Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, từ đầu năm đến nay, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long liên tục giảm, hiện đang tiếp tục giảm sâu hơn. Đây là thời điểm giá cá tra xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Nguyên nhân là do thị trường xuất khẩu (XK) gặp khó khăn, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và thị trường Mỹ giảm liên tục từ đầu năm đến nay, rào cản kỹ thuật ở một số nước gây khó cho việc XK cá tra. Đồng thời, nhiều địa phương đã tăng diện tích nuôi, làm tăng sản lượng cá tra nguyên liệu dẫn đến giá cá càng xuống thấp, nguồn nguyên liệu dư thừa.
Sau hoàng kim là rớt giá
Năm 2018, giá cá tra tăng rất mạnh, lên 28.500 – 36.000 đồng/ kg, giúp người nuôi lãi đậm. Vì vậy, diện tích nuôi cá tra trong năm 2018 ở 9 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đạt 3.819ha, sản lượng thu hoạch hơn 1,3 triệu tấn (không bao gồm Long An – nơi mở rộng diện tích nuôi khá nhiều trong năm). Trong đó, một số địa phương tăng diện tích nuôi mới so với năm 2017 như Trà Vinh (tăng 150ha), Cần Thơ (tăng 34ha), Sóc Trăng (tăng 51ha).
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết giá cá tra hiện giảm tới gần 40% so với thời điểm mức giá cao nhất vào năm 2018 là 35.000 – 36.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 19.000 – 20.000 đồng/kg.
Nhìn lại quá trình phát triển con cá tra thời gian qua có thể thấy những thăng trầm mà ngành này phải đối mặt, nhất là việc liên tục bị áp thuế chống phá giá, bôi nhọ hình ảnh.
Từ năm 2013, cá tra Việt Nam đã bị Mỹ đưa vào danh mục các sản phẩm bị áp thuế chống bán phá giá. Đến năm 2010, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên đưa vào danh sách đỏ bị hạn chế tiêu dùng đối với các nước châu Âu.
Năm 2014, Mỹ áp vào Đạo luật Nông trại (đưa vào đánh giá tương đương) và đến năm 2017, Đài truyền hình của Tây Ban Nha tuyên truyền bôi nhọ sản phẩm cá tra của Việt Nam.
Hiện nay, không chỉ Việt Nam sản xuất cá tra, mà một số quốc gia như Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam.
Đi sau Việt Nam nhưng Indonesia đã thể hiện sự nhanh nhạy về thị trường của mình, đó là khi thấy giá cá tra đang tăng và nhu cầu ổn định tại Trung Đông, nước này đã đưa ra một thương hiệu cá tra với mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với cá nuôi tại thị trường này.
Theo các chuyên gia, đây chính là sự cạnh tranh khốc liệt. Do vậy, Việt Nam cần phải có một thương hiệu để đảm bảo sự cạnh tranh cho con cá tra của mình.
Tới đây, cá tra Việt Nam phải cạnh tranh về chất lượng và an toàn thực phẩm so với các đối thủ, phải có khác biệt thì khách hàng mới mua. Đó là lý do cần thiết phải xây dựng thương hiệu.
Ông Dương Nghĩa Quốc nhấn mạnh con cá tra đã được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia, một trong những sản phẩm chủ lực của Việt Nam, XK đến khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, thời gian qua, con cá tra đã trải qua nhiều biến cố, lúc thăng lúc trầm. Hiện nay, cá tra Việt Nam không còn ở thời vàng son “một mình một chợ” như trước đây, vì vậy xây dựng thương hiệu cho con cá tra là vấn đề cấp thiết.
Giá cá tra xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua |
Xác định rõ trách nhiệm
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng cho biết việc xây dựng thương hiệu cá tra được khởi xướng từ thời Bộ Thủy sản còn hoạt động (giai đoạn 2004 – 2005). Suốt quá trình đó đến nay hơn 10 năm, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cho con cá tra của mình.
Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), thừa nhận cá tra Việt Nam đã được rất nhiều người biết đến. Tuy nhiên, hiện cá tra Việt Nam chưa tạo được sản phẩm cụ thể, hình ảnh đẹp để người tiêu dùng tin tưởng tuyệt đối và sẵn sàng tiếp nhận sản phẩm tốt.
Nguyên nhân là sản phẩm cá tra chưa tạo ra được giá trị khác biệt, phần lớn vẫn chỉ là sản phẩm đông lạnh (cá tra phi lê). Các sản phẩm thường bị ẩn danh dưới mác của các nhà nhập khẩu, tên tuổi con cá tra Việt Nam chưa đến được tận tay người tiêu dùng.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp (DN) chưa phát triển được hệ thống phân phối sản phẩm mà vẫn phải thông qua các kênh phân phối của nhà nhập khẩu. Đồng thời, rất nhiều DN chưa tập trung chiến lược đầu tư để xây dựng hình ảnh, thương hiệu, marketing cho sản phẩm của mình.
Đặc biệt, để xây dựng thương hiệu, ngoài các bước về tiêu chuẩn, về chất lượng, cần phải có giải pháp để bảo vệ và duy trì chất lượng ổn định, quảng bá giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng…
Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản Vĩnh Hoàn, hiện nay, nhận thức của người tiêu dùng trên thế giới chưa sâu về cá tra, trong khi truyền thông một số nước thường bôi nhọ hình ảnh cá tra, công nghệ chế biến còn chậm thay đổi, chi phí đầu vào còn cao.
Vì vậy, cần sớm có quỹ phát triển thị trường cho cá tra, trong đó một phần số tiền của quỹ dùng để xây dựng, quảng bá thương hiệu cho cá tra.
Bà Khanh cho rằng xây dựng thương hiệu cho cá tra là điều cần làm nhưng song song với đó, DN phải tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, lúc đó mới đem lại hiệu quả toàn diện.
Còn theo ông Dương Nghĩa Quốc, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc chưa có thương hiệu cho cá tra như việc xây dựng thương hiệu phải đi đôi với chất lượng an toàn thực phẩm, nhãn hiệu hàng hóa…
Song, nguyên nhân sâu xa nhất không thể không đề cập là sự chỉ đạo, quá trình thực hiện giữa các bộ ngành, địa phương chưa dứt khoát, chưa quyết liệt, quyết tâm xây dựng thương hiệu cho con cá tra Việt Nam.
“Ai cũng biết hàng hóa có thương hiệu phải khác không có thương hiệu, giá trị tăng lên gấp nhiều lần. Tại sao cá tra Việt Nam đã xuất sang tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu về hàng tỷ USD mà không xây dựng được thương hiệu? Vậy, trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương ở đâu; Nút thắt đang nằm ở đâu; Cần phải tháo gỡ những gì?”, ông Quốc đặt vấn đề.
Đồng thời, ông Quốc cho rằng trách nhiệm xây dựng thương hiệu đang bị đổ qua đổ lại, khó khăn tồn tại năm này qua năm khác.
Hiện nay, bộ ngành, địa phương vẫn nói đây là trách nhiệm chính của DN, trong khi DN lại nói là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Do vậy, cơ quan chức năng cần chủ trì, bàn bạc với DN lớn trong ngành để tìm cách xây dựng thương hiệu, phải làm sao cho con cá tra Việt Nam có được thương hiệu.
Lê Thúy
Ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản Xây dựng thương hiệu là một hoạt động thương mại, cần phải hoạt động theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường. Ở đây, cá tra là một sản phẩm hàng hóa cụ thể, vì vậy trách nhiệm chính là các DN xây dựng thương hiệu sản phẩm. Cùng với đó, Nhà nước tạo dựng cơ chế chính sách, khyến khích DN tổ chức sản xuất, tạo sân chơi lành mạnh, giúp DN phát triển đúng hướng. Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản Vĩnh Hoàn Nhiều nhà nhập khẩu nhắm vào điểm yếu của cộng đồng DN Việt là cạnh tranh với nhau về giá để đưa ra giá mua thấp nhất mà chất lượng luôn phải đảm bảo. Vì vậy, DN phải ngồi lại với nhau cũng là cách làm thương hiệu cho con cá tra Việt Nam. Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Giá cả, nhu cầu thị trường lúc lên lúc xuống nhưng nhiệm vụ xây dựng thương hiệu cá tra luôn phải đặt lên hàng đầu. Hiệp hội Cá tra kiến nghị Bộ NN&PTNT đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho con cá tra, nếu không làm được điều này, việc chúng ta tham gia nhiều FTA cũng trở thành vô nghĩa. Tham gia FTA mà chưa có thương hiệu thì chắc chắn mình sẽ thua người ta. Mở cửa thị trường rất cần nhưng cần hơn cả là sản phẩm có thương hiệu, có lợi thế cạnh tranh. |