Những ngày gần đây, nhiều mặt hàng nông sản vẫn đang rơi vào tình cảnh rớt giá thảm hại như xoài, mận, dưa hấu, khoai lang... khiến người nông dân rất lo lắng nhưng lực bất tòng tâm.
Xoài, mận chín rụng đầy gốc
Ông Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Lý Nhân, thôn Chùa (Minh Đức, Việt Yên, Bắc Giang), cho biết HTX còn khoảng 50-70 tấn dưa hấu, dưa lê cần tiêu thụ. Tuy nhiên, việc vận chuyển tiêu thụ rất căng thẳng.
Dưa hấu tại Bắc Giang đang chờ được tiêu thụ. |
Ông Quyết kể, có mấy khách đặt hàng, nhưng vấn đề HTX gặp phải là không có xe nào ngoài địa phương dám vào vận chuyển. Trước đây, HTX vẫn gom hàng cho các đơn vị đến lấy hoặc xe hỗ trợ 0 đồng của tỉnh vẫn vào vận chuyển. Tuy nhiên, từ ngày xã Minh Đức thực hiện cách ly xã hội thì không tìm kiếm được xe nào để vận chuyển hàng ra khỏi địa phương.
"Xe hỗ trợ 0 đồng của tỉnh bảo không thể vào được, nên HTX cần thuê xe để vận chuyển hàng ra đầu xã rồi trung chuyển. HTX vốn chuyên sản xuất nên cũng không có xe, mà thuê không được, chưa kể nhân công bốc xếp hàng hóa lên xe, xuống xe cũng rất khó kiếm người. Trong khi đó, thời tiết nóng bức thế này, nếu không thu hoạch nhanh thì dưa sẽ hỏng", ông Quyết chia sẻ.
Theo Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Lý Nhân, nếu không tìm được phương tiện vận chuyển thì không biết xử lý ra sao với số dưa còn tồn đọng. Hiện nay, dưa hấu bán tại ruộng là 5.000 đồng/kg. Theo đó, đại diện HTX mong muốn địa phương, cơ quan chức năng hỗ trợ để đẩy mạnh vận chuyển nông sản ra bên ngoài. "Như thế thì bà con nông dân còn có chút vốn phục vụ sản xuất trong vụ tới, chứ cứ thế này thì nông dân rất khốn khổ", ông Quyết trải lòng.
Ở Bắc Ninh là vậy, song ở những địa phương dù chưa chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng đầu ra cho nông sản vẫn rất khó khăn. Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX Ngọc Hoàng (xã Nà Bó, Mai Sơn, Sơn La), chia sẻ trái cây không bán được. Với xoài, thương lái mua chọn quả từ 7-8 lạng thì giá 5.000 đồng/kg, còn mua xô là 2.500 - 3.000 đồng/kg; mận bán 500 - 1.000 đồng/kg. Giá đã rẻ nhưng còn không có người mua.
"Mận hậu hàng tấn đổ đi, rụng đầy gốc. Năm kia, mận xuất khẩu được sang Campuchia, đưa vào Nam tiêu thụ nên giá 10.000-15.000 đồng/kg, năm ngoái xuống 5.000 - 6.000 đồng/kg, còn năm nay thì không ai đến mua", ông Vinh kể.
Đại diện HTX Ngọc Hoàng cho biết, chưa tính toán được thiệt hại cho vụ này. Nhưng xoài mới bắt đầu vụ nên rất mong cơ quan chức năng hỗ trợ tìm đầu ra để cứu vớt phần nào, "chứ không thì đau xót lắm!". Được biết, HTX Ngọc Hoàng có 120ha xoài, 200ha thanh long, 200ha mận.
Cần một quy trình thống nhất giữa các địa phương liên quan đến vận chuyển tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19. |
"Cởi nút thắt" cho khâu vận chuyển
Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình cũng cho biết: Hiện, toàn bộ sản phẩm nông sản cây ăn quả có múi sau thu hoạch đã được tiêu thụ hết, giá giảm một chút so với cùng kỳ năm trước. Đối với bí xanh, giá giảm khoảng 15 - 20%, Sở đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tiêu thụ.
Theo đó, Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành liên quan có hướng dẫn, quy định thống nhất trong toàn quốc từ các ngành: Y tế, Nông nghiệp, Công Thương, GTVT về cơ chế liên quan đến vận chuyển tiêu thụ sản phẩm giữa các vùng có dịch, vùng nguy cơ cao để việc lưu thông hàng hóa không bị ảnh hưởng, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động kết nối cung cầu...
Liên quan tới vận chuyển nông sản, UBND tỉnh Bắc Giang cũng vừa có văn bản gửi Chính phủ về việc đề nghị các tỉnh ưu tiên lưu thông với các phương tiện vận chuyển vải thiều có giấy xác nhận an toàn COVID-19, từ Bắc Giang tới các địa phương khác.
Giấy xác nhận an toàn COVID-19, theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, là cam kết đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch với tất cả hàng hóa, phương tiện, lái xe vận chuyển vải thiều từ tỉnh (mỗi chuyến hàng đều có bộ hồ sơ chứng minh an toàn COVID-19 kèm theo).
Ngoài ra, Bắc Giang cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các hãng hàng không trong nước hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh phân phối vải thiều từ Bắc Giang vào các tỉnh phía Nam với mức giá ưu đãi trong thời gian thu hoạch chính vụ mặt hàng này (10/6 - 20/7).
Trước phản ánh của các địa phương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổng hợp các kiến nghị, từ đó xây dựng quy trình vận chuyển và tiêu thụ nông sản từ vùng có dịch đến các địa phương trên cả nước. Sau đó, Bộ NN&PTNT sẽ bàn bạc, thống nhất với Bộ Công Thương để hướng dẫn về quy trình này tới các địa phương.
"Trên cơ sở các kiến nghị từ địa phương, Bộ NN&PTNT sẽ trao đổi ngay với Bộ Công Thương về vấn đề này", ông Nam cho hay.
Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã có công văn gửi một loạt Bộ gồm: NN&PTNT, TT&TT, GTVT, Ngoại giao, Tài chính, Y tế và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hỗ trợ hoạt động xuất khẩu hàng hoá.
Trong đó, Bộ Công Thương đề nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như: giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi… Với Bộ Y tế, đề nghị có cơ chế ưu tiên tiêm vắc xin sớm cho đối tượng lái xe vận chuyển, giao nhận hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới…
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Thy Lê