Ông Pierre Jean Malgouyres, Chủ tịch Mạng lưới DN châu Âu tại Việt Nam (EVBN), cho biết các DN EU đang rất quan tâm tới thị trường thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) sắp có hiệu lực.
Theo ông Pierre Jean Malgouyres, riêng mặt hàng sữa, EU đã xuất khẩu 2% sang Việt Nam. Hiện nay, tầng lớp trung lưu Việt Nam đang tăng lên, mức thu nhập được cải thiện nên cơ hội mở ra rất lớn cho các DN EU trong lĩnh vực này. Do đó, DN EU rất quan tâm tới thị trường thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam.
Thị trường “màu mỡ”
Tại hội thảo Thông tin thị trường thực phẩm và đồ uống Việt Nam diễn ra ở Tp.HCM ngày 28/2, các DN EU bày tỏ Việt Nam là thị trường tiềm năng đối với xuất khẩu mặt hàng thực phẩm và đồ uống.
Tuy nhiên, các DN EU hy vọng sẽ được tạo điều kiện hơn nữa để gia nhập thị trường, vì thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm thực phẩm và đồ uống vẫn còn cao mặc dù đang được áp dụng thuế ưu đãi, dao động trong khoảng 20 – 40%.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Kantar Worldpanel Việt Nam, cho biết việc EVFTA chuẩn bị có hiệu lực, theo cam kết của Việt Nam khi tham gia đối với thuế xuất nhập khẩu, nhóm thực phẩm và đồ uống cũng nằm trong danh mục biểu thuế ưu đãi không đánh thuế hai lần, sẽ mở ra cơ hội hợp tác giữa DN Việt Nam và EU trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống.
![]() |
Các DN FDI có xu hướng tăng đầu tư vào phân khúc bia cao cấp tại Việt Nam
Như dự báo của tổ chức nghiên cứu Business Monitor International (BMI), đến năm 2020, Việt Nam được đánh giá là nước có tăng trưởng tiêu dùng thực phẩm – đồ uống cao thứ 3 trong nhóm các nước châu Á được khảo sát. Điều đó cho thấy triển vọng của ngành công nghiệp thực phẩm – đồ uống khá “màu mỡ”, có khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới.
Tiềm năng của ngành thực phẩm – đồ uống Việt Nam được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực như dân số đông (gần 100 triệu người) với tốc độ tăng bình quân 1,2%/năm; cơ cấu dân số trẻ (68% hay 60,7 triệu người dưới 40 tuổi); tỷ lệ đô thị hóa cao; thu nhập bình quân đầu người tăng cao; mạng lưới bán lẻ dày đặc khuyến khích người dân mua hàng.
Cạnh tranh khốc liệt
Trên thực tế, thu hút nguồn vốn FDI trong công nghệ chế biến, chế tạo luôn đứng đầu các ngành thu hút FDI vào Việt Nam. Với giá trị của công nghiệp thực phẩm – đồ uống chiếm tỷ trọng 21,7% trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy nguồn vốn ngoại tấn công vào mảng này không nhỏ, chứng tỏ thị trường này hết sức sôi động và mang tính cạnh tranh cao giữa khối ngoại và khối nội.
Cụ thể hơn, trong lĩnh vực đồ uống, như thị trường sữa tại Việt Nam, tiềm năng tăng trưởng vẫn rất lớn bởi tiêu thụ sữa bình quân đầu người nước ta mới đạt 18 lít/người/năm, thấp hơn nhiều so với mức bình quân trên thế giới là 103,4 lít; xu hướng sử dụng sữa như một loại thực phẩm tăng cường sức khỏe ngày càng cao…
Hoặc ngành đồ uống có cồn được dự báo tăng trưởng CAGR sẽ tiếp tục tăng 10,4% từ nay đến năm 2019. Sức hấp dẫn của ngành đến từ việc dịch chuyển từ phân khúc bia thấp và trung cấp sang phân khúc bia cao cấp khi thu nhập của người tiêu dùng tăng lên.
Đặc biệt, các DN FDI tăng đầu tư vào phân khúc bia cao cấp tại Việt Nam. Nhiều DN lớn ngành bia thế giới đang xây nhà máy mới, nâng công suất nhà máy hoặc qua mua bán sáp nhập (M&A) để nhanh chóng tham gia thị trường nhằm phát triển dòng bia cao cấp tại Việt Nam.
Theo nghiên cứu của hãng Sapporo Việt Nam, trong 10 năm tới, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng gấp 2 – 3 lần, là yếu tố cốt lõi để phân khúc bia cao cấp ngày càng lớn mạnh.
Ngành đồ uống không cồn cũng được dự báo có tăng trưởng ổn định với mức 8,9%/năm giai đoạn 2016 – 2019. Với tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường khác nên thu hút nhiều thương hiệu lớn (Pepsi Co, Coca Cola).
Điểm yếu dễ nhận thấy là các DN nội trong ngành đồ uống đang ngày càng thu hẹp thị phần (50% thị phần ngành này đang rơi vào bàn tay của khối ngoại) do kênh bán lẻ bị thâu tóm bởi các DN nước ngoài và sự cạnh tranh khốc liệt với các hãng ngoại có tiềm lực mạnh.
An toàn vệ sinh thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức cũng khiến cho một số thương hiệu của khối nội trong lĩnh vực này bị người tiêu dùng tẩy chay.
Cũng theo lưu ý của giới chuyên gia, với các DN Việt Nam trong nhóm ngành thực phẩm – đồ uống, ngoài nguy cơ bị khối ngoại lấn chiếm thị phần, thách thức lớn vẫn là phải nhập khẩu một phần hoặc toàn bộ máy móc, dây chuyền sản xuất từ nước ngoài với chi phí cao; nhập khẩu một số nguyên liệu phục vụ cho sản xuất do trong nước chưa sản xuất được…
Thế Vinh