh rằng vốn FDI rót vào Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ từ đại dịch COVID-19.
Khó cân đối phát triển giữa khu vực doanh nghiệp tư nhân và FDI
Số liệu từ Bộ KH&ĐT cho thấy, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,25 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng lo ngại, những ngày gần đây thông tin chuyên gia đến từ Trung Quốc, Ấn Độ nhiễm COVID-19, là một nguyên nhân dẫn tới dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở một số tỉnh thành có thể khiến hoạt động xúc tiến đầu tư, đầu tư bị gián đoạn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), nhìn nhận lâu nay chúng ta vẫn nói một chiều rằng Việt Nam có rất nhiều lợi thế để thu hút FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc, nhưng quý I/2021, đầu tư nước ngoài vào quốc gia này vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Đây là yếu tố mà Việt Nam cần phải lưu ý, từ đó xây dựng cho mình chính sách thu hút FDI một cách cạnh tranh, chủ động hơn.
Còn theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, việc cân đối phát triển giữa khu vực doanh nghiệp tư nhân và FDI là bài toán rất khó giải trong thời gian tới. Hiện nay, chúng ta đang "bắt tay" với hàng trăm "ông lớn" ngoại nhưng cũng muốn dành dư địa cho doanh nghiệp nội địa. Vậy xử lý bài toán này thế nào?.
"Chúng ta nói cần phát triển doanh nghiệp tư nhân, nhưng rõ ràng cũng cần thu hút các "đại gia" FDI đến Việt Nam. Thế thì câu chuyện ở đây là phải truyền thông thế nào, chính sách hỗ trợ ra sao để tận dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển kinh tế... Vấn đề xây dựng thể chế rất quan trọng ở đây", ông Thành chia sẻ.
Trong khi đó, ở góc độ nhà đầu tư, điều họ mong muốn nhất vẫn là được tạo điều kiện thuận lợi để kinh doanh. Ông Dennis Ng Teck Yow, Tổng Giám đốc Gamuda Land Việt Nam, nêu ra những khó khăn chính trong thu hút FDI là vấn đề quản lý, thủ tục hành chính – dù đã có cải thiện nhưng chưa được nhanh như mong muốn.
Đặc biệt, ông Võ Sơn Điền, Giám đốc đầu tư nước ngoài Becamex IDC, cho rằng người nước ngoài đến Việt Nam, ban ngày họ là chuyên gia, chủ doanh nghiệp, nhưng ban đêm họ cũng là người bình thường. Do vậy, chúng ta phải đáp ứng được các điều kiện sống cho họ như chỗ ở, khu mua sắm, trường học cho con của họ.
Cụ thể, theo ông Điền, đó là phải xây dựng được hệ sinh thái thu hút FDI. Hiện nay, đa số doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp vì áp lực tài chính nên chủ yếu đầu tư hạ tầng cứng, còn hạ tầng xã hội thì không có. Khu công nghiệp không có quỹ đất làm chợ, bến xe, trường học, bệnh viện... Do vậy, khái niệm hạ tầng mềm và hạ tầng xã hội vẫn là câu hỏi hóc búa cần phải giải quyết để thu hút FDI trong thời gian tới.
Nhật Linh