Một phái đoàn gần 30 doanh nghiệp của thành phố Saint-Petersburg (Liên bang Nga) trong nhiều lĩnh vực như: ngân hàng, dầu khí, cấp thoát nước, y tế, hệ thống điện tử, năng lượng, y sinh, dược phẩm, cửa hàng tiện lợi… đã đến Tp.HCM vào hôm qua (8/12) để tìm cơ hội hợp tác đầu tư và tham dự “Diễn đàn doanh nghiệp Tp.HCM – Tp. Saint-Petersburg”.
Muốn tăng xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường Nga đòi hỏi chất lượng phải tốt.
Giao thương chưa tương xứng
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM, cho biết trong 11 tháng 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Tp.HCM và Nga đạt 226,24 triệu USD. Hiện nay, có 21 dự án của doanh nghiệp Nga đầu tư tại Tp.HCM với tổng vốn gần 32,45 triệu USD, xếp thứ 29 trong tổng số 71 nước và vùng lãnh thổ có FDI tại Tp.HCM, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông.
Ông Khoa cho rằng con số này còn khiêm tốn, chưa tương xứng với mức quan hệ hợp tác và tiềm năng giữa 2 bên, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (trong đó có nước Nga) đã được ký kết.
Đơn cử như tại Tp.HCM hiện có 2 văn phòng đại diện thương nhân Nga là “NPF Materia Medica Holding” (nhập khẩu dược phẩm) và “Gloria Jeans Corporation” nhưng sự hiện diện và kết quả hoạt động của hai văn phòng đại diện này vẫn còn khá khiêm tốn.
Theo số liệu thống kê gần đây của Tổng cục Hải quan, riêng 10 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nga chỉ đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Số kim ngạch này đã giảm 16,08% so với cùng kỳ năm ngoái đã cho thấy việc xuất khẩu vào thị trường Nga vẫn còn không ít thách thức.
Chia sẻ với các doanh nghiệp Tp.HCM, ông Georgy Poltavchenko, Thống đốc Tp.Saint Petersburg, cho rằng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam và Liên bang Nga nói riêng và Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU) nói chung cùng tham gia đang bước vào giai đoạn có hiệu lực, sẽ mở ra những triển vọng hợp tác mới cho hai nước ở nhiều lĩnh vực.
Theo ông Georgy Poltavchenko, sự tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước cũng như sự kết nối giữa các địa phương là những nhân tố thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt – Nga. Trong đó, Tp.HCM và Saint Petersburg được kỳ vọng trở thành hai địa phương tiên phong đẩy mạnh kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới.
Rộng cửa nhưng không dễ
Số liệu của Cơ quan Hải quan Nga mới đây cho biết nhập khẩu của Nga từ Việt Nam hồi năm ngoái chủ yếu là máy móc và thiết bị (47%), hàng dệt may, giày dép (25%), lương thực thực phẩm và nông sản nguyên liệu (17%).
Thực tế cho thấy, dù FTA có hiệu lực thì khi xuất khẩu sang thị trường Nga, hàng Việt vẫn gặp không ít bất lợi. Như Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã từng chỉ ra sự cạnh tranh mạnh về giá cả, chi phí vận chuyển, chất lượng, mẫu mã, bao bì, chất lượng… với các quốc gia khác có nguồn cung tương tự.
Rào cản lớn nhất là thời gian vận chuyển hàng hoá từ Việt Nam sang Nga hiện nay được cho là khá lâu, nếu bằng đường tàu biển phải mất ít nhất 50 ngày, thông thường chi phí vận chuyển khá cao nên sẽ khó địch lại các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ấn Độ…
Đó là chưa kể phương thức thanh toán của đối tác Nga khi nhập khẩu hàng Việt Nam chủ yếu theo hình thức D/P, trả chậm 40-60 ngày làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu chưa thật sự mặn mà. Nhưng bù lại, khi chia sẻ với PV Thời báo Kinh Doanh, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho rằng làm ăn với đối tác Nga vẫn yên tâm hơn so với một số thị trường xa khác vì họ luôn biết giữ uy tín.
Theo Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EAEU ký kết ngày 29/5/2015, rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam vào thị trường Nga sẽ giảm. Nhưng để tăng xuất khẩu thì không phải chuyện đơn giản.
Trước tiên, các nhà sản xuất Việt Nam khi vào thị trường Nga hay các nước EAEU sẽ nhận được ưu đãi trong việc tiếp cận thị trường và có thể nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng hoá của mình tại thị trường các nước này so với các mặt hàng tương tự của các nước khác không được hưởng ưu đãi. Đặc biệt là mức thuế nhập khẩu trung bình sẽ giảm từ 9,7% xuống còn 2% giá trị khai báo hải quan vào năm 2025.
Cũng cần nói thêm rằng tổng giá trị nhập khẩu hàng công nghiệp nhẹ (như quần áo, ga giường, giày dép) của Nga và các nước EAEU là hơn 12 tỷ USD, nhưng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 4% tổng giá trị này (khoảng 500 triệu USD). Ngoài ra, những yêu cầu về vệ sinh thực phẩm đối với hàng nông sản xuất khẩu, trong đó có trường hợp xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này cũng không cho phép tăng sản lượng xuất khẩu cá nhờ vào hàng chất lượng kém.
Hoặc như mặt hàng gạo, phía Việt Nam sẽ được cấp hạn ngạch tối thiểu (để xuất khẩu với thuế suất nhập khẩu 0%) ở mức 10.000 tấn. Hạn ngạch này không vượt quá 5% tổng nhập khẩu gạo từ các nước thứ ba và 20% lượng nhập khẩu trung bình hàng năm từ Việt Nam vào EAEU.
Hay như những loại hàng hoá nhạy cảm hơn được sản xuất tại Nga và các nước EAEU (như áo bành tô, bộ comple, quần áo theo bộ, áo jacket, áo vét) sẽ vẫn duy trì chế độ bảo hộ bằng thuế quan. Còn các loại hàng hoá ít nhạy cảm hơn (áo sơ mi, áo nữ, áo liền váy, quần, váy, đồ lót, áo len, quần áo trẻ em) dự kiến sẽ áp dụng cơ chế ngưỡng đặc biệt, cho phép khi có nguy cơ xấu với thị trường, có thể dễ dàng áp dụng thuế bằng mức trong biểu thuế hải quan thống nhất của EAEU. Cơ chế ngưỡng này cũng được áp dụng với mặt hàng đồ gỗ.
Do đó, để tận dụng cơ hội từ FTA và tiến sâu vào thị trường Nga và EAEU đòi hỏi các doanh nghiệp Việt cần nỗ lực rất nhiều trong thời gian tới, bên cạnh việc khắc phục chi phí vận chuyển cao thì các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các quy định, cam kết, những mặt hàng nhạy cảm, ít nhạy cảm, các thông tin về biểu thuế suất, về xuất xứ, chất lượng hàng hoá…
Thế Vinh