Sự ra đi của sữa Dumex, vốn cũng đã quen thuộc với người tiêu dùng Việt trong dòng sữa công thức dành cho trẻ em, xem ra khá mâu thuẫn khi ngành sữa ở Việt Nam vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng tốt.
Chia tay vì thị phần nhỏ?
Ngay cả tiềm năng tiêu thụ của thị trường sữa Việt Nam được đánh giá là vẫn còn rất lớn và chưa dừng lại, trong 5 năm tới được dự báo sẽ tăng gấp rưỡi, đạt mức 27 – 28 lít sữa/người/năm, sẽ tăng trưởng 9%/năm.
Chưa kể, mặt hàng sữa thuộc nhóm hàng tiêu dùng đang được Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) đánh giá có tăng trưởng chỉ số thuộc top đầu trong 9 tháng đầu 2016, đạt 26,10%. Ngay như nhóm hàng có ảnh hưởng gián tiếp đến mặt hàng sữa là Chăm sóc sức khoẻ cũng có chỉ số tăng trưởng rất lớn, đến 56,04%.
Chính vì thế, việc chính thức chia tay thị trường Việt Nam của Dumex, như xác nhận của công ty Danone Việt Nam thuộc Tập đoàn Danone (Pháp) – chủ của thương hiệu này, khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Nhất là khi lý do được doanh nghiệp (DN) này đưa ra là vì không thể tiếp tục tăng cường đầu tư khi thị phần của sản phẩm Dumex tại Việt Nam chưa đủ để thúc đẩy.
Hồi tháng 8/2016, vị CEO của Danone Việt Nam đã phải phát thông báo gửi đến các Bệnh viện/Ban lãnh đạo/các chuyên gia ngành y tế/nhân viên y tế về nội dung: “Tập đoàn Danone – Nhánh Dinh dưỡng đầu đời đã quyết định chấm dứt việc phân phối sản phẩm Dumex tại thị trường Việt Nam cùng với việc đóng cửa công ty TNHH Danone Việt Nam vào đầu năm 2017.
Trong thông báo này có nêu: Chúng tôi rất tự hào về chất lượng sản phẩm và giá trị dinh dưỡng của sản phẩm Dumex, tuy nhiên thị phần của Dumex đã trở nên rất nhỏ để có thể tiếp tục đầu tư trong thời gian tới.
Có nhận định cho rằng vấn đề rút lui của nhãn sữa này là do không chịu nổi sức ép cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu nội địa như Vinamilk, TH True Milk đang chiếm trên 50% thị phần. Trong khi bản thân Dumex cũng không “địch lại” các đối thủ ngoại hàng đầu như Abbott, Dutch Lady, Mead Johnson, Nestle…
![]() |
"Miếng bánh" thị phần sữa Việt Nam sinh lời cao nên khối ngoại đã đầu tư rất mạnh về tiếp thị để giành thị phần
Theo giới chuyên gia, “miếng bánh” thị phần sữa tại Việt Nam có mức sinh lời cao nên nhiều DN thuộc khối ngoại đã đầu tư rất mạnh về tiếp thị để giành lấy thị phần, nhất là ở mảng sữa bột và sữa nước (mảng sữa bột hiện nay xem như khối ngoại đang chiếm phần lớn, riêng mảng sữa nước thì Vinamilk là đại diện của khối nội vẫn đang dẫn đầu). Nếu “anh nào” không mạnh về tài chính để đầu tư giành thị phần thì chuyện rút lui như Dumex là khó tránh khỏi.
Trở ngại kênh phân phối
Như phân tích của nhóm chuyên gia từ một công ty chứng khoán, mảng sữa đặc là mảng sản phẩm đã bão hòa, chủ yếu được cung cấp làm nguyên liệu cho các nhà máy bánh kẹo và cà phê, do đó tốc độ tăng trưởng dài hạn rất thấp, ước đạt 1%/năm. Mảng sữa nước đang dần bước vào giai đoạn bão hòa, nhưng với cơ cấu dân số trẻ và mức thu nhập dần tăng lên, tăng trưởng dài hạn mảng sản phẩm này ước đạt 8%.
Riêng mảng sữa bột, thị trường sữa bột ở 6 thành phố lớn ở Việt Nam đang có xu hướng bão hòa, triển vọng của mảng sữa bột tại các thành phố nhỏ và nông thôn vẫn rất tích cực (với 70% dân số, 2 triệu trẻ em từ 0-6 tuổi) và người tiêu dùng tại đây đang có thu nhập ngày càng cải thiện, quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của con cái.
Áp lực cạnh tranh với mảng sữa bột tăng lên từ các sản phẩm ngoại nhập trong khi tâm lý ưu tiên dùng hàng ngoại của người tiêu dùng vẫn phổ biến. Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng của thị trường sữa bột ở Việt Nam vẫn được cho là còn rất lớn (ước đạt 8%).
Thực tế cho thấy, áp lực cạnh tranh buộc DN sữa nội lẫn sữa ngoại đang phải tăng các chi phí bán hàng để duy trì thị phần. Chưa kể, theo lộ trình kết thúc đàm phán TPP các sản phẩm sữa từ Mỹ, Úc và New Zeland về Việt Nam sẽ có mức thuế giảm từ 7% năm 2015 xuống còn 0% năm 2018. Điều này sẽ tạo sức ép cạnh tranh lên các công ty sản xuất sữa nội địa.
Trong khi đó, với các nhãn sữa nội, kênh phân phối, nhất là trong hệ thống các siêu thị không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Theo ông Ngô Minh Hải – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TH, việc kết nối với hệ thống siêu thị và các kênh phân phối cũng còn có những mặt khó khăn, hạn chế.
Trong khi kênh phân phối truyền thống còn có khả năng mở rộng thị phần thì việc cung ứng hàng trong siêu thị có những quy định, điều khoản khiến DN phải tính toán, cân nhắc rất nhiều để duy trì kênh phân phối quan trọng này.
Ông Hải đơn cử chi phí bán hàng cao (12 – 18%), mỗi năm các hệ thống siêu thị đều đề nghị tăng mức chiết khấu từ 0,5% – 2%. Ngoài ra, chi phí kê khai sản phẩm mới cao, quy định nhập hàng với thời gian sản phẩm dài (từ 70% trở lên).
Nhiều hệ thống siêu thị quy định thời hạn sản phẩm là 80% dẫn tới nhà cung cấp bỏ qua nhiều cơ hội bán hàng. Chưa kể, chính sách lợi nhuận, giá trong siêu thị cao hơn khá nhiều lần so với kênh truyền thống, điều này dẫn tới sự so sánh của người tiêu dùng khi mua sữa tại siêu thị.
Vị lãnh đạo của TH nhận định thị trường sữa trong thời gian qua có nhiều dấu hiệu thay đổi tích cực mà chủ yếu là do nhận thức của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, DN sữa Việt muốn đứng vững giữa bão thông tin và ma trận cạnh tranh gay gắt giữa hàng nội và hàng ngoại nhập sẽ cần thêm các giải pháp để giải bài toán cho sữa Việt, bảo vệ quyền lợi cho các thương hiệu Việt.
Thế Vinh