Với tiềm năng tiêu thụ các sản phẩm nước giải khát không cồn lên đến 2 tỷ lít/năm, có mức tăng trưởng bình quân 17%, cuộc cạnh tranh trên thị trường nước ép trái cây vốn đang thuộc về các hãng nội như Vfresh của Vinamilk, Tân Hiệp Phát… sẽ thêm phần khốc liệt khi Coca-Cola - gã khổng lồ trong ngành nước giải khát, nhảy vào.
Vị "ngọt" sớm thấy
Không tiết lộ cụ thể về kế hoạch kinh doanh, nhưng trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, ông Ahmet Bozer - Chủ tịch của Coca-Cola, đã bày tỏ đề xuất hợp tác với Bộ này để phát triển ngành công nghiệp đồ uống không cồn, đặc biệt là nhóm đồ uống từ các loại hoa quả.
Được biết trong 3 năm tới, tập đoàn này tuyển khoảng 500 lao động để mở rộng sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực đồ uống không cồn. Mới đây, Coca-Cola cũng vừa khánh thành dây chuyền sản xuất mới tại Đà Nẵng, và lên kế hoạch tiếp tục tiến hành các dự án đầu tư tại Hà Nội và Tp.HCM đến năm 2015. Đây được xem như là một trong những kế hoạch giúp hãng này mở rộng kế hoạch kinh doanh ra ngoài sản phẩm đang thống trị thị trường.
Với tiềm năng về trồng các loại trái cây, việc có một tập đoàn lớn nước ngoài đầu tư sản xuất các sản phẩm nước trái cây như Coca-Cola, góp phần tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản cho Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ từ phía Bộ Công Thương. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết sẽ sẵn sàng hỗ trợ Coca-Cola triển khai ý tưởng kinh doanh các sản phẩm có sử dụng nông sản của Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn trong lĩnh vực chế biến đồ uống hoa quả, hãng này sẽ tăng cường sử dụng nguyên liệu của Việt Nam.
Dù chưa biết cụ thể về kế hoạch kinh doanh của Coca-Cola tại Việt Nam, nhưng với định hướng nhảy vào thị trường nước giải khát không cồn của một trong những hãng nước giải khát lớn nhất thế giới, cùng sự hưởng ứng và ủng hộ của một trong những bộ đầu ngành của Việt Nam, chiến lược mở rộng thâm nhập các sản phẩm nước trái cây tại thị trường Việt Nam của hãng này sẽ có nhiều thuận lợi.
![]() |
Thực tế cho thấy hiện Coca-Cola mới chỉ giới thiệu sản phẩm nước ép cam Teppy, nhưng sản phẩm này đã gây ấn tượng mạnh trên thị trường với dòng nước cam có tép duy nhất tại Việt Nam. Mặc dù chỉ có mặt trên thị trường từ năm 2010, nhưng theo hãng nghiên cứu tiêu dùng W&S, nước ép cam Teppy đã trở thành một trong 4 nhãn hiệu được sử dụng nhiều nhất trong các dòng sản phẩm nước ép, tức là chỉ đứng sau Vfresh của Vinamilk, Number 1 của Tân Hiệp Phát, Twister của PepsiCo.
Thị trường nước giải khát tại Việt Nam trong những năm gần đây đã có tốc độ phát triển khá nhanh, với xu hướng nổi lên là chuyển từ nước giải khát có gas sang các sản phẩm nước giải khát không gas, đặc biệt là các sản phẩm nước ép trái cây bổ sung dinh dưỡng.
Bộ Công Thương dẫn số liệu từ các nhà phân tích công nghiệp toàn cầu (GIA) dự báo thị trường nước ép trái cây và rau quả sẽ đạt 72,79 tỷ lít đến năm 2017, với sự tăng trưởng mạnh mẽ khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm đồ uống có lợi cho sức khoẻ.
Cần thêm nhiều "vị"
Theo W&S, có đến 86% người tiêu dùng nhận thấy lợi ích sử dụng sản phẩm nước ép trái cây, và có 24,4% người sử dụng ít nhất 1 lần/ngày; 23,5% sử dụng 2 - 3 lần/tuần. Do đó, việc các hãng sản xuất nước giải khát lớn tại Việt Nam chuyển dịch đầu tư và kinh doanh sang các sản phẩm đồ uống không cồn, nước trái cây dinh dưỡng được dự báo sẽ trở thành xu hướng mạnh mẽ trong tương lai, và sự cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng khốc liệt hơn.
Hiện các sản phẩm nước ép mang nhãn hiệu Vfresh của Vinamilk đang chiếm tỷ lệ người dùng cao nhất, đặc biệt là sản phẩm nước cam ép khi chiếm đến 69,3%, nước táo ép chiếm 42,3%. Đứng ở vị trí tiếp theo là một số dòng sản phẩm của Number 1 và Twiter, Teppy.
Cũng theo những người tiêu dùng được W&S khảo sát, việc lựa chọn sử dụng chủ yếu dựa trên những yếu tố liên quan đến vấn đề dinh dưỡng và thành phần tự nhiên của sản phẩm khi các sản phẩm này có ít phẩm màu tổng hợp, giữ nguyên vị trái cây tươi và bổ sung thêm vitamin tự nhiên. Tuy nhiên, so với nhu cầu sử dụng các sản phẩm nước ép trái cây đang ngày càng gia tăng, số lượng các sản phẩm hiện có vẫn chưa đáp ứng được khẩu vị đa đạng của người dùng. Nhiều chuyên gia đánh giá thị trường nước ép trái cây vẫn đang bị bỏ ngỏ và chưa có sự đầu tư thoả đáng so với tiềm năng tiêu dùng cũng như nguồn nguyên liệu trái cây đa dạng tại Việt Nam.
Gs. Nguyễn Lân Dũng - Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn khoa học - giáo dục (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), cho rằng: "Đầu tư vào lĩnh vực nước uống không cồn, trong đó có trái cây còn thấp. Chưa có sự nghiên cứu, đầu tư thì chưa thể có thị trường nước uống được. Một trong những nguyên nhân chúng ta không làm được là vì chưa có công nghệ đóng hộp bảo quản các sản phẩm. Chúng ta mới chỉ có những chai đơn giản, trong khi đóng hộp giấy như các nước thì quá đắt, nên cũng là rào cản cho các doanh nghiệp. Do đó, cần có sự phối hợp với các nhà khoa học và doanh nghiệp để có thị trường nước uống hoa quả phong phú".
Nguyễn Sơn