Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết đã nhận được đơn hàng cho quý I/2024. Đơn cử, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công, cho hay doanh nghiệp đã đủ đơn hàng cho quý I/2024. Tuy nhiên tình hình có thể cải thiện vào quý II/2024, sớm là tháng 4 và muộn là tháng 6, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Đơn hàng phục hồi chưa chắc chắn
Tuy vậy, để nói rằng thời kỳ khó khăn nhất đã đi qua thì chưa thể khẳng định bởi vẫn có những tác động bất định tới hoạt động xuất khẩu. Ông Tùng cho hay, với ngành dệt may là những yêu cầu về xanh hóa, đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng.
Xuất khẩu lại xuất hiện thêm các rủi ro mới. |
Cùng với đó, xuất khẩu hàng hóa đã tăng trưởng dương trong những tháng cuối năm 2023, tuy nhiên chưa hẳn là tín hiệu phục hồi bởi mức nền những tháng cuối năm 2022 rất thấp. “Mùa cao điểm đã như vậy, mùa thấp điểm có lẽ phải thở oxy”, ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO tại WiGroup chia sẻ. Do vậy, ông cho rằng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ chưa thể phục hồi tốt trong năm 2024.
Theo ông Báu, “ai là người mua hàng, người đó sẽ quyết định lực cầu”. Theo đó, tiêu dùng của một số thị trường trọng điểm trong năm 2024 có thể vẫn còn yếu. Đơn cử, châu Âu – thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam nhưng vẫn nằm trong khủng hoảng và chưa tìm ra lối thoát rõ ràng.
Trong khi đó, ông Trần Lê Minh, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc cao cấp phát triển kinh doanh VIS Rating, thông tin các nhãn hàng trước đây họ đặt đơn hàng cho 6 tháng thì giờ giảm xuống theo quý.
Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam lại đối mặt với thách thức mới bởi xung đột leo thang ở Biển Đỏ. Căng thẳng leo thang ở Biển Đỏ thời gian gần đây đã gây tắc nghẽn các tuyến vận tải qua kênh đào Suez, nơi xử lý khoảng 12% thương mại trên toàn thế giới.
Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex, chia sẻ ngay đầu năm 2024, nền kinh tế đã đón nhận tin không vui khi lực lượng Houthi tại Yemen tấn công các tàu chở hàng đi qua khu vực Biển Đỏ. Tuyến vận chuyển đi qua Biển Đỏ đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế thế giới bởi đây là tuyến thương mại lớn kết nối châu Á với châu Âu và Mỹ.
30% việc đi lại của các tàu container toàn cầu đi qua khu vực này và bất kỳ mối đe dọa đáng kể nào tới sự an toàn này đều có thể gây ra những hậu quả dây chuyền. Theo đó, 7 trong số 10 công ty vận chuyển lớn nhất thế giới, trong đó có BP và công ty Hapag-Lloyd của Đức đã dừng việc sử dụng Kênh đào Suez và Biển Đỏ do cuộc khủng hoảng trên.
Theo đại diện Vinatex, điều này sẽ làm giá cước vận tải tăng cao và thời gian giao hàng bị kéo dài gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc giao thương của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, thị trường quý I/2024 dự báo vẫn chưa tốt hơn so với quý IV/2023, khả năng từ quý II/2024 thị trường sẽ ấm dần lên.
Trong khi đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn thông tin từ một số doanh nghiệp cho biết, từ tháng 1/2024, một loạt hãng tàu thông báo tăng giá cước vận chuyển đi Mỹ, EU và các nước. Nguyên nhân là do căng thẳng tại Biển Đỏ ảnh hưởng đến an toàn và đường vận tải của nhiều hãng tàu, nên họ buộc phải thay đổi hành trình, dẫn đến thời gian vận chuyển dài hơn, chi phí tăng lên…
Lường trước rủi ro, kịp thời ứng phó
Bắt đầu từ tháng 1/2024, cước đi Mỹ/Canada và EU tăng rất nhiều so với tháng 12/2023. Cụ thể, Bờ Tây (LA) tăng 800 USD - 1.250 USD, tùy theo tuyến. Nếu như tháng 12/2023, giá cước ở mức 1.850 USD thì đã tăng lên 2.873-2.950 USD cho tháng 1/2024. Bờ Đông (NY) ghi nhận tăng nhiều hơn từ 1.400 USD đến 1.750 USD tùy theo tuyến. Cụ thể tháng 12/2023 giá ở mức 2.600 USD tăng lên 4.100-4.500 USD cho tháng 1/2024. Riêng cước tàu sang EU ghi nhận tăng mạnh so với tháng 12/2023. Cụ thể, cước đi Hamburg (Đức) có giá 1.200-1.300 USD trong tháng 12 tăng lên 4.350 USD-4.450 USD trong tháng 1/2024, tăng hơn gấp đôi….
“Đây có thể là một thách thức mới cho doanh nghiệp thủy sản trong năm 2024. Nếu căng thẳng tại vùng Biển Đỏ tiếp diễn hoặc leo thang, có thể dẫn đến hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp thủy sản”, VASEP đánh giá.
Báo cáo của Bộ Công Thương mới đây cũng chỉ ra, nhìn chung, áp lực bên ngoài đối với sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 đến từ cả 3 kênh: Kênh thương mại quốc tế khi nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm, dẫn đến tổng cầu khó phục hồi mạnh, từ đó tác động đến kết quả xuất khẩu; Kênh đầu tư quốc tế khi mặt bằng lãi suất thế giới nhìn chung còn neo ở mức cao, khó thu hút vốn cho đầu tư nói chung và trực tiếp tạo áp lực không nhỏ trong việc giữ vốn đã đầu tư ở lại Việt Nam cũng như thu hút thêm vốn đầu tư mới; Kênh tài chính tiền tệ với áp lực mất giá đồng nội tệ so với đồng USD, tuy thuận lợi phần nào cho xuất khẩu nhưng sẽ khiến chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao và làm tăng quy mô thanh toán của các khoản nợ nước ngoài.
Đáng lo ngại, xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét. Các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ (Near sourcing) và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất, (thay vì chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam). Các tập đoàn đa quốc gia đang tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất ở một số nước như: Ấn Độ, Mexico, Braxin… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này.
Theo Bộ Công Thương, là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của những biến động từ bên ngoài trong bối cảnh rủi ro, thách thức còn rất lớn đối với triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2024 như đã phân tích ở trên. Những thách thức đó đòi hỏi các doanh nghiệp không được lơ là, chủ quan, mà phải theo dõi chặt chẽ tình hình biến động sản xuất, cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để kịp thời có các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong năm 2024 cũng như giai đoạn 2021-2025.
Nhật Linh