Trước những biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự kiến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới trong năm 2012 chỉ đạt khoảng 15 tỷ USD, tức là chỉ tương đương năm 2010 (14,7 tỷ USD).
Ông Nguyễn Nội, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài, cho rằng kinh tế thế giới sẽ còn tiếp tục khó khăn và bất ổn, cùng với những rào cản trong nước sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
“Rào cản” nhân công, cơ sở hạ tầng
Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, những “nút thắt” lớn đang đặt ra cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài chỉ ra rằng Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn, trước hết là sự phát triển của cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển nền kinh tế và chưa tạo điều kiện tốt nhất đủ sức hấp dẫn vốn đầu tư mới và đảm bảo cho doanh nghiệp (DN) FDI hoạt động.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực - trước đây vốn được xem là điểm mạnh của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, hiện lại là một rào cản, khi tỷ lệ chưa qua đào tạo lớn, chi phí lao động ngày càng gia tăng. Một nghiên cứu mới đây được Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), có đến 32% nhà đầu tư nước ngoài cho rằng lực lượng công nhân kỹ thuật cao của Việt Nam chưa đáp ứng đủ yêu cầu đang là rào cản lớn nhất, dẫn đến việc chưa khai thác hết công suất hoạt động.
Ngoài ra, các rào cản về thể chế cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ để Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI. Ông Nguyễn Nội cho rằng các nhà đầu tư vẫn đang quan ngại về thời gian để giải quyết cũng như số lượng của các thủ tục hành chính quá nhiều khi tiến hành sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Thực tế, một khảo sát về kế hoạch đầu tư được Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đưa ra vào cuối năm 2010 cho thấy chỉ có 38% DN muốn duy trì mức đầu tư, 36% DN muốn tăng mức đầu tư - sự sụt giảm đáng kể so với tỷ lệ 52% của quý trước đó, chỉ số niềm tin kinh doanh giảm từ 78 xuống còn 52 điểm. Bên cạnh đó, Nhật Bản - một nhà đầu tư lớn của Việt Nam, mới đây cũng cho biết tình hình đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đang gặp những rào cản lớn về nhân sự, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là sự phát triển yếu kém của ngành công nghiệp phụ trợ đang là rào cản lớn cho nhà đầu tư.
Bất ổn vĩ mô
Tuy nhiên, với cái nhìn bao quát hơn, Ts. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng việc Việt Nam đang dần trở nên kém hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài cũng bởi những bất ổn nội tại của nền kinh tế.
“Trong con mắt nhà đầu tư, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn ở mức thấp do những bất ổn của kinh tế vĩ mô, những rủi ro trong hệ thống tài chính ngân hàng, lạm phát cao và nền tảng kinh tế vĩ mô còn yếu, thể hiện ở sự đình đốn của nhiều ngành sản xuất kinh doanh chính”, ông Thành phân tích.
Theo các nhà đầu tư Nhật Bản, vấn đề tỷ giá thiếu ổn định và việc thanh toán bằng đồng bản tệ trong bối cảnh VND đang mất giá cũng là một trong những mối lo ngại khiến nhà đầu tư dè dặt hơn trong việc mở rộng đầu tư.
Còn EuroCham đánh giá đang có một khoảng cách khá xa về độ linh hoạt trong điều hành kinh tế vĩ mô và thiết lập môi trường kinh doanh để tạo ra tiếng nói đồng thuận giữa DN và nhà quản lý. Do vậy, những kiến nghị được đưa ra đều liên quan đến chất lượng về điều hành của Chính phủ trong năm 2012.
Chuyến hướng: chất
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2012, Việt Nam sẽ chú trọng thu hút nguồn vốn FDI dựa trên việc nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về FDI. Do đó, việc cấp phép dự án FDI sẽ “chặt” hơn, nhằm hạn chế dự án kém hiệu quả và nhà đầu tư thiếu năng lực.
Bên cạnh đó, việc cấp phép cũng không chạy theo số lượng, mà thu hút có chọn lọc, định hướng, tập trung vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao cùng việc đẩy mạnh giải ngân vốn.
Mặc dù đang còn nhiều rào cản lớn, nhưng theo nghiên cứu điều tra của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc về triển vọng đầu tư thế giới, Việt Nam đang là một trong 10 nền kinh tế hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư nước ngoài và là nước hấp dẫn hàng đầu trong ASEAN. Đặc biệt, với các nhà đầu tư Nhật Bản thì Việt Nam đang là một trong những điểm đến đầy triển vọng nhất cả về đầu tư sản xuất và tiêu thụ.
Ts. Võ Trí Thành cho rằng mặc dù bất ổn kinh tế và còn có những rào cản nhất định, nhưng các nhà đầu tư, đặc biệt là những đối tác chiến lược vẫn rất “yêu” Việt Nam, bởi họ có tầm nhìn chiến lược mang tính dài hạn về tiềm năng đầu tư.
“Đây là nguồn vốn rất là căn bản và nền tảng, nếu chúng ta biết điều hành tốt thì việc thu hút vốn FDI sẽ còn tăng cao hơn nữa trong những năm tới, trở thành điểm sáng hy vọng cho nền kinh tế”, Ts. Thành khẳng định.
Cẩm An