Đây là những khó khăn được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo Định hướng phát triển doanh nghiệp trong tình hình kinh tế mới, được tổ chức ngày 18/4. Đồng thời, năm 2015, ngoài việc chính thức thành lập Cộng đồng kinh tế Asean (AEC), Việt Nam có thể sẽ kí kết 6 FTA như TPP, Việt Nam - EU FTA, Việt Nam - Hàn Quốc FTA…
Kinh doanh bằng "quan hệ"
Khi nói về khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (DNVVN), Ts. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế, cho rằng điểm yếu lớn nhất của DNVVN của chúng ta hiện nay chính là dựa quá nhiều vào cái gọi là "quan hệ". Đó là chỉ mong có một "ông sếp", "quan lớn" nào đó đứng sau lo lót giải quyết, kí cho ưu đãi này, ưu đãi kia cho doanh nghiệp của mình.
"Các DN quên mất việc xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, nâng cao tay nghề lao động, đặc biệt là phải tập trung vào đổi mới khoa học công nghệ nhằm gia tăng sức cạnh tranh của DN mình với các DN trong nước, quốc tế khác", Ts. Lê Đăng Doanh nhận định.
Đồng thời khi hội nhập, DN Việt sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt ngay trên nhà. Bởi lợi thế cạnh tranh của Việt Nam chủ yếu là lao động giá rẻ, học nhanh, khéo tay nhưng kỹ năng thấp.
Cụ thể, đối với Cộng đồng kinh tế Asean (AEC), theo thống kê, trong giai đoạn 2005 - 2012, Asean chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng thô, ít giá trị gia tăng, trong khi đó lại nhập khẩu hàng hóa có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Vì vậy, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: "Vẫn biết rằng kinh doanh là cần "quan hệ" nhưng nếu chỉ dựa vào quan hệ, mà không đầu tư vào khoa học công nghệ, không có chiến lược cụ thể, làm một cách chuyên nghiệp thì DN Việt sẽ khó vượt qua được sức ép cạnh tranh trước nền kinh tế hội nhập, mà trước mắt là hội nhập Asean".
Đồng thời, theo thống kê năm 2014, Việt Nam có 60% DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 20% trung bình và 20% lớn. Nhưng trong đó, chỉ có 36% DN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
![]() |
Nếu không có sự đầu tư về khoa học kỹ thuật, vốn,... DN Việt Nam sẽ rất mong manh trước hội nhập kinh tế
"Đây là những con số hết sức khiêm tốn, cho thấy cộng đồng DN phải thay đổi tư duy, không chỉ đầu tư vào "quan hệ", ăn chênh lệch giá mà phải có chiến lược lâu dài", Ts. Lê Đăng Doanh khẳng định.
Tiếp đó, khi nhận định về những khó khăn mà DN Việt sẽ gặp phải, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế trung ương, nhận định đối với doanh nghiệp ngành hàng, lợi ích sẽ không tự đến. Ngay đối với những ngành hàng được xem có lợi thế khi hội nhập cũng có thể vấp phải không ít rào cản.
Như đối với TPP, dệt may phải đảm bảo nguyên tắc xuất xứ (một tỷ lệ đầu vào kể "từ sợi" phải là từ các nước thành viên TPP) để được áp thuế suất 0% của nước thành viên nhập khẩu. Hay như đối với hàng thủy sản, vốn thuế suất không còn là rào cản chính, song các biện pháp kiểm dịch SPS có thể lại trở nên ngặt nghèo hơn.
Như vậy, trước thực tế nhiều DN hiện nay chưa có tầm nhìn dài hạn trong chiến lược kinh doanh, các chuyên gia kinh tế thẳng thắn cho rằng đó là do trí tuệ của DN Việt Nam chưa đủ để nhìn sâu, nhìn rộng ra trước sân chơi hội nhập. Trong khi chỉ lập ra chiến lược kinh doanh với tầm nhìn ngắn hạn còn chiến lược dài hạn vẫn thiếu. Các Hiệp hội doanh nghiệp nhiều nhưng cũng chưa làm tròn chức năng của mình.
Cần khắt khe hơn với chính mình
Đặc biệt, tại Hội nghị trên, khi chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu hỏi trong số các DN tham dự ngày hôm nay đã có DN nào chuẩn bị kỹ để đối đầu với cánh cửa hội nhập hay chưa, kết quả cho thấy số lượng cánh tay trong hội trường dường như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa phần các DN vẫn có sự chuẩn bị gì cho hội nhập, nhất là các DNVVN.
Tiếp đó, theo điều tra của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, hiện có tới 80% DNVVN của Việt Nam còn thờ ơ, không biết những gì đang chờ đợi họ trước thềm cộng đồng kinh tế Asean.
"Việt Nam sẵn sàng mở toang cửa cho người nước ngoài, nhưng lại chưa có các quy chuẩn, rào cản bắt buộc. Còn các nước khác, dù thực tế họ có giảm thuế quan và mở cửa thị trường nhưng đó xem ra chỉ là bề ngoài, còn thực chất bên trong, họ dựng lên rất nhiều hàng rào như hàm lượng chất kháng sinh, nhiễm khuẩn, bao bì… yêu cầu các DN nếu muốn xuất khẩu hàng hóa vào thị trường của họ thì phải đảm bảo được điều này", bà Lan lo ngại. Do vậy, để đảm bảo được yêu cầu của họ, DN Việt cũng cần phải khắt khe hơn với chính mình.
Đối với thị trường Việt Nam, chuyên gia Phạm Chi Lan khẳng định chúng ta chưa kiểm soát tốt FDI. DN FDI được nhận rất nhiều ưu đãi, trong khi DN trong nước bị gây khó nhiều hơn. Con số DN đóng cửa là thật nhưng số thành lập mới vẫn chưa chắc chắn.
Do vậy mà các ngành dệt may, da giày có lợi thế cạnh tranh nhưng giá trị gia tăng thấp, chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp. Các ngành như ô tô, thép, cơ khí, mía đường, dịch vụ tài chính ngân hàng chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các đối thủ mạnh hơn.
Các chuyên gia cũng cho rằng muốn tăng sức cạnh tranh thì không còn cách nào khác là các DN Việt Nam cần phải liên kết thành các chuỗi như doanh nghiệp – nông dân – xuất nhập khẩu trong nước và ngoài nước – ngân hàng - viện nghiên cứu. Cần biết mình, biết người, nghiên cứu thị trường, đối tác cạnh tranh và hợp tác theo tư duy "win-win" (đôi bên cùng có lợi).
Bên cạnh đó, DN cần đầu tư vào nguồn lực, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về nhãn mác, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động để xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị. Ngoài ra, phải đầu tư vào công nghệ, tận dụng kênh thương mại điện tử như một kênh kinh doanh hiệu quả và hấp dẫn.
Bà Phạm Chi Lan Chuyên gia kinh tế Nhà nước cần có trách nhiệm truyền đạt lại thông tin trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại cho DN, phải có những thông tin sâu cho DN chứ đừng dừng ở mức độ tuyên truyền, để DN biết định hướng trong các hiệp định tự do thương mại, định hướng của Nhà nước. Đồng thời, DN cũng cần phải chủ động, không nên ngồi chờ vào Nhà nước, các hiệp hội, chuyên gia phân tích các vấn đề về pháp lí giúp DN, chứ đừng để DN tự làm, một là không làm được và hai là rất tốn kém. Chuyên gia Võ Trí Thành Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương. Ông Phạm Đình Đoàn Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái |
Lê Thúy