Theo Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam (SCAP), tổng giá trị thị trường thuốc thú y Việt Nam (bao gồm thuốc vắc xin, các loại hóa chất, chế phẩm sinh học….) sử dụng trong chăn nuôi vào khoảng 3.280 tỷ đồng trong đó thuốc thú y cho gia cầm khoảng 920 tỷ, cho lợn khoảng 2.140 tỷ và cho bò khoảng 220 tỷ.
![]() |
80% loại vắc xin được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có nguồn gốc nhập khẩu từ khoảng 17 quốc gia.
Nhập khẩu vắc xin tăng 10 lần
Thị trường thuốc thú y Việt Nam có khoảng 4.000 loại thuốc được phép lưu hành tại Việt Nam theo thông tư số 28/2013/TT-BNNPTNT trong đó có 57 loại thuốc đóng gói lại, chưa kể các loại thuốc nhập ngoại.
Nhập khẩu vắc xin dùng cho thú y của Việt Nam gia tăng một cách mạnh mẽ về cả lượng và giá trị. Trong giai đoạn từ năm 2002-2013, giá trị nhập khẩu vắc xin dùng cho thú y tăng từ hơn 6 triệu USD lên gần 60 triệu, tức gấp 10 lần.
Thị trường vắc xin cho chăn nuôi ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ đặc biệt sau dịch cúm gia cầm năm 2003-2004. Sau năm 2004, giá trị lượng vắc xin nhập của Việt Nam tăng hơn 3 lần, từ dưới 100 tấn lên hơn 300 tấn.
Vào những năm sau đó, liên tiếp các loại bệnh khác cũng xuất hiện nhiều hơn như bệnh lở mồm long móng bùng phát năm 2005 và bệnh tai xanh bùng phát năm 2010.
Theo Ts. Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc SCAP, hiện Việt Nam có khoảng 530 loại vắc xin sử dụng trong chăn nuôi. Đáng chú ý là 80% loại vắc xin được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có nguồn gốc nhập khẩu từ khoảng 17 quốc gia.
Đứng đầu các nước có các loại vắc xin được phép lưu hành tại Việt Nam là Hà Lan với hơn 80 loại vắc xin, sau đó là Mỹ, Pháp với số lượng vắc xin được cấp phép lần lượt là 77 và 69.
Việt Nam có hai DN phân phối và nhập khẩu vắc xin nhiều nhất nước là Xí nghiệp thuốc thú y Trung ương (VAVETCO) tại Hà Nội và công ty TNHH MTV thuốc thú y trung ương (NAVETCO) tại Tp. Hồ Chí minh với lần lượt số vắc xin sản xuất là 38 và 23 loại.
Trước năm 2011, số DN sản xuất thuốc thú y trong nước là 150 doanh nghiệp nhưng từ năm 2011, Bộ NN&PTNT áp dụng quy định, DN sản xuất không đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt GMP bị đóng cửa và rút giấy phép đến ngày 31/12/2011, số lượng DN giảm xuống, còn khoảng 50 DN.
Giá thuốc thú y theo đó cũng tăng lên, vì mỗi công ty phải đầu tư tới 20-30 tỷ đồng để đảm bảo đáp ứng đủ các yêu cầu của GMP. Thị trường thuốc thú y hiện nay chỉ còn là cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp có nguồn tài chính mạnh.
Hệ thống cung ứng thuốc thú y chủ yếu từ các doanh nghiệp lớn, đạt chuẩn GMP, tuy nhiên do những bất cập từ hệ thống dịch vụ thuốc thú y cùng với việc các đại lý chưa đạt chuẩn khiến thuốc đưa đến tay người chăn nuôi đạt hiệu quả không như mong muốn.
Bất cập hệ thống dịch vụ
Hệ thống dịch vụ thú y ở Việt Nam được chia làm hai loại: dịch vụ thú y công được cung cấp bởi các cơ quan nhà nước và dịch vụ thú y tư nhân được cung cấp bởi các đối tượng sản xuất - nhập khẩu - phân phối thuốc thú y.
Tuy nhiên, theo Ts. Giáp, hầu hết người chăn nuôi cho rằng việc được tiêm phòng và cung cấp thuốc tiêu độc khử trùng miễn phí rất khó, có khi phải có mối quan hệ quen biết. Chính vì vậy, khi có nhu cầu tiêm vắc xin hay mua hóa chất tiêu độc khử trùng thậm chí là chẩn đoán bệnh cho vật nuôi, người chăn nuôi thường tìm đến các đại lý thuốc thú y trên địa bàn để mua vắc xin, hay các loại hóa chất tiêu độc khử trùng hơn là liên hệ với cơ quan thú y.
Các đại lý cung cấp thuốc thú y tư nhân vừa là người bán thuốc cũng vừa là người tư vấn kỹ thuật và loại thuốc sử dụng cho người chăn nuôi. Trong khi hệ thống thú y công không phát huy được hiệu quả thì các công ty cung cấp thuốc thú y rất năng động trong việc tổ chức các cuộc hội thảo tập huấn kỹ thuật, cách phòng trị bệnh và giới thiệu sản phẩm cho người chăn nuôi.
Các công ty thuốc lớn, bên cạnh các chương trình marketing giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện truyền thông, panel… đã sử dụng triệt để chiến lược chiết khấu và ưu đãi cho các đại lý để có được nguồn đầu ra ổn định như chiết khấu, hoa hồng trên tổng doanh số hay các chương trình ưu đãi, du lịch… để xây dựng kênh phân phối ở các khu vực sản xuất chăn nuôi lớn.
Tuy nhiên, việc mất cân bằng về thông tin giữa người chăn nuôi và các đơn vị cung cấp thuốc thú y làm cho người nông dân có xu hướng dễ gặp rủi ro hơn do các công ty tập huấn để bán sản phẩm nên thông tin được cung cấp có thể thiên lệch.
Lợi thế của hệ thống đại lý thuốc thú y là số lượng lớn có mặt tại hầu hết các khu vực có hoạt động chăn nuôi. Tuy nhiên, các đại lý này hoạt động với mục đích chính là bán hàng và lợi nhuận chứ không phải là đảm bảo chất lượng sản phẩm khi có rủi ro như dịch bệnh xảy ra.
Bên cạnh đó, các DN sản xuất thuốc thú y đạt tiêu chuẩn GMP nhưng các đại lý bán thuốc lại không đạt tiêu chuẩn này.Thuốc được sản xuất ra từ các nhà máy thì rất tốt nhưng điều kiện bảo quản tại các đại lý bán lẻ không tốt nên thuốc không còn đạt chuẩn GMP nữa.
Do vậy để quản lý chất lượng thuốc thú y tốt hơn, không chỉ nhà sản xuất, phân phối mà cả hệ thống phân phối từ nhà máy đến người chăn nuôi qua các đại lý mà điểm bán hàng cũng phải có các điều kiện quy định tối thiểu để đảm bảo chất lượng thuốc được bảo quản tốt, giữ đúng chất lượng trước khi sử dụng.
Thu Hường
Bà Lâm Thúy Ái - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH SX-TM thuốc thú y – thủy sản Mebipha Người chăn nuôi hiện nay vô cùng khó khăn khi phải chi phí quá nhiều cho thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y khiến lợi nhuận giảm sâu. Các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lớn thường dùng nhiều phương thức để chào bán sản phẩm như tổ chức các chương trình hội thảo, quảng cáo sản phẩm, khuyến mãi, đặc biệt là chiết khấu hoa hồng rất “đậm” cho các đại lý. Trên thực tế, có những đại lý thuốc thú y đang “ăn dày” với mức chiết khấu hoa hồng của doanh nghiệp dành cho đại lý tới 30%. Khoản hoa hồng này không ai khác chính người nông dân phải oằn lưng gánh chịu. Ông Nguyễn Hữu Vũ - Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Công ty Hanvet Trong lĩnh vực thú y, DN nội khó khăn đủ đường. Để đạt chuẩn GMP WHO, đa số các DN phải tự bỏ vốn đầu tư, mỗi nhà máy đạt chuẩn phải bỏ từ 50 – 100 tỉ đồng, khấu hao trong thời gian 15 năm. Trong đó, đa số DN trong nước phải đi vay. Vốn ít, DN phải co kéo để đầu tư, do đó không có tiền để làm tiếp thị, xây dựng thương hiệu. Trong khi đó, sản phẩm của DN nước ngoài lợi thế hơn rất nhiều, họ chỉ làm thương mại nên sẵn sàng bỏ ra số tiền rất lớn để quảng bá sản phẩm, cộng thêm tâm lý chuộng hàng ngoại của người chăn nuôi nên đã tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng nhập khẩu. Phan Quốc Ân - HTX chăn nuôi Quý Hiền (Lào Cai) Sản xuất vắc xin không phải là chuyện đơn giản. Thế giới hiện nay cũng chỉ có mấy hãng lừng danh, với năng lực tài chính hàng tỷ USD mới sản xuất được. Ngay như Trung Quốc, chỉ có một số trung tâm nghiên cứu lớn mới làm được vắc xin. Ở Việt Nam, đến nay có khoảng 4 đơn vị sản xuất được vắc xin. Nhưng nếu gom tất cả doanh thu từ việc sản xuất vắc xin của cả 4 đơn vị này cũng chỉ chiếm chưa tới 5% thị phần vắc xin trên thị trường, còn lại 95% thị phần thuộc về nhà nhập khẩu. Với trình độ hiện nay,Việt Nam chỉ có thể sản xuất được các loại vắc xin vô hoạt (vắc xin chết) và có thể thay thế được hàng nhập khẩu. Đối với vắc xin nhược độc (vắc xin sống) thì “chắc còn lâu” VN mới có thể sản xuất được. |